Nhạc sỹ Thao Giang, người 'Kể chuyện ngày mùa' đã rời cõi tạm

Nhạc sỹ Thao Giang là một tên tuổi lớn của nghệ thuật đàn nhị chuyên nghiệp Việt Nam thế kỷ 20. Cuộc đời ông gắn liền với âm nhạc truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật hát Xẩm.

Nhạc sỹ Thao Giang là người có công 'hồi sinh' nghệ thuật Xẩm ở Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhạc sỹ Thao Giang, người gắn liền với nghệ thuật truyền thống dân tộc, góp công “hồi sinh” nghệ thuật Xẩm ở Hà Nội, vừa qua đời tối 24/10 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhạc sỹ Thao Giang (tên thật là Nguyễn Văn Vĩnh) sinh ngày 22/7/1948 tại Hà Tây, nay là Hà Nội. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 với cụm hai tác phẩm: “Kể chuyện ngày mùa”“Tình quê hương.”

Bén duyên với cây đàn nhị từ khi còn nhỏ, nhạc sỹ Thao Giang theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ rất sớm. Ông may mắn được học đàn nhị dưới sự hướng dẫn của cụ Vũ Tuấn Đức, một nhạc công lừng danh của âm nhạc Cung đình Huế, được mời đến đặt nền móng cho Khoa Nhạc cụ truyền thống.

Năm 1967, ông tốt nghiệp hệ trung cấp đàn nhị và được giữ lại trường làm giảng viên. Cùng với Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải (đã mất), nhạc sỹ Thao Giang là người đặt nền móng cho Khoa Nhạc cụ truyền thống của trường.

Ông luôn đau đáu với nghệ thuật Xẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong lĩnh vực sư phạm, năm 1974, ông đã biên soạn giáo trình mang tên Phương pháp học đàn nhị được áp dụng trong giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông là thầy của nhiều nghệ sỹ đàn nhị nổi tiếng như: Thế Dân, Đình Nghi, Sĩ Toán, Văn Hà...

Trong lĩnh vực sáng tác, ông là tác giả của tác phẩm độc tấu đàn nhị kinh điển “Kể chuyện ngày mùa.” Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho cây đàn nhị khác như: “Tình quê hương,” “Làng ven sông,” “Đan lưới”… Ngoài ra, ông còn sáng tác tác phẩm cho một số nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: “Hương rừng” (đàn tam thập lục), “Ao cá Bác Hồ” (đàn tranh), “Du thuyền trên sông Hương” (đàn bầu), “Đường xa vui những tiếng đàn” (đàn tỳ bà)…

Là một nghệ sỹ chơi đàn, hiểu đàn, hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền và tâm hồn người Việt, ông đã phát hiện những điểm chưa phù hợp của cây đàn nhị theo lối thiết kế của Trung Quốc, điểm yếu của cây đàn nhị dàn nhạc dân gian Việt Nam. Vì thế, ông đã trăn trở, nghiên cứu và từ đó có những cải tiến cây đàn nhị phù hợp với âm nhạc dân tộc.

Nhạc sỹ Thao Giang và trò 'cưng' Nguyễn Quang Long. (Ảnh: NVCC)

Năm 1979, nhạc sỹ Thao Giang được đặc cách tốt nghiệp đại học. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sỹ có 5 năm tu nghiệp sau đại học tại Ấn Độ. Sau đó, ông trở về và công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, thời gian sau thì ông về Viện Âm nhạc. Tại đây, ông gặp nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, lúc đó đang là nghiên cứu viên vừa tham gia lớp tập huấn ca trù do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức, Quỹ Ford tài trợ.

Thời điểm đó, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa nghĩ là mình sẽ đi theo Ca trù. Nhưng mọi sự thay đổi kể từ khi chị được tiếp xúc với nhạc sỹ Thao Giang.

Nhận thấy Mai Tuyết Hoa có năng khiếu, lại sẵn chuyên ngành đàn nhị, nhạc sỹ Thao Giang đã động viên, “bắt” Mai Tuyết Hoa theo Xẩm vì lẽ ca trù đang có nhiều người theo rồi còn xẩm hiện nay không còn ai ngoài lão nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Đến nay, khi đã là một nghệ sỹ nổi tiếng của nghệ thuật Xẩm, Mai Tuyết Hoa vẫn luôn biết ơn sự quyết liệt và công sức dạy dỗ của thầy Thao Giang.

Hình ảnh mà chị nhớ nhất về nhạc sỹ Thao Giang là khi thầy say sưa xem lại các thước phim vừa quay bài Xẩm "Lỡ bước sang ngang" do Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan và nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa thể hiện.

“Lúc đó, chúng tôi ghi hình ở gần đình Chèm, Hà Nội. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt thầy. Không có thầy thì không thể có Mai Tuyết Hoa ngày hôm nay. Tôi luôn biết ơn thầy và xin được kính biệt thầy,” chị xúc động chia sẻ.

Hai nghệ sỹ Thanh Ngoan và Mai Tuyết Hoa cùng các nghệ sỹ Xẩm biểu diễn tại sân khấu âm nhạc dân gian 'Hà Thành 36 phố phường' năm 2006. (Ảnh: Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cung cấp)

Trong số học trò của nhạc sỹ Thao Giang ở bộ môn Xẩm còn có các nghệ sỹ Khương Cường, Thu Phương, Vũ Đức Huy, Mai Thiện, nhà phê bình âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long...

Đối với nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, nhạc sỹ Thao Giang là người thầy lớn trong đời bởi từ 20 năm trước, ông đã khuyến khích anh theo xẩm và phát huy thế mạnh của riêng mình ở địa hạt của xẩm.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, năm 2005, nhạc sỹ Thao Giang đã cùng Giáo sư Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam) với ba nhiệm vụ: Sưu tầm, nghiên cứu; truyền dạy, đào tạo; biểu diễn, giới thiệu tác phẩm âm nhạc truyền thống.

Họ đã thực hiện CD “Xẩm Hà Nội,” vận động để ra đời sân khấu âm nhạc dân gian "Hà Nội 36 phố phường" (từ năm 2006), tái hiện Lễ Giỗ Tổ nghề hát Xẩm (2008) - lần đầu tiên đưa xẩm vào Nhà hát lớn Hà Nội với một vị thế hết sức trang trọng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-gop-cong-hoi-sinh-nghe-thuat-xam-ha-thanh-roi-xa-coi-tam/904068.vnp