Nhân lực cho phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ: Bài 3: Tái cấu trúc nguồn nhân lực

Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ (ĐNB) cần tái cấu trúc lại nguồn nhân lực theo hướng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao để tận dụng thời kỳ dân số vàng, gia tăng năng suất và giá trị lao động.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đã trở thành ngành đào tạo mới của Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: Ngọc Sơn

Theo các chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, điểm yếu về chất lượng nguồn nhân lực đang là nút thắt và rào cản rất lớn, hạn chế sự phát triển bền vững của nền kinh tế ĐNB.

Lao động giá rẻ mất dần lợi thế

Nhiều năm về trước, các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm ĐNB đã đón hàng triệu lao động từ khắp các vùng, miền đến làm việc và sinh sống. Dù có đóng góp rất lớn nhưng không thể phủ nhận, trình độ của lực lượng lao động này vẫn còn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo trước khi vào làm việc. Mặt khác, những lao động được tuyển dụng đa phần vào làm công việc giản đơn, thực hiện các thao tác gia công, lắp ráp là chính.

Khi lao động không có trình độ, bắt buộc phải lựa chọn những công việc giản đơn tại doanh nghiệp (DN) cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận mức lương thấp, cơ hội nâng cao thu nhập trong suốt quá trình gắn bó với DN không nhiều. Đó là chưa kể đến một số rủi ro khi bị DN sa thải ở tuổi lao động đã cao, khiến người lao động rất khó khăn để chuyển đổi việc làm khác. Trình độ tay nghề hạn chế, thu nhập thấp còn khiến người lao động khó cải thiện cuộc sống cả trước mắt lẫn lâu dài, nhất là khi tuổi già.

Theo nhiều DN, công nghệ hiện nay phát triển khá nhanh và chi phí đầu tư công nghệ ngày càng rẻ nên chỉ cần thay đổi một vài khâu trong quản trị, công nghệ sản xuất là có thể thay thế được rất nhiều lao động thủ công, trong khi năng suất và chất lượng ổn định hơn. Theo dự báo, trong khoảng 5-10 năm tới, các DN sẽ tiếp tục đầu tư sâu vào công nghệ để cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí nhân công. Đây thực sự là nỗi lo không hề nhỏ với người lao động có tay nghề thấp và việc đảm bảo an sinh xã hội cho những lao động yếu thế trước sự phát triển của công nghệ.

Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Mong muốn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp là đòi hỏi chính đáng của người lao động. Để làm được, ngoài sự nỗ lực của người lao động phải có vai trò quản lý nhà nước, phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan, phải dành nguồn lực cho vấn đề này mới có thể làm được”.

Chị Huỳnh Thu Phương, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Yangnam Sông Mây (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), cho hay: “Tôi đã làm công nhân may ở 3 công ty. Mỗi lần “nhảy” việc, tôi lại mất đi thâm niên tính lương và trở về với mức lương khởi điểm. Làm nhiều năm nhưng đến nay, mức thu nhập hàng tháng của tôi vẫn còn thấp, chưa thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu, vẫn phải đi ở trọ. Với thu nhập hiện tại, tôi rất khó tích lũy để phòng bệnh tật, xa hơn là khi tuổi già ập đến”.

Từ thực tế phát triển kinh tế tại vùng ĐNB, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương nhiều năm qua cho thấy, việc thu hút quá nhiều dự án gia công, có mức độ thâm dụng lao động lớn đang đặt ra cho các địa phương nhiều hệ lụy và bài toán khó tìm lời giải. Một trong những hệ lụy cụ thể đang phải tập trung giải quyết là áp lực về hạ tầng giao thông, nhà ở, trường học, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tinh thần… Bên cạnh đó là tình hình tệ nạn xã hội phát sinh do ý thức của một bộ phận lao động chưa cao.

Minh chứng rõ nhất qua đợt bùng phát đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân đông. Ngân sách trung ương và địa phương đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trong giai đoạn công nhân bị ngừng việc. Hay giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, DN gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động với số lượng lớn càng khiến người lao động gặp thêm khó khăn, cấp ủy và chính quyền các địa phương phải nỗ lực giải quyết đảm bảo đời sống cho số lượng lớn lao động.

Từ thực tế nói trên, đã đến lúc các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm ĐNB phải hành động quyết liệt hơn, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ thu hút đầu tư có chọn lọc đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhiệm vụ này cần thực hiện một cách đồng bộ để gia tăng giá trị tăng trưởng, đồng thời giúp lao động có thêm điều kiện tiếp cận việc làm chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập.

Lao động cần kỹ năng nghề

Việt Nam đã bước chân sâu vào nền kinh tế thế giới, cơ hội lẫn thách thức luôn đi cùng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng đến mọi hoạt động sản xuất và việc làm của người lao động. Đã xuất hiện không ít nhà máy quy mô, hiện đại, người lao động được thay thế bằng dây chuyền tự động hóa và robot. Do đó, để tiếp tục duy trì vị thế là vùng kinh tế trọng điểm và động lực của cả nước, các tỉnh, thành vùng ĐNB phải khẩn trương bắt tay đầu tư nhanh và nhiều hơn cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai (Việt Nam) ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đòi hỏi công nhân có tay nghề cao. Ảnh N.Hòa

Ông Võ Quang Huệ, người từng có nhiều năm gắn bó với nền công nghiệp ô tô ở châu Âu, sau này đã trở về Việt Nam làm việc cho nhiều tập đoàn lớn như: Bosch, Vinfast và hiện làm cố vấn cho Trường đại học Việt - Đức (tỉnh Bình Dương), cho rằng: “Số lượng lao động lành nghề, có ý thức kỷ luật, có tư duy giải quyết vấn đề một cách chủ động đang thiếu và cần được đào tạo một cách bài bản. Cần triển khai mô hình liên kết đào tạo giữa trường và DN để đào tạo lại và đào tạo mới cho người lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc mà cả cơ sở đào tạo, DN, người học đều được hưởng lợi kép”.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành) Đỗ Nguyên Phương cho hay: “Tự động hóa quy trình sản xuất tại DN đang thay thế con người trong nhiều phần việc lao động chân tay trước đây. Người lao động phải nhanh chóng nâng cấp năng lực, biết tận dụng các lợi thế để khẳng định mình nếu không muốn trở thành lao động dôi dư, đối diện với nguy cơ bị sa thải khi DN tái cấu trúc quy trình sản xuất”.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung cho rằng: “Về lâu dài, nền kinh tế vùng ĐNB không thể tiếp tục dựa vào thế mạnh lao động giá rẻ được nữa. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo các tỉnh, thành nhìn nhận từ khá sớm. Do đó, người lao động rất cần được đào tạo nghề để sở hữu kỹ năng và nâng cao năng suất làm việc tiệm cận với trình độ khu vực để bảo đảm công việc và thu nhập ổn định cho chính mình”.

Đại diện Phòng Nhân sự Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai (Việt Nam) cho hay, thời gian qua, DN đã sắp xếp, điều chỉnh và phát triển đội ngũ nhân viên và quản lý có chất lượng nhằm vận hành hoạt động sản xuất có hiệu quả. Tái cơ cấu nguồn nhân lực giúp DN giảm chi phí, tăng hiệu suất, đồng thời đánh giá đúng năng lực làm việc của mỗi con người cụ thể.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội), DN đang gia tăng tái cấu trúc quy trình sản xuất và đầu tư công nghệ nên nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng sẽ tăng cao. Ngược lại, người lao động trình độ thấp sẽ dần mất đi cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Thị trường lao động sẽ phân hóa công bằng, rõ nét hơn với 2 nhóm đó là kỹ năng thấp - lương thấp và kỹ năng cao - lương cao.

Công Nghĩa - Nguyễn Hòa

Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết ba bên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/nhan-luc-cho-phat-trien-ben-vung-vung-dong-nam-bo-bai-3-tai-cau-truc-nguon-nhan-luc-b6b6048/