Nhận diện khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, Bộ Xây dựng đang khẩn trương nhận diện, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (Dự án), trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dưng (ĐTXD), từ đó hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết tháo gỡ kịp thời.

Cũng như tuyến cao tốc đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn giai đoạn 2017-2020, công tác chuẩn bị cho các dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2022 đang được gấp rút triển khai (Ảnh internet).

Gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Tròn 1 tháng sau, ngày 11/02/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đối với Bộ Xây dựng, Chính phủ giao hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đang khẩn trương nắm bắt, nhận diện các khó khăn vướng mắc của dự án.

Đặc biệt, ngày 28/3 tới đây, Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp với các Bộ quản lý công trình chuyên ngành, UBND các địa phương, Hiệp hội, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, thi công xây dựng về khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí ĐTXD, hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, từ đó bàn giải pháp tháo gỡ.

Đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ trong việc lập dự toán chi phí ĐTXD

Ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng cho biết: Một trong những vướng mắc tại dự án liên quan đến định mức xây dựng (ĐMXD).

Ông Biên cho biết: Trong các năm 2018 - 2021, hệ thống ĐMXD do Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình chuyên ngành và địa phương ban hành đã được rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung thêm nhiều ĐM theo các loại vật liệu, công nghệ mới.

Tổng số ĐM đã ban hành theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí ĐTXD khoảng 34.000 ĐM (trong đó số ĐM do Bộ Xây dựng ban hành khoảng 15.000), cho hầu hết các công tác xây dựng áp dụng chung, ở các loại công trình (dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật), với các công nghệ, biện pháp thi công được sử dụng phổ biến trên thị trường.

Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ các bộ, địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý ĐTXD (Ảnh Internet).

Riêng đối với các công tác xây dựng phục vụ lập dự toán công trình giao thông đường bộ, qua nắm bắt thông tin từ các đơn vị tư vấn và Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), thì ngoài số ĐM đã được ban hành trong hệ thống ĐMDT sử dụng chung, hiện chỉ mới xuất hiện khoảng hơn 30 công tác xây dựng còn chưa có trong hệ thống ĐM đã được ban hành. Các ĐM này chủ yếu tập trung vào nhóm các công tác xây dựng cầu dây văng, đắp nền đường bằng các vật liệu mới (cát nghiền, đá cuội kết...) hoặc bằng vật liệu tận dụng (đá nổ mìn, đá sau nghiền...).

Một số công tác xây dựng tuy đã có trong hệ thống ĐM đã được ban hành nhưng có yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công khác với ĐM đã được ban hành như khoan cọc nhồi đường kính >2,5m; đắp đất nền đường bằng máy lu bánh thép theo phương pháp đầm cải tiến; đắp đá hỗn hợp nền đường bằng máy lu 25T; thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng với tỉ lệ xi măng 4%...

Song theo ông Biên, các công tác này chiếm tỷ trọng không lớn trong chi phí của dự án ĐTXD công trình giao thông.

Tháo gỡ các tồn tại nói trên, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nội dung cần thực hiện, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị có liên quan khi xác định và quản lý ĐM dự toán mới, ĐM dự toán điều chỉnh trong quá trình lập dự toán xây dựng. Phương pháp xác định ĐM dự toán mới, ĐM dự toán điều chỉnh đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư số 13/2021/TT-BXD đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ trong việc lập dự toán chi phí ĐTXD.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP cũng đã quy định đủ cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức theo dõi, thu thập số liệu, xây dựng ĐM dự toán trong quá trình thi công xây dựng nhằm “làm giàu” hệ thống ĐM hiện có, đáp ứng yêu cầu phục vụ lập và quản lý chi phí ĐTXD.

Vấn đề vướng mắc còn lại trong thực tế hiện nay là các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm, năng lực trong thực hiện xác định ĐM dự toán mới, ĐM dự toán điều chỉnh theo phương pháp Bộ Xây dựng hướng dẫn làm cơ sở lập dự toán.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số địa phương, của một số BQLDA và nhà thầu, thì một số ĐM dự toán ban hành có hao phí thấp hơn so với thực tế. ĐM chi phí quản lý dự án và ĐM tư vấn giám sát công trình giao thông chưa phù hợp với thực tế, nhất là đối với một số dự án có quy mô lớn, trải dài qua nhiều địa phương, thời gian thực hiện dự án kéo dài…

Chịu tác động bởi diễn biến khó lường của thị trường VLXD

Một vướng mắc khác của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là chịu tác động của sự biến động khó lường của thị trường VLXD.

Thời gian gần đây, do tác động của bệnh dịch kéo dài, xung đột xảy ra một số quốc gia…, trên thị trường thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, giá cả nhiên liệu, VLXD chủ yếu có nhiều biến động, liên tục tăng, vượt ngoài khả năng dự báo. Trong khi đó, theo Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xác định, công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các yếu tố đầu vào (vật liệu, nhân công, máy thi công) và chỉ số giá xây dựng (GXD) trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng.

Nhưng trên thực tế, việc công bố giá và chỉ số GXD của hầu hết các địa phương đều có “độ trễ” hơn so với diễn biến thị trường dẫn đến tình trạng giá một số loại vật liệu chủ yếu (thép, xi măng, cát, đá, nhựa đường) công bố tại một số địa phương không bám sát đúng diễn biến giá thị trường. Giá nhân công, máy thi công công bố tại một số địa phương chưa phản ánh đúng mức giá thị trường lao động xây dựng và thuê máy thi công xây dựng.

Chỉ số GXD công bố theo quý, chưa phản ánh sát tình hình biến động GXD công trình, biến động các yếu tố chi phí trong giá thành xây dựng công trình. Thậm chí, một số địa phương không thực hiện công bố chỉ số giá nên không có đủ công cụ để quản lý chi phí, quản lý điều chỉnh hợp đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa bám sát hướng dẫn tại Thông tư 11/2021/TT-BXD về danh mục, thông tin thị trường liên quan đến vật tư, vật liệu công bố trên địa bàn. Một số địa phương chưa thực hiện công bố chi phí vận chuyển vật liệu trên địa bàn, nhất là đối với các vật liệu khai thác (cát, đá, đất đắp)...

Ông Đàm Đức Biên nhận định: Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí các dự án ĐTXD và điều chỉnh giá trong công tác thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu xây dựng đang triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng, khả năng làm chậm tiến độ công trình, dự án.

Và nhất là dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP là xây dựng, công bố giá các loại VLXD (đất, đá, cát, sỏi…) đến chân công trình cho từng gói thầu, dự án thành phần; xây dựng, công bố chỉ số GXD hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu, dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021– 2025.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Để tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ công tác chuẩn bị triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021– 2025, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng giao cho Cục Kinh tế Xây dựng và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn Bộ Giao thông Vận tải, UBND các địa phương xây dựng ĐM dự toán mới chưa có trong hệ thống ĐM đã được ban hành.

Bộ đã thành lập Tổ theo dõi thông tin thị trường GXD, bất động sản, dịch vụ hạ tầng đô thị để kịp thời tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá VLXD và dự báo các kịch bản trong trường hợp biến động giá vật liệu làm cơ sở tham mưu các cơ chế, chính sách điều hành của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xác định và kiểm soát chặt chẽ giá các thiết bị, VLXD trong quá trình lập, quản lý chi phí ĐTXD (về trình tự, thủ tục, tiêu chí cụ thể để xác định giá…), phù hợp với yêu cầu của dự án và thị trường, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra vi phạm trong việc xác định giá vật liệu, thiết bị, ảnh hưởng đến chi phí của dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Mới đây, ngày 23/3/2022, Bộ đã ban hành văn bản số 959/BXD-KTXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp quản lý của nhà nước tại địa phương nhằm kiểm soát và hạn chế việc tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, tích trữ trong thời gian tới.

Trong đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Đối với các địa phương có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua, UBND cấp tỉnh chủ động giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý ĐTXD trên địa bàn được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, đáp ứng yêu cầu về quản lý chi phí ĐTXD cho từng gói thầu, dự án thành phần…

Tại cuộc họp Bộ chủ trì, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương như đề cập ở trên, các bên sẽ tiếp tục nhận diện các vướng mắc, cùng bàn giải pháp nhằm triển khai dự án hiệu quả.

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nhan-dien-kho-khan-vuong-mac-trong-quan-ly-dau-tu-xay-dung-cao-toc-bac-nam-phia-dong-giai-doan-2021-2025-328954.html