Nhà văn Phan Thái - Hồn lúa tình rừng

Phan Thái đến với văn chương qua bài thơ đầu tiên được đăng báo năm 1982 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đó là bài 'Nhớ về những cánh rau rừng'. Kể từ đó ông viết thơ đều đặn hơn. Cho đến nay ông đã in 2 tập thơ: 'Về sông xưa', NXB Hội Nhà văn, 2011 và 'Quẩy nắng vào đêm', NXB Hội Nhà văn, 2012.

Thấy nhà văn Phan Thái đang vui, tôi gặng hỏi: "Thế ông hưởng ứng Cuộc thi Tiểu thuyết, truyện và ký do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động giai đoạn 2022-2025 với dự định gì?". Nhà văn Phan Thái cho hay: "Cuộc thi lần thứ 4 tôi đã tham dự và đóng góp tiểu thuyết "Lửa khuất". Sách đã được NXB Công an nhân dân in và cũng vào tới Chung khảo anh ạ. Cuộc thi lần thứ 5 này tôi đã hoàn thành tiểu thuyết "Tia chớp đen". Nội dung viết về những cán bộ chiến sĩ Quân đội và Công an đã phối hợp nhịp nhàng trong công tác tìm mua vũ khí, lương thực, thuốc men cung cấp cho chiến trường hồi chống Mỹ".

Đấy là nhà văn Phan Thái "còn giấu" chưa cho biết cuốn tiểu thuyết ông đang viết về chiến công thầm lặng của một chiến sĩ điệp báo ta "ẩn mình" trong hàng ngũ của địch để lấy tin tức tình báo. Đó là ông Lê Dương Phẩm, bí danh điệp báo là Lê Tuấn (sau giải phóng miền Nam ông Lê Dương Phẩm được giao làm Trưởng Công an thành phố Thái Nguyên, ông hiện đã ngoài chín mươi tuổi, về hưu với quân hàm Đại tá). "Tôi cũng sẽ tham dự cuộc thi này anh ạ" - nhà văn Phan Thái bảo với tôi.

Phan Thái đến với văn chương qua bài thơ đầu tiên được đăng báo năm 1982 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đó là bài "Nhớ về những cánh rau rừng". Kể từ đó ông viết thơ đều đặn hơn. Cho đến nay ông đã in 2 tập thơ: "Về sông xưa", NXB Hội Nhà văn, 2011 và "Quẩy nắng vào đêm", NXB Hội Nhà văn, 2012.

Gặp ông khi cùng dự Trại viết 2023 do NXB Công an nhân dân tổ chức, tôi hỏi luôn: "Nghe bảo ông "sinh ra từ cây lúa" kia mà. Can cớ gì mà đến với thơ bằng nguồn rừng núi vậy?". Nhà văn Phan Thái bấy giờ mới cho hay: "Bố tôi hồi cuối năm 1959 cùng đơn vị (F312) lên Thái Nguyên xây dựng khu công nghiệp nặng đầu tiên của cả nước, mẹ ông cũng là một người lính, bà cùng đơn vị với cha ông. Hai người lính buông tay súng để rồi trở thành những người công nhân đầu tiên của nhà máy gang thép Thái Nguyên. Phan Thái sinh ra "trên" Thái và sống ở đó đến tận bây giờ.

Là người quê lúa Thái Bình (xã Tiên Lễ huyện Hưng Hà) nhưng giờ thì ông đã thành người Thái Nguyên, không chỉ vì ông đã định cư ở đấy mà ông còn "ghi dấu ấn" với những cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn chất núi rừng, âm trầm chất hùng ca qua những chiến công của đất và người Xứ Chè trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Năm 1978, Phan Thái đi bộ đội sau khi cất tờ giấy thông báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ở lính vào những năm quân dân cả nước tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nên tự trong lòng người chiến sĩ trẻ đã được hun đúc tinh thần của những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của cha ông. Năm 1981, do có những thành tích trong đơn vị nên anh lính trẻ Phan Thái được cử đi học Trường sĩ quan Chính trị nhưng ông đã đề nghị "xin khất" để được thỏa ước nguyện Đại học. Phan Thái được đơn vị chấp nhận nhưng ông lại không theo học Sư phạm như đã trúng tuyển. Anh bộ đội phục viên và thi vào Trường Đại học Mỏ địa chất (1982-1987).

Phan Thái học chuyên ngành Kinh tế Mỏ. Khi ra trường, chàng kỹ sư kinh tế mỏ được về nhận công tác tại Mỏ than Phấn Mễ. Ông công tác ở đó những 21 năm và năm 2012 thì được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Dự án đầu tư xây dựng Mỏ giai đoạn 2. Rồi lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Mỏ sắt Tiến bộ ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Thái Nguyên. Nhà văn Phan Thái tâm sự: "Tôi tuy là Kỹ sư kinh tế Mỏ, là cán bộ quản lý doanh nghiệp mỏ thật đấy nhưng rất yêu văn chương".

Được biết, dạo còn ở trong quân ngũ, anh lính Phan Thái đã hay viết tin bài và thơ cộng tác với báo Quân đội nhân dân. Đấy cũng là lý do để đơn vị cử anh đi học sĩ quan để trở về làm công tác chính trị trong đơn vị? Viết báo, làm thơ nhưng Phan Thái vẫn thấy có gì đó "thiêu thiếu", năm 2013 anh quyết định phải viết văn xuôi thì mới nói được đầy đủ về những điều đã được nghe, được đọc và được thấy. Truyện ngắn đầu tay là truyện ông viết về đề tài chống tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước, có tên là "Linh khí". Báo Văn nghệ Thái Nguyên thấy đề tài trúng nên cho in. Được đà, ông cho xuất bản Tiểu thuyết đầu tay "Cơm áo chợ đời", được NXB Hội Nhà văn ấn hành cùng năm 2013.

Tôi hỏi chen ngang: "Thấy bảo ông ưa thích viết về đề tài lịch sử lắm kia mà?". Nhà văn Phan Thái gật đầu: "Từ năm 2017 tôi chuyển chú tâm vào viết về đề tài lịch sử. Anh bảo vì sao ư? Vì tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Nguyên nên tôi yêu vô cùng mảnh đất này". Kể cũng hay hay, một người được đào tạo, được làm việc ở lĩnh vực kinh tế công nghiệp mà yêu văn chương rồi say mê lịch sử thì cũng hiếm. Nghe tôi nói thế nhà văn Phan Thái chỉ cười: "Trong quá trình sống và làm việc tôi nhận thấy mảnh đất Thái Nguyên có nhiều câu chuyện lịch sử cùng nhiều "huyền tích, huyền thoại" còn chưa được nói, được viết đầy đủ".

Một số tác phẩm của nhà văn Phan Thái.

Đầu tiên là Phan Thái tìm đọc các cuốn sách viết về đề tài lịch sử, tiếp đến là ông "cất công" về tận những địa danh lịch sử và lắng nghe người dân, lắng nghe người hiểu chuyện để "củng cố" nguồn tư liệu. Cuốn tiểu thuyết "Linh Sơn tử chiến" được ông viết ra nhằm kể lại câu chuyện về những người Thủ lĩnh dân tộc thiểu số đã chỉ huy nhân dân và binh sĩ tham gia cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược năm 1072. Trận chiến Linh Sơn diễn ra bên sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận Thái Nguyên, là trận đánh ngăn chặn quân Tống theo hướng Quảng Nguyên, Cao Bằng tràn xuống. Nghĩa binh người dân tộc thiểu số dưới sự chỉ huy của những thủ lĩnh tài ba, gan dạ đã dồn quân Tống vào thung lũng Linh Sơn để tiêu diệt, khiến quân Tống ở hướng này không thể hợp quân để giải vây đại binh Tống đang bị Đại quân ta hãm ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Góp phần vào thắng lợi phá tan âm mưu tiến nhanh đánh chiếm Kinh thành Thăng Long của giặc Tống. Tiểu thuyết được hoàn thành và được NXB Văn học ấn hành năm 2017.

Nói rồi nhà văn Phan Thái cho hay: "Cũng năm 2017, tôi viết tiểu thuyết "Nắng phía sau mặt trời". Đây là cuốn sách viết về Đại đội thanh niên xung phong 915 huyền thoại. Đại đội này gồm toàn những chàng trai cô gái Thái Nguyên đã tình nguyện bám trụ đảm bảo giao thông tại Ga Lưu Xá, Thái Nguyên trong chiến dịch ném bom B52 của Mỹ năm 1972. Đại đội đã hy sinh 60 người. Hiện ở Ga Lưu Xá có đền thờ các liệt sĩ và đó là biểu tượng của tinh thần yêu nước của tuổi trẻ Thái Nguyên. NXB Thanh niên đã ấn hành năm 2019 anh ạ".

Được đà với những tiểu thuyết đề tài lịch sử cận đại và hiện đại, Phan Thái viết tiếp tiểu thuyết "Bình minh máu". NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Tiểu thuyết này Phan Thái đã kể về cuộc nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật ngày 30/4/1945. Đây là chiến thắng mở đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 của tỉnh Thái Nguyên.

Và như được tiếp khí thế như thác cuốn, Phan Thái đã viết một mạch tiểu thuyết "Thanh gươm và cây tính tẩu", được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2021. Tiểu thuyết kể về các chiến binh Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Vẫn là câu chuyện kể tiếp về những chiến công và ý chí quật cường của những người dân tộc thiểu số, người lính người dân tộc thiểu số ở núi rừng Việt Bắc. Nhà văn Phan Thái cho biết: Sau "Linh Sơn tử chiến" tôi thấy vẫn còn rất nhiều chiến công của người dân nơi núi rừng chống giặc xâm lăng bờ cõi.

Nhà văn Phan Thái "khoe" thêm: "Dự kiến vào quý 2 năm nay tôi sẽ cho ra mắt tiểu thuyết ''Thái Nguyên hiệu Quân sứ''. Đây là cuốn sách viết về Đại thi hào Nguyễn Du thời trai trẻ khi ông được bổ làm Chánh thủ hiệu quân kiêm quyền Trấn thủ Thái Nguyên. Sẽ có một Nguyễn Du, nhà quân sự tài giỏi, nhà lãnh đạo thấu đáo nghĩa tình bên một Nguyễn Du tài thơ bậc nhất nước Nam".

"Nghe chuyện" lịch sử của nhà văn Phan Thái có lẽ cả ngày cũng không hết. Ông cho biết: "Khi khắc họa nhân vật tiểu thuyết, tôi muốn đi vào tâm trạng và những "góc khuất" của những hiện tượng lịch sử để diễn đạt lịch sử theo góc nhìn đời hơn, thực hơn. Nhân vật có thể có những toan tính, có những đắn đo, có thành công và có thất bại nhưng cuối cùng bằng tinh thần yêu nước đã vượt lên chính mình, vượt lên thử thách để tạo nên chiến công, tạo nên chiến thắng".

Nhà văn Phan Thái đã được nhận nhiều giải thưởng văn học. Ông là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hội viên Hội Văn nghệ Thái Nguyên.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-phan-thai-hon-lua-tinh-rung-i704976/