Nhận diện nguyên nhân nhằm tháo gỡ 'điểm nghẽn' về chỉ số PCI

Theo số liệu công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đạt 63,21 điểm, đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ và xếp thứ 47 cả nước. Với kết quả này, đây là năm thứ 3 tỉnh Thanh Hóa liên tục bị giảm thứ hạng, từ vị trí thứ 24 năm 2019 xuống thứ 28 năm 2020, thứ 43 năm 2021 và thứ 47 vào năm 2022. Trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Thanh Hóa, có tới 7 chỉ số giảm điểm so với năm 2021; trong đó có nhiều chỉ số thành phần có trọng số lớn bị giảm cả về điểm số và thứ hạng như: Chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức...

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện từ cấp cơ sở kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. (Trong ảnh: DN, người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Quảng Xương).

Năm 2022, chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh Thanh Hóa giảm 0,67 điểm, xếp thứ 54/63 cả nước, giảm 37 bậc so với kết quả năm 2021. Chỉ số gia nhập thị trường được đánh giá dựa trên kết quả sự hài lòng của doanh nghiệp (DN) về các thủ tục như: đăng ký kinh doanh, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, tính công khai, minh bạch của thủ tục đăng ký kinh doanh, sự am hiểu chuyên môn và tinh thần, thái độ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo tổng hợp của VCCI, các DN trên địa bàn tỉnh đã đánh giá về một số hạn chế trong chỉ số này như: DN phải hủy bỏ kế hoạch sản xuất, kinh doanh do khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 28%, cao nhất cả nước (các tỉnh Trà Vinh, Ninh Thuận được đánh giá tốt chỉ có 4%); việc kê khai sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký sử dụng hóa đơn được thực hiện đồng thời với thủ tục đăng ký DN đạt tỷ lệ 17%, thuộc nhóm thấp cả nước (tỉnh Thừa Thiên Huế cao nhất là 93%); cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu chuyên môn đạt 41% (các tỉnh Nam Định, Kiên Giang, Điện Biên... đạt tỷ lệ cao nhất là 100%). Kết quả khảo sát trên đã “kéo” thứ hạng chỉ số gia nhập thị trường giảm rất sâu so với những năm trước.

Với chỉ số tiếp cận đất đai, năm 2022 chỉ số này của tỉnh giảm 0,71 điểm, xếp thứ hạng 53/63 cả nước và giảm 27 bậc so với năm 2021. Đây là chỉ số thể hiện việc tiếp cận đất đai của DN dễ hay khó và tính ổn định trong quá trình sử dụng đất. Theo tổng hợp của VCCI, 71% DN được khảo sát năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã đánh giá thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian; 65% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai...

Về chỉ số tính minh bạch, năm 2022, chỉ số này cũng giảm 0,51 điểm và 21 bậc so với năm 2021. Chỉ số này đo lường nỗ lực của địa phương trong công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, đấu thầu và các phương tiện thông tin cung cấp các tài liệu cần thiết cho DN, nhà đầu tư tìm hiểu... Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc chỉ số này thấp và giảm điểm so với các tỉnh, thành khác có thể vì một số nguyên nhân như: Việc cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh về bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết 1/500, tài liệu ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới, chính sách ưu đãi đầu tư và các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành chưa được đầy đủ và kịp thời; chưa công khai và hướng dẫn DN, nhà đầu tư phương pháp tra cứu khiến DN còn khó khăn trong tìm kiếm thông tin đầu tư; nhiều website của các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương còn sơ sài, chưa cập nhật đầy đủ thông tin mà DN, nhà đầu tư cần khai thác, tìm kiếm...

Mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại liên tục giảm sâu. Kết quả này khiến các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa không khỏi băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng DN trên địa bàn tỉnh được tham gia khảo sát chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (1,06% tổng số DN đang hoạt động), do đó có thể không đại diện hết và chưa phản ánh đầy đủ ý kiến của DN. Tuy nhiên, kết quả công bố vẫn là một căn cứ có tính tham khảo để Thanh Hóa nghiêm túc nhìn nhận rõ hơn về thực trạng chính sách hỗ trợ DN, chất lượng điều hành kinh tế, từ đó tìm ra những phương hướng cải thiện hiệu quả.

Thực tế, tỉnh và các ngành chức năng đều nhận diện rất rõ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN, cũng như nâng cao chỉ số PCI, đó là việc hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư; lao động tuy đông nhưng tay nghề chưa cao khiến DN phải thực hiện đào tạo lại; một số cấp, ngành chưa thực sự năng động, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ DN; tinh thần, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao...

Theo VCCI, đơn vị này vẫn khá ấn tượng với những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong công tác chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên qua nhiều năm đánh giá, Thanh Hóa vẫn “vướng” một lỗi chậm được cải thiện là “sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa thực hiện tốt ở cấp sở, ngành”. Trong khi đó, cấp cơ sở mới là cơ quan trực tiếp tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho DN, nhà đầu tư. Khi nào tinh thần cải cách được hiện thực hóa về tới mỗi sở, ngành, địa phương, từng phòng, ban, từng công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thì mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN mới thành hiện thực.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhan-dien-nguyen-nhan-nham-thao-go-diem-nghen-ve-chi-so-pci/189590.htm