Nhận món của hồi môn của mẹ kế trước ngày cưới, cô gái bưng mặt khóc nức nở

Trước ngày cưới một ngày, có người họ hàng mang lên cho tôi một gói quà được gói rất kỹ lưỡng. Khi mở ra tôi đã giật mình khi trong đó là...

Năm tôi lên 12 thì mẹ tôi gặp tai nạn mà qua đời. Có mỗi con gái là tôi nên ba tôi khi ấy dồn hết nhớ mong và thương yêu người vợ quá cố cho tôi. Khoảng ba năm sau ngày giỗ mẹ tôi, ba tôi ngày càng bận rộn với công việc buôn bán đang phất lên từng ngày.

Ông nghĩ đã đến lúc tôi cần một người chăm sóc, nên ông quyết định cưới thêm vợ. Tôi khi ấy tuy còn nhỏ nhưng rất bướng bỉnh và ngang tàng. Tôi giẫy nảy nhất quyết không chịu gọi ai khác là “mẹ”. Đối với tôi mẹ là duy nhất và không ai được phép thay thế vị trí của bà trong ngôi nhà này.

Ngày dì về nhà, tôi đến một nụ cười cũng không dành cho bà. Ba tôi cũng chỉ nghĩ tôi con nít, rồi sẽ hiểu chuyện. Ông bắt đầu bận rộn với những kế hoạch mở rộng kinh doanh của mình. Tôi không thích dì, vì bà ấy luôn cười rất dịu dàng ở trong ngôi nhà đã từng có mẹ tôi tồn tại.

Một đứa trẻ như tôi lúc đó chỉ có suy nghĩ rằng phải tìm cách đuổi bà ấy đi, tôi không muốn mẹ tôi ở suối vàng đau buồn. Tôi trở nên hư hỏng trong mắt bà, tôi cố ý quăng đồ đạc đầy nhà, làm dơ mọi thứ. Nhưng dì ấy cũng không la mắng tôi tiếng nào, chỉ lẳng lặng dọn dẹp mọi thứ.

Rồi một hôm khi ba tôi về nhà, lại là lúc dì thu gom đồ đạc đã cũ đem đốt. Tôi cố ý để một tấm ảnh của mẹ vào chỗ đồ bà chuẩn bị đi đốt. Đến khi bà bắt đầu đốt thì tôi khóc ré lên chạy đi tìm tấm hình của mẹ tôi.

Thấy tôi nhào đến đám lửa, dì ấy vội kéo tôi lại rồi đánh vào mông tôi một cái đau điếng. Như que diêm châm ngòi bao lâu nay, tôi khóc rống lên đòi ba.

- Hình của mẹ con. Dì đốt hình của mẹ con. Ba ơi con ghét dì, sao dì lại đốt hình của mẹ con?

Tôi biết ba tôi thương mẹ tôi lắm. Chẳng sai, khi ấy ông trừng mắt lên nhìn dì. Tối đó ở bên phòng ngủ, tôi nghe tiếng la mắng của ba mình.

Tôi hả hê lắm. Tôi định bụng cứ thế này thế nào ba tôi cũng đuổi mẹ tôi đi. Nhưng chưa nghĩ ra được trò gì hay thì ba tôi đã đưa tôi vào trường nội trú ở thành phố học. Dù tôi khăng khăng không chịu, nhưng ông vẫn bắt tôi rời xa ông khi mới 14 tuổi.

Những tháng ngày học xa nhà, ba tôi chỉ lên thăm tôi đúng ba lần. Tiền học phí, sinh hoạt của tôi đều được gửi đều đặn, chưa bao giờ thiếu. Vậy mà bao lần tôi gọi về nhà cũng không gặp được ba, đều là dì nghe máy.

Tôi thật không muốn nói chuyện cùng dì nhưng chỉ qua bà ấy tôi mới biết ba đang như thế nào. Lúc nào dì cũng bảo rằng ba tôi đang bận.

Và bất cứ khi nào tôi muốn về nhà dì bảo ba tôi không cho, ba chỉ muốn tôi lo học, có dịp ba sẽ lên thăm tôi. Có lần tôi bảo tôi sẽ lén về, dì vội nói nếu tôi về một lần nào, ba sẽ không gặp mặt tôi nữa. Tôi đã nghĩ, có phải ba đã quên tôi rồi không?

Đến năm 18 tuổi, là 4 năm tôi xa nhà, tôi nhận được điện thoại của dì. Bà ấy bảo tôi về quê đi. Tôi nghe mà mừng lắm, cuối cùng ba cũng đã cho tôi về thăm ông. Nhưng trái lại với sự hớn hở vui mừng của tôi thì cảnh tượng trước mắt khiến tôi như chết trân.

Căn nhà từng ấm cúng của gia đình giờ đây lại ngập tang thương trong lễ tang của ba tôi. Tôi gào khóc đến khàn cả giọng bên linh cửu của ông. Người cha khỏe mạnh của tôi sao bây giờ lại thế này? Tôi lao đến giận dữ trách móc dì. Rõ ràng là bà nói ba tôi đang rất bận, ba tôi luôn khỏe mạnh cơ mà. Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ là: “Ba không muốn con đau lòng khi thấy ông ấy bệnh tật”.

Ngay giờ phút tang lễ ấy, tôi đã không kiềm chế được mình mà trách móc dì. Tôi lại còn phát hiện hóa ra mình có một đứa em cùng cha khác mẹ đã hai tuổi. Điều này lại càng khiến tôi điên lên, tôi hỏi bà ta có phải vì đứa trẻ này mà đã gạt tôi không cho tôi về thăm ba?

Với suy nghĩ đó mà sau lần về tang lễ ấy, tôi vốn đã không có cảm tình với dì, giờ lại càng giận bà ấy hơn.

Để rồi vài lần về giỗ ba, tôi thấy đứa em xa lạ của mình cứ gầy ruộc đi. Tôi mở tủ lạnh ra xem thì chỉ toàn thấy rau củ, chẳng có chút gì bổ dưỡng. Lòng tôi chợt chùng xuống.

Mắt tôi cay cay nhưng rồi lại tỏ ra bực dọc. Tôi rời đi, bên tai vẫn nghe tiếng cu Bí lí nhí hỏi mẹ: “Chị giận con sao mẹ?”. Từ đó tôi không về thăm nhà lần nào nữa, nhưng vẫn gửi sữa và bánh về đều đều. Dù sao đó cũng là em tôi, máu mủ vẫn là thứ không thể chối bỏ được, dù tôi luôn khó khăn để chấp nhận nó.

10 năm sau ngày ba tôi mất, tôi chuẩn bị kết hôn. Tôi thông báo tin mừng này cho hai bên nội ngoại và cả dì tôi.

Trước ngày cưới một ngày, có người họ hàng mang lên cho tôi một gói quà được gói rất kỹ lưỡng. Khi mở ra tôi đã giật mình khi trong đó là 5 cây vàng và một lá thư, của dì ấy. Dòng chữ như nhảy múa nhạt nhòa trước mắt tôi:

“Trước khi ba con mất, ông ấy muốn dì giúp chuẩn bị của hồi môn đàng hoàng cho con trước khi về nhà chồng. Dì kém cỏi chỉ có nhiêu đây để tặng con. Xem như dì đã hoàn thành tâm niệm của ba con, sau này có về gặp ổng cũng không thẹn với lòng. Dì chúc con hạnh phúc nhé. Có dịp thì về thăm nhà một chút, cu Bí cứ bảo nhớ con”

Sau này tôi mới biết rằng, ngày trước, khi ba tôi đưa tôi đi học xa là vì ông biết việc làm ăn của mình đã gặp vấn đề. Vì quá thương tôi mà ông không muốn tôi phải sống trong khổ cực.

Cầm cự được mấy năm cho tôi ăn học rồi thì phá sản, đổ nợ. Thời gian đó khổ cực vô cùng, dì là người đã chạy vạy ngược xuôi để có thể giữ lại được ngôi nhà và một ít tiền mượn nợ nần mà để dành cho tôi ăn học.

Ba tôi đổ bệnh cũng từ lúc đó, bệnh nặng rồi qua đời. Suốt 10 năm sau ngày ba tôi mất, dì làm đủ các nghề để có được món của hồi môn này trao cho tôi.

Nước mắt tôi rơi không kiểm soát. Người đàn bà nhỏ nhắn ấy sao có thể hy sinh được nhiều như thế? Trong khi người bà hy sinh cho, là tôi, lại là kẻ vô tâm chẳng biết gì. Trong đầu tôi lúc đó chạy dài hình ảnh người đàn bà nhỏ bé đứng cạnh đứa em trai của tôi. Họ đang cười tươi đợi tôi về...

Theo PNSK

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/nhan-mon-cua-hoi-mon-cua-me-ke-truoc-ngay-cuoi-co-gai-bung-mat-khoc-nuc-no-90191/