Nhạc sĩ Trần Tiến: Sài Gòn trong tôi...

"Ngẫu hứng" là tập sách do nhạc sĩ Trần Tiến viết (NXB Hội Nhà Văn Fist News ấn hành). Có thể gọi những trang viết của nhạc sĩ Trần Tiến là "ngẫu văn", bởi ông thể hiện rất riêng bằng cách kể chuyện không giống bất kỳ cuốn hồi ký nào của các nghệ sĩ khác. Mỗi trang viết của Trần Tiến là một câu chuyện thú vị mà cũng có thể là những cảm nhận tinh tế về một vùng đất nào đó mà ông từng đi qua... Báo điện tử Một Thế Giới trích đăng một số phần trong cuốn sách "Ngẫu hứng" của Trần Tiến gửi đến bạn đọc.

Sài Gòn trong tôi…

Là nụ cười hảo hán và dáng đi nghiêng nghiêng của anh Cầu, (nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu) trái chôm chôm biết hát của Hội Âm nhạc thành phố. Là anh Sơn, (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) người ốm nhưng bước chân khoan thai quý tộc, vai gầy nhưng ngực vươn như kiếm khách, nghe ai kể chuyện gì cũng “Tội rứa. Chi mà tội rứa…”.với nhân dân. Thành phố của những người lao động năng nổ, làm thì hết mình, nhậu thì hết gaz. Thẳng thắn, bộc trực, bất khuất như chiến binh Cần Giuộc. Thương nước, thương người như Đồ Chiểu. Lãng mạn như câu hò ngàn năm với tiếng đàn kìm (đàn nguyệt), man mác buồn trên sông…

Từ phải qua: Trần Tiến, ca sĩ-đạo diễn Việt Hương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu - Ảnh: Trần Tiến

Sài Gòn không thơ mộng như quê tôi, Hà Nội. Nhưng có gì đó tôi có thể ở đây mà không thấy cô đơn. Thậm chí đôi khi còn hạnh phúc.

Là sân 81 Trần Quốc Thảo dưới những tán cây hoa đại, suốt đêm vang tiếng cười, tiếng hát, giọng ngâm hào sảng và tiếng cụng ly của văn nghệ giang hồ tứ chiếng. Vài đĩa đậu phộng, vài khô cá khoai và can bia hơi là đủ thơ, đủ nhạc. Ở đây tôi chưa bao giờ nghe họ nói xấu về một người vắng mặt. Quanh ly bia, ai cũng là bạn, ai cũng là nghệ sĩ.

Sài Gòn trong tôi

Cho đến hôm nay gần bốn mươi năm, đi hoài chưa biết hết phố, hết hẻm. Có một người thiếu phụ tôi yêu, đến giờ vẫn không hiểu nàng có yêu tôi không. Có lẽ đến chết, tôi cũng không đi hết những khúc quanh bí ẩn của nàng. Như phố, như phường, như hẻm hóc nơi đây.

Sài Gòn là Sỹ Thanh, ca sĩ đã khuất xa vì rượu. Chẳng có ai hát bài

“Những đôi mắt mang hình viên đạn” và “Điệp khúc tình yêu” của tôi hay hơn thế. Anh lúc đó chỉ là một chàng trai đón chào quân giải phóng, không biết gì về cách mạng.

Là Thanh Lan, người chuyên hát nhạc Pháp nổi tiếng và đẹp như một quý bà Pa-ri-diêng. Nàng hát tất cả những bài ca cách mạng hay hơn những người sinh ra trong nôi cách mạng mà tôi biết, chả hiểu vì sao! Nhiều lắm, những ca sĩ ở đây hát, ít nhất là hay hơn tôi, một người tốt nghiệp đại học Thanh nhạc ngoài Hà Nội.

Ca sĩ Thanh Lan - Ảnh: Đinh Tiến Mậu

Sài Gòn trong tôi

Ngoài chợ vỉa hè, tôi kiếm được nhiều cuốn sách thay đổi đời mình, và một chiếc quần bò, mặc đẹp đến mức… chưa bao giờ tôi đẹp trai thế. Thấy tôi không mang đủ tiền cô bán bảo lúc nào có thì mang đến. Cho đến giờ, tôi không thể tìm được người bán để trả tiền. Chợ “chồm hổm” như cơn mưa phương Nam, chợt đến, chợt bay đi. Tôi mắc nợ em, mắc nợ Sài Gòn.

Sài Gòn chẳng bao giờ hỏi tôi là ai, làm nghề gì. Cần là giúp, thích là mời vô nhậu, ghét sự trả ơn. Thấy đúng là chở che, như các bà mẹ chợ Bàn Cờ che giấu cách mạng. Thấy ghét, thì chính các chị lên phường, chỉ tay mắng người mình chở che làm điều thất đức.

Nhạc sĩ Trần Tiến

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/nhac-si-tran-tien-sai-gon-trong-toi-46438.html