Nhân dân là chỗ dựa tin cậy để xây dựng, chỉnh đốn đảng

Kể từ ngày lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), dưới sự lãnh đạo của một đảng mác-xít chân chính; dân tộc ta đã đánh thắng bốn cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của Tổ quốc, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước sau đại thắng mùa xuân, ngày 30-4-1975. Dưới ánh sáng của Cương lĩnh Đổi mới đất nước được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thông qua (năm 1986), các tầng lớp nhân dân đã đồng lòng hưởng ứng và tích cực thực thi trong thực tiễn cuộc sống nên trong 30 năm qua, chúng ta đã thu được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Thực tiễn cách mạng trong 87 năm kể từ ngày lập Đảng, nhất là từ năm 1986 đến nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng ý chí, cùng hành động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta đã tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, trên cơ sở biết chớp lấy thời cơ, tự sáng tạo thời cơ, kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực - cội nguồn làm nên sức mạnh vĩ đại để vượt lên muôn vàn khó khăn do thiên tai, dịch họa gây ra. Trước những thử thách lớn lao của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, chúng ta đã trụ vững và khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ của bầu bạn năm châu. Một trong những bài học có ý nghĩa sâu sắc được nhắc lại nhiều lần trong các nghị quyết Đại hội của Đảng ta - đó là cách mạng chỉ có thể thành công nếu chính đảng lãnh đạo biết đề ra đường lối, chủ trương, chính sách xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; được nhân dân tự giác đón nhận và hăng hái thực thi bằng tất cả niềm tin và sức sáng tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sức mạnh dời non, lấp biển của quần chúng nhân dân một khi được Đảng giáo dục, giác ngộ, thức tỉnh lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự lực, tự cường, mang ý chí: “đem sức ta mà tự giải phóng ta”.

Song, như Bác Hồ đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Trung thành với lời di huấn sâu xa đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XII) nhấn mạnh sự kiên quyết, kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm tăng cường và củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã chỉ ra 27 biểu hiện cụ thể, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và xã hội, được đông đảo nhân dân ta hoan nghênh và đồng tình. Đây là khâu then chốt để làm điểm tựa thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển nhanh và bền vững. Dư luận nhân dân ghi nhận và hoan nghênh sự “vào cuộc” quyết liệt của Trung ương Đảng và Chính phủ gắn lời nói với việc làm, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình với tinh thần “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”; “thi hành kỷ luật một vài người để cứu muôn người” - như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trước ngày kỷ niệm 30 tháng 4 lịch sử, chúng ta vừa kỷ niệm 110 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, đã từng khẳng định rằng: Đảng có mạnh hay không nhờ vào đường lối đúng đắn, sự tin cậy và ủng hộ của nhân dân. Đảng mạnh ở sự gắn bó mật thiết với quần chúng. Chính quyền mạnh ở chỗ nó thật sự là của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, điểm mấu chốt tạo nên sự thành công của Nghị quyết Trung ương 4 lần này, là ở chỗ Đảng cần nghiêm túc lắng nghe sự góp ý kiến chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Nhân dân phải là người giám sát quá trình chỉ đạo, thực thi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Suy cho cùng, mọi sức mạnh, mọi thành công đều bắt nguồn từ lòng Dân hợp ý Đảng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/van-de-thang-nay/item/32744002-nhan-dan-la-cho-dua-tin-cay-de-xay-dung-chinh-don-dang.html