Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Sáng tạo từ chất liệu dân gian

Trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lê Minh Sơn chưa phải là người sáng tác kỳ cựu, nhưng tác phẩm của anh được nhiều ca sĩ lựa chọn trong các cuộc thi âm nhạc coi trọng chuyên môn. Nhạc sĩ chia sẻ: Tôi luôn tìm mới và sáng tạo ngay trong chất liệu dân gian của cha ông để lại.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Lê Minh Sơn vẫn thế kể từ sau chương trình riêng cuối năm 2016. Nhưng, như nhạc sĩ tự đánh giá, âm nhạc của anh phải nghe nhiều mới thấm. Và những ca khúc công bố trong liveshow “Tiếng khóc kêu trong hũ” gần đây đã có một khoảng thời gian nhất định để người nghe cảm thụ, dần thấy tâm đắc.

Ba năm trở lại đây, nhạc sĩ Lê Minh Sơn dành thời gian thực hiện chương trình “Du ca Việt”. Vừa là đạo diễn, vừa là người dẫn chuyện, đôi khi là nghệ sĩ biểu diễn, anh cùng ê kíp lang thang khắp các tỉnh, thành trên cả nước, thực hiện những chương trình âm nhạc chưa từng thấy, làm nên sân khấu dành riêng cho người dân, tôn vinh âm nhạc đặc trưng của địa phương. Anh chia sẻ, bên trong những người dân bình thường là ngọn lửa tình yêu âm nhạc mãnh liệt, chính họ đang lưu giữ và bảo tồn vốn liếng của cha ông để lại. Và chính những con người này đã tạo cảm hứng cho Lê Minh Sơn viết những ca khúc mới.

Vẫn mang chất dân gian, nhưng những tác phẩm mới không đẹp trong trẻo, hồn nhiên như thời của các sáng tác: “Bên bờ ao nhà mình”, “Chuồn chuồn ớt”, “Người ở người về”, “Ôi quê tôi”, cũng không chỉ quanh quẩn làng quê ngoại thành Hà Nội như “Một khúc sông Hồng”, “À í a”, “Hà Nội của tôi ơi”... Nhạc sĩ chọn những câu chuyện, nhân vật trong dân gian, sử dụng nhạc cụ dân tộc như tiêu, kèn Pí lè, đàn đáy để viết về cuộc sống đất nước đương đại rộng mở, phong phú hơn, có niềm vui, hạnh phúc, có trăn trở, bộn bề. “Vì người đàn ông chị yêu em cũng yêu/Vì người đàn ông chị khát em cũng khát/Bàn chân em to, bàn chân em thô, em cũng muốn nhỏ lại/Đôi giày chị đi em cũng muốn đi vừa” (Tiếng khóc kêu trong hũ). Đó là tiếng khóc của cô Cám, nhân vật cổ tích mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói rằng mình cảm thông. Hay “Ngày xưa các cụ nhà ta vẽ nên trong chiếu chèo Cu Sứt/Ngày nay trong chiếu đời đầy sứt mẻ về tâm hồn…” (Sứt sựt sừn sưn). Bài hát này Lê Minh Sơn viết về Cu Sứt đương thời mà anh gặp nhiều trên chặng đường đi qua. Viết phê phán đấy, nhưng không thô lộ, để từng câu hát đi qua, mỗi người muốn tự soi lại mình, ngẫm nghĩ.

Cũng có những sự việc thời sự, tưởng như chỉ dễ đi vào sân khấu hay văn chương nhưng Lê Minh Sơn lại tài tình đưa vào âm nhạc, chỉ bằng ít giai điệu. “Người nông dân ngày nay trồng hai ruộng rau/Một ruộng rau để ăn/Một ruộng rau để bán...” (Hai ruộng rau)… Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhận xét, điểm mạnh của Lê Minh Sơn chính là một nghệ sĩ guitar, tư duy sáng tác trên nền hòa âm hòa thanh. Khi đó, anh chọn được những nốt “đắt” và xử lý ca khúc tạo nên khác biệt, cá tính.

Những bài hát mới này Lê Minh Sơn không thu âm và phổ biến thành đĩa nhạc. Anh chọn cách cầm guitar, nghêu ngao hát tại những nơi mình đến, dành cho khán giả của riêng mình. Với Lê Minh Sơn, âm nhạc phải vang lên từ chính tâm hồn, cảm xúc của người biểu diễn, không lúc nào giống nhau, mới lay động lòng người. Hình ảnh Lê Minh Sơn bây giờ, có điểm gì đó tương đồng với nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường. Lê Minh Sơn nhận rằng, mình là đàn em bé nhỏ của hai nhạc sĩ ấy. Anh vẫn có những chuyến du ca cùng họ. Với Nguyễn Cường, anh là người đệm đàn chung thủy nhất; với Trần Tiến là người đồng hành cùng đàn, cùng hát.

Ngôn ngữ âm nhạc của Lê Minh Sơn dù trước đây hay bây giờ đều có thể gọi bằng hai chữ độc đáo. Mỗi bài hát không chỉ để nghe, mà còn truyền tải tâm tư, nỗi niềm đau đáu và thiết tha yêu cuộc sống. Chúng cứ tự nhiên len lỏi vào lòng người, thôi thúc con người thay đổi, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/865215/nhac-si-le-minh-son-sang-tao-tu-chat-lieu-dan-gian