Nhân Ngày quốc tế Người khuyết tật (3-12): Giúp người khuyết tật hòa nhập

Mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Trung (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa - một người mù) đều dành thời gian luyện tập đàn organ để biểu diễn trong các đám tiệc. Nhờ công việc này mà anh Trung được giao tiếp nhiều hơn với mọi người, nhất là kiếm được tiền phụ giúp gia đình vốn còn nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện tặng quà cho học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: S.Thao

Anh Trung nằm trong số hàng ngàn người khuyết tật (NKT) được hỗ trợ giáo dục mỗi năm để có cơ hội tìm việc làm tiến tới hòa nhập với cộng đồng.

* NKT tự tạo việc làm

Anh Trung cho hay, khởi đầu anh biết chơi đàn nhờ vào những giờ học âm nhạc tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Tại đây, ngoài học văn hóa thông qua chữ nổi, anh còn được các giáo viên âm nhạc kèm cặp trên lớp. Có giáo viên nhiệt tình còn dành thời gian đến tận nhà luyện đàn thêm cho anh.

“Tuy không có nhiều lời mời biểu diễn nhưng công việc này cũng mang lại thu nhập hàng tuần. Nếu không có nghề đàn thì không biết người mù như tôi sẽ tìm được việc gì phù hợp nữa” - anh Trung chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có 32,6 ngàn NKT nặng, NKT đặc biệt nặng và hộ gia đình chăm sóc đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng của Nhà nước.

Một người mù khác cũng tìm được việc làm thông qua những chương trình hỗ trợ giáo dục do tỉnh thực hiện là ông Trần Thiện Minh (ngụ H.Trảng Bom).

Ông Minh kể, năm 2001, ông được Hội Người mù tỉnh gửi đi học nghề xoa bóp tại Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng Hội Người Mù Việt Nam ở Hà Nội. Kết thúc khóa học, ông được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhờ có nghề này, ông tìm được công việc với thu nhập ổn định, không phải lầm lũi ngoài trời mưa gió để mưu sinh.

Hiện ông Minh vừa tham gia hướng dẫn kỹ thuật xoa bóp cho những người mù khác, vừa trực tiếp chăm sóc cho khách. Ngoài ra, ông còn mở 2 cơ sở xoa bóp người mù tại H.Trảng Bom để giúp nhiều người mù có việc làm.

Còn với bà Lâm Thị Hồng Nhung (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) dù cụt 2 tay, 2 chân thì teo tóp nhưng vẫn nỗ lực lao động mưu sinh bằng việc bán vé số dạo.

Bà Nhung cho hay, trên chiếc xe lăn, mỗi ngày bà di chuyển qua từng con ngõ nhỏ để mời người qua đường mua vé số. Tuy vất vả nhưng giúp bà có thu nhập. Rồi nhờ tiết kiệm, bà mở thêm một quầy tạp hóa nhỏ tại nơi ở để bán hàng cùng với vé số.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ MỘNG THU, căn cứ Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, NKT có mức trợ cấp thấp nhất là 600 ngàn đồng/tháng và cao nhất là 1 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, ngân sách tỉnh chi trợ cấp cho NKT khoảng 150-180 tỷ đồng.

Bên cạnh ngân sách tỉnh, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp NKT rất cần sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Do vậy, Sở LĐ-TBXH rất mong nhận được sự chung tay đóng góp, hỗ trợ từ cộng đồng để NKT ngày càng có cuộc sống tốt hơn.

* Cộng đồng tham gia tạo việc làm cho NKT

Ngoài việc NKT tự tạo việc làm bằng nghề được học, nhờ khả năng của bản thân, tại Đồng Nai thời gian qua còn xuất hiện nhiều môi trường việc làm dành cho NKT.

Cụ thể, hiện ở TP.Biên Hòa có 2 cơ sở giặt ủi mà hầu hết người lao động là NKT; trong đó tiệm giặt ủi Sáng (ở P.Hố Nai) hiện là nơi làm việc của 4 người điếc đến từ các địa phương trong tỉnh.

Chị Lương Thị Kiều Thúy bị khiếm thính và là người sáng lập mô hình làm việc dành cho NKT này cho hay, môi trường làm việc ở tiệm giặt ủi Sáng tạo cho mỗi người sự tự tin vì được sống, làm việc với cộng đồng nhỏ sử dụng ngôn ngữ giống mình. Thêm vào đó, khi được tiếp xúc với khách hàng, NKT được hòa nhập với xã hội thay vì hạn chế giao tiếp với xung quanh như trước đây. Thu nhập mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/người, ngoài ra còn có chế độ thưởng vào các dịp lễ, Tết đã giúp cho NKT cảm thấy mình có ích với gia đình hơn.

Hay ở quán cà phê Khuyết (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom), tất cả 5 lao động làm việc ở đây là NKT. Ông Đinh Văn Tâm, bị khuyết tật chân và hiện là quản lý quán cà phê cho biết, thông qua sự trợ giúp của một người bạn, ông cùng những NKT khác có địa điểm để mở quán cà phê. Rồi bạn ông lo toàn bộ kinh phí ban đầu cho quán, không lấy tiền thuê đất. Những NKT trong nhóm tự mua sắm nguyên liệu cần thiết, phân chia công việc cho nhau để bán hàng. Lợi nhuận được tính toán để trả công lao động cùng những phát sinh khác.

Chị Trương Thị Như Ngọc, nhân viên tiệm giặt ủi Sáng kiểm tra và phân loại những vật dụng cần giặt trước khi cho vào máy

Ngoài ra, nhiều chương trình trợ giúp vốn dành cho NKT tự tạo việc làm cũng đang phát huy tác dụng. Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Mai Văn Nhỏ, thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân chất độc da cam phát huy năng khiếu, khả năng lao động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố còn huy động nhiều nguồn lực để tặng dụng cụ hỗ trợ vận động, vốn vay cho từng trường hợp.

Trong đó, mỗi hội cấp xã còn cho từ 3-5 nạn nhân chất độc da cam vay vốn để tự tạo việc làm với số tiền từ 2-20 triệu đồng/trường hợp. Riêng năm 2023, Sở LĐ-TBXH, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT đã trao vốn cho 81 gia đình có NKT, nạn nhân chất độc da cam với tổng số vốn hơn 1,2 tỷ đồng. Thời gian qua, số vốn được nạn nhân chất độc da cam sử dụng có hiệu quả và hoàn trả đúng thời hạn cho đơn vị quản lý.

Ngoài ra, nhiều CLB, hội nhóm cũng tích cực trợ giúp NKT có việc làm. Như CLB Hỗ trợ NKT vươn lên thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai là địa chỉ quen thuộc trợ giúp vốn cho NKT tự tạo việc làm. Mỗi năm, CLB đều tổ chức lễ trao vốn hỗ trợ NKT theo hình thức hoàn lại và không hoàn lại.

Còn CLB NKT H.Long Thành là nơi bảo lãnh để NKT lấy vé số bán trước, trả tiền vốn sau; tiếp nhận quà tặng là thực phẩm, dụng cụ hỗ trợ để phân bổ cho từng NKT.

Hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Đồng Nai cùng 13 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được tỉnh cấp giấy phép hoạt động đang chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ ăn ở, tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho gần 1,3 ngàn trường hợp, trong số này có 146 trường hợp là NKT. Ngoài ra, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai đang giáo dục, chăm sóc cho 210 học sinh khuyết tật.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/nhan-ngay-quoc-te-nguoi-khuyet-tat-3-12-giup-nguoi-khuyet-tat-hoa-nhap-c3b4d07/