Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Người hát rong của thời đại

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha sinh năm 1949 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Yêu âm nhạc và chọn con đường gắn bó với âm nhạc, Nguyễn Thụy Kha âm thầm tận hiến, làm việc hết mình. Cùng với những tác phẩm lý luận phê bình âm nhạc, ông sáng tác nhiều ca khúc, hợp xướng... Mới đây, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

- Thưa nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, từ một người lính thông tin, vì sao ông lại rẽ bước sang âm nhạc?

- Tôi là người yêu âm nhạc từ nhỏ. Năm 18 tuổi tôi đã sáng tác ca khúc đầu tiên. Sau đó, tôi học kỹ sư thông tin và có một thời gian làm lính thông tin tại chiến trường Quảng Trị. Khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nơi chiến trường, tôi đã viết những bài thơ, ca khúc để ca ngợi những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Càng ngày, tôi càng cảm thấy mình nên tiếp tục viết về sự dâng hiến, hy sinh, về đất nước hơn là làm một kỹ sư.

- Trong vai trò một người làm báo về âm nhạc, ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên “Văn Cao - Người đi dọc biển” năm 1991. Cuốn sách đầu tiên ấy hẳn gợi cho ông nhiều kỷ niệm với người thầy của mình?

- Năm 1982, tôi nhận giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ với bài thơ “Những giọt mưa đồng hành”. Văn Cao đã gặp tôi và khuyên: “Kha sáng tác thơ cũng hay, nhạc cũng được, nhưng tôi rất muốn Nguyễn Thụy Kha, bằng sự hiểu biết của mình, hãy là người viết lý luận phê bình âm nhạc”. Đó là lời dạy của một bậc thầy và tôi đã đi theo lời dạy đó. Không hiểu sao giữa tôi và nhạc sĩ Văn Cao có rất nhiều nhân duyên. Ông luôn lắng nghe ý kiến của những người sau mình. Ông đã tin tưởng và giao cho tôi biên tập thơ của ông. Tôi và Văn Cao đã làm việc với nhau trong suốt một năm trời và cuối cùng tập thơ “Lá” được in. Tỏ lòng yêu quý ông, tôi bắt tay viết cuốn sách “Văn Cao - Người đi dọc biển”, xuất bản năm 1991.

May mắn cho tôi là khi viết xong cuốn tiểu thuyết chân dung này, nhạc sĩ Văn Cao vẫn còn sống và được ông chấp nhận. Đó là phần thưởng lớn nhất của đời tôi đối với người thầy của mình. Năm nay, tôi được trao Giải thưởng Nhà nước nhờ chính những tác phẩm lý luận phê bình âm nhạc. Nếu không có nhạc sĩ Văn Cao định hướng thì tôi sẽ không làm được điều này.

- Bảy cuốn sách “Những tài danh âm nhạc Việt Nam”, viết về các nhạc sĩ tài hoa của đất nước như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Huy Du, Nguyễn Thiện Đạo..., là sự chắt lọc trong suốt cuộc đời sống và viết của ông?

- Viết sách về họ là một thách thức. Nguyễn Xuân Khoát đem đến cho tôi cả một gia tài về âm nhạc truyền thống. Để viết được về ông, tôi phải hiểu về âm nhạc truyền thống. Lưu Hữu Phước là người viết nên những bản hành khúc bất tận. Nhạc Đỗ Nhuận thấm đẫm chất âm nhạc truyền thống, đã mở ra chân trời mới cho âm nhạc cách mạng nước nhà với những tác phẩm opera kinh điển như “Cô Sao”, “Người tạc tượng” và “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”.

Nhạc sĩ Hoàng Việt là người đại diện cho âm nhạc đậm chất Nam Bộ và là người có nhiều tác phẩm giao hưởng. Nhạc sĩ Huy Du kế tục những bậc đàn anh với những sáng tác hòa trộn chất dân ca với hiện đại. Người thứ ba tôi viết khi họ còn sống là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Khi viết về ông, tôi phải tìm hiểu âm nhạc thế giới, từ cổ điển đến trường phái âm nhạc mà ông theo đuổi. Có một điều đặc biệt là khi viết về Nguyễn Thiện Đạo thì tôi chưa được đi Pháp. Tôi cũng phải cảm ơn văn học Pháp vì đã mang đến cho tôi một Paris quá lãng mạn và quá chính xác để tôi có thể hình dung những nơi mà nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã đi qua.

- Một mảng sáng tác mà ông dành nhiều tâm huyết là hợp xướng viết về các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hẳn nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đang muốn hiện thực hóa mong muốn của mình, muốn trở thành “một cây cầu - nối đỉnh cao xưa với đỉnh cao trước mặt”?

- Tôi không cho là mình làm một điều gì đó ghê gớm cả, nhưng đó là trách nhiệm của tôi: “Bình thường thế nhưng nhọc nhằn đè chặt/ Yêu chưa xong mộng mị cũng chưa xong”. Tôi có rất nhiều ham muốn và một trong những ham muốn ấy là sẽ viết tặng cho mỗi tỉnh một hợp xướng. Đến giờ tôi đã viết được khoảng 30 hợp xướng, hiện đã thu âm được 15 hợp xướng. Ví dụ: “Hải Phòng thuở ấy” (2010) là hợp xướng tôi viết dựa trên việc phổ thơ Văn Cao, do dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch kết hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm. Gần đây nhất, tôi thu âm hợp xướng “Đà Nẵng - thành phố bên sông Hàn”...

- Suốt cuộc đời sống và viết, được ví như “Người hát rong của thời đại”, ông còn điều gì đang ấp ủ?

- Tôi vẫn đang viết cuốn “Hồi ký văn nghệ”, cố gắng nói lại những câu chuyện của thời đại mà chúng ta trải qua.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhac-si-nguyen-thuy-kha-nguoi-hat-rong-cua-thoi-dai-623639.html