Nhạc Tân cổ điển Italy và những thị phi liên quan tới mafia

Một bộ phận công chúng coi những bài hát của dòng Tân cổ điển ở Italy như công cụ tuyên truyền cho mafia.

Tony Colombo là một trong những tên tuổi lớn nhất của nhạc Tân cổ điển Italy (neomelodica), một phong cách âm nhạc Italy kết hợp các yếu tố của bài hát bằng tiếng Napoli truyền thống với ảnh hưởng của nhạc pop hiện đại. Anh đã phát hành hơn 20 album, tổ chức các buổi hòa nhạc trên khắp Italy, Đức, Canada và Mỹ, có rất nhiều người hâm mộ.

Nghi vấn ca sĩ rửa tiền cho mafia

Người ta cho rằng một phần tài sản của Tony Colombo đến từ việc rửa tiền cho Camorra, băng đảng mafia có nguồn gốc ở tỉnh Neapolitan thuộc Italy. Băng đảng Camorra nổi tiếng nhờ cuốn sách “Gomorrah” của nhà văn Roberto Saviano và bản chuyển thể trên truyền hình của nó.

Ngày 21/12/2021, cảnh sát Italy đã tịch thu nhiều tài sản của Tony Colombo - bao gồm một căn hộ, hai ôtô và 80.000 Euro. Trước đó, năm 2019, Colombo kết hôn với góa phụ của một trùm thuộc băng đảng Camorra và một số người thấy nam ca sĩ tại các bữa tiệc do Camorra tổ chức.

Các công tố viên tin rằng Tony đã nhận những khoản "tiền bẩn" từ gia tộc của vợ và “phù phép” để biến chúng thành thu nhập từ sự nghiệp âm nhạc của anh. Danh ca luôn phủ nhận mọi mối liên hệ tới tội phạm có tổ chức.

Tony Colombo. Ảnh: Napolitoday.

Đó không phải là một trường hợp cá biệt. Các ca sĩ theo dòng nhạc Tân cổ điển thường đối mặt cáo buộc thông đồng với tập đoàn tội phạm Camorra - đôi khi bằng hành động của họ, đôi khi thông qua âm nhạc của họ. Khi giới chức siết vòng vây quanh Tony Colombo, quốc hội Italy cũng đang thảo luận về một đạo luật hình sự hóa hành vi tôn vinh tội phạm.

Nhiều người cảm thấy mục tiêu chính của dự luật không phải là bọn tội phạm, mà là nhạc Tân cổ điển.

Nhạc Tân cổ điển ra đời vào những năm 80 của thế kỷ trước như một phản ứng trước sự thay đổi của xã hội và sự thoái trào của canzone napoletana - thể loại nhạc truyền thống, siêu tình cảm của người Napoli (đôi khi đi kèm với đàn mandolin hoặc guitar) - từng nở rộ vào đầu thế kỷ 19.

Vào những năm 70, canzone napoletana đã không còn hợp thời nữa. Cũng trong khoảng thời gian đó, cái nôi của nó là Naples, đã trải qua một cuộc chuyển đổi, với việc tạo ra các khu dân cư hoàn toàn tách biệt khỏi cuộc sống văn minh của thành phố.

Marcello Ravveduto, giáo sư lịch sử tại Đại học Salerno, phát biểu: "Theo một cách nào đó, vai trò của nhạc Tân cổ điển ở Naples giống như vai trò nhạc hiphop ở nước Mỹ. Nó đại diện cho tiếng nói của những khu dân cư nghèo. Trong khi canzone napoletana đại diện cho một Naples lý tưởng, hoàn hảo như bức tranh, nhạc Tân cổ điển bắt đầu mô tả thực tế khắc nghiệt ở các vùng ngoại vi của Naples".

Những ca khúc về tội phạm, ma túy, tình dục

Pha trộn giữa phương ngữ Napoli với tiếng Italy, bài hát thuộc dòng nhạc Tân cổ điển nói về những người yêu đã mất và sự phản bội, tình dục và ly hôn ở tuổi vị thành niên, ma túy và những ngôi nhà tan vỡ. Một số ca sĩ theo dòng nhạc này cũng hát về tội phạm có tổ chức.

Ca sĩ Fiorellino, người đã phát hành khoảng 12 album, nói: "Đó là một thứ âm nhạc bắt nguồn từ một địa phương, với những giai điệu tuyệt vời, và ca từ là trung tâm. Chúng giống như một tấm gương phản chiếu tình cảm của người Naples".

Không chỉ mô tả cuộc sống của người nghèo đô thị, nhiều bài hát của dòng Tân cổ điển còn mô tả Camorra hay thậm chí cả băng đảng Cosa Nostra (có nguồn gốc từ vùng Sicily). Những bài hát đó phê phán xã hội, chỉ ra những lý do xã hội hiện đại đẩy con người tới thế giới tội phạm.

Công cụ tuyên truyền của mafia?

Một bộ phận công chúng coi những bài hát của dòng Tân cổ điển như một công cụ tuyên truyền cho mafia. Trước khi phát trực tuyến, các bài hát Tân cổ điển từng được phát sóng bởi các đài phát thanh địa phương nhỏ. Nhiều đài phát thanh địa phương chịu sự điều khiển của tội phạm có tổ chức. Nhưng Internet đã biến thể loại nhạc ấy thành một hiện tượng gần như trên toàn quốc.

Stefania Ascari, nữ nghị sĩ soạn thảo dự luật cấm tôn vinh mafia ở Italy. Ảnh: The Local

Hồi tháng 4/2021, các cuộc biểu tình của những người chống mafia đã buộc ca sĩ Niko Pandetta hủy một buổi hòa nhạc ở Ostia, thành phố gần Rome. Pandetta, ca sĩ gốc Sicily, là cháu trai của một ông trùm khét tiếng thuộc băng đảng Cosa Nostra. Nam ca sĩ đã dành bản hit đầu tiên cho ông trùm này.

Nhà lập pháp Stefania Ascari đã trình một dự luật cấm tôn vinh mafia. Nữ nghị sĩ khẳng định cô không nhằm vào nhạc Tân cổ điển, mà chỉ muốn kiểm soát những ca sĩ "thân cận với tội phạm có tổ chức" và chỉ ra rằng Camorra đã khai thác nhạc Tân cổ điển để gửi những thông điệp ngầm.

Ví dụ, hai năm trước, một nhóm côn đồ trong một nhà tù an ninh cao gần Avellino đã quay một video theo nhịp của bài hát Si Sto 'Carcerato để gửi thông điệp rằng băng đảng của họ sẽ đứng vững, ngay cả sau song sắt.

"Đúng, tôi là một tù nhân, và đó là sự lựa chọn của tôi", nhóm tù nhân hát như vậy khi họ vẫy tay với gia đình.

Ca sĩ Fiorellino nghi ngờ tính khả thi của dự luật, mặc dù nó sẽ không nhằm vào các bài hát lãng mạn thuần túy của ông. Giáo sư lịch sử Marcello Ravveduto nói rằng ý tưởng của dự luật có lý, ít nhất là về mặt lý thuyết.

"Khi các bài hát tôn vinh quyền lực mafia, chúng ta nên đưa chúng ra khỏi thị trường. Nhưng trên thực tế, một biện pháp như vậy có thể phản tác dụng", vị giáo sư giải thích.

Ở Mexico, một số bang phía bắc cấm các bài hát tôn vinh những kẻ buôn lậu ma túy và cuối cùng lệnh cấm biến chúng thành những bài thánh ca cho thanh niên nổi loạn. "Nếu bạn cản trở âm nhạc, có thể bạn sẽ vô tình cung cấp cho bọn tội phạm những vũ khí tuyên truyền mới. Chúng có thể nói với giới trẻ rằng chính quyền thậm chí không cho phép giới trẻ thể hiện bản thân", Marcello Ravveduto nói.

Kiến Văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhac-tan-co-dien-italy-va-nhung-thi-phi-lien-quan-toi-mafia-post1313955.html