Nha Trang - thành phố phía mặt trời

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ đến câu thơ của nhà văn Nguyễn Gia Nùng viết đầu thập niên 80: “Nha Trang thành phố phía mặt trời!”. Nhà thơ Huy Cận cũng đã viết: “Những thành phố mọc lên giao duyên giữa biển biếc đất hồng” như để tặng cho Nha Trang. Để thấy Nha Trang thơ và duyên với biển biết chừng nào.

Nha Trang nhìn từ xa.

Nha Trang không chỉ là 100 năm như ta biết mà đã nghìn năm khi những hạt cát đầu tiên của biển bồi đắp nên thành dải đất để đón sóng và gió đại dương. 100 năm đã định danh mảnh đất, đưa Nha Trang từ một làng chài rực nắng hoang vu bên cửa sông Cái thành đô thị biển đẹp nhất đất Việt. Không phải ngẫu nhiên có nhiều thị xã, thành phố nằm ven biển như: Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu… nhưng chỉ có mỗi Nha Trang được mọi người choàng cho chiếc khăn voan vừa yêu kiều vừa rực rỡ: “Miền thùy dương cát trắng”. Miền thùy dương - danh xưng mà Nha Trang đã mang trên chặng đường phát triển của mình là nỗi cảm nhớ của bao người đã từng đến rồi rời xa nơi đó. Trong tâm hồn hay trái tim của bao người đều thổn thức về thị xã êm đềm, thanh bình đến từng ngọn gió, con sóng lăn tăn và cả những con đường ngập cát cô liêu những trưa đầy nắng. Một thị xã bé nhỏ ẩn mình trong rặng dừa, hàng dương, xà cừ, bàng được gió biển thổi mát suốt bốn mùa. Nhiều người vẫn nhớ khi ra đến bờ cát thì biển đã dang tay bằng màu xanh biển trời, sóng trắng và gió lành để ta quên đi tất cả buồn bực hay lo âu mệt mỏi. Thế nên, có nhiều người con Nha Trang khi đi xa quê lúc quay lại đều chạy thật nhanh ra bờ cát, nhảy ùm xuống biển như ùa vào vòng tay của mẹ yêu.

Tôi không sinh ra ở Nha Trang nhưng tuổi thơ của tôi lại gắn với con sóng biển. Ký ức đầu tiên của thằng bé 9 tuổi là đứng trên bờ thềm trước biển, xung quanh đó có những hàng dừa vươn cao, nghiêng mình ra biển, có cây bị sóng cào trơ rễ nhưng vẫn đứng hiên ngang đùa với gió. Nha Trang cách nay nửa thế kỷ, đúng thời điểm “đất nước bên bờ sóng, gian lao chưa bao giờ bình yên” khó khăn muôn vàn khi Trường Sa đang bị giặc nhòm ngó. Những thanh niên Nha Trang ôm chia tay mẹ rời xa quê hương ra giữ đảo, đi về phía tây làm người lính tình nguyện quốc tế cao cả. Tôi - thằng bé thơ từng được người lính từ chiến trường về dẫn ra chợ mua cây kem, cho uống chai nước ngọt. Nhưng rồi một đêm, tôi nghe tiếng bố thì thào với mẹ: “Cậu ấy vừa hy sinh rồi”. Tôi ám ảnh câu nói giá buốt đó bởi không nghĩ rằng người lính quê Nha Trang đó đã hy sinh ở miền xa thẳm tận nước bạn. Nha Trang thời điểm buồn như vậy đó. Vì quá khó khăn, nhiều người đã lén lên thuyền rời thành phố ra đi, bỏ lại những con đường ngợp lá xà cừ bay rào rạt đêm đông. Thị xã dù đã là thành phố sau chiến tranh nhưng mỗi bước đi đều liêu xiêu của thời bao cấp gian khó. Cha anh chúng tôi đã xuống sân bay dã chiến nhặt những tấm gi về dựng cổng chào chợ Đầm đầy kiêu hãnh. Chợ Tròn cháy đen thì sửa, xây lại thành trung tâm Bách hóa tổng hợp bề thế nhất miền Trung…

Nha Trang - miền đất đón chào tất cả những người con khắp nơi hội tụ với sự bao dung hiền hòa vốn có. Thế nên, nhiều nhà ngôn ngữ rất ngạc nhiên tự hỏi: Ngôn ngữ người Nha Trang không nặng như xứ Quảng, không nẫu như Quy Nhơn, Tuy Hòa, không thanh sắc như Phan Rang. Ngay như miền đất ngoại ô Nha Trang, Vĩnh Trung, hay Diên Khánh, Ninh Hòa cũng đậm chất quê mà Nha Trang lại có giọng nhẹ nhàng pha chút thanh tao của Hà Nội và mềm mại của Sài Gòn! Sau này, người ta đánh giá rằng do Nha Trang bị pha với sóng và biển. Mà sóng và biển của Nha Trang lại vô cùng dịu dàng nên giọng người Nha Trang mới hay như thế! Thế nên, nơi đây hầu như các nhạc sĩ đến đều ngân nga giai điệu. Từ thời trước ngày đất nước giải phóng, các nhạc sĩ: Phạm Duy, Lam Phương, Dzũng Chinh… đều có nhiều bản nhạc hay đến tận hôm nay khi viết về biển. Rồi sau đó, các nhạc sĩ cách mạng như: Văn Ký, Văn Dung, Phạm Minh Tuấn, Phó Đức Phương, Đỗ Trí Dũng, Văn Chừng, Hoàng Thơ Huy… dâng tặng cho “Nha Trang - thành phố tôi yêu” bao nhiêu nhạc phẩm, điều không dễ có với nhiều miền đất khác.

Người ta nói Nha Trang không có công trình nghệ thuật thuộc kiệt tác với bề thế hùng vỹ hay lộng lẫy son vàng. Đúng vậy, từ công trình Biệt điện Bảo Đại, Nhà thờ núi, chùa Long Sơn hay các tòa biệt thự, nhà ga, bến cảng… đều tầm thước, giản dị ở mức vừa phải. Hình như từ khi khai thiên lập địa, các nhà kiến trúc đều muốn các công trình kiến trúc của Nha Trang phải hài hòa với thiên nhiên (không cao hơn ngọn dừa, rặng dương, không lấn biển, chắn sông) dựa vào thế núi, bóng cây để tồn tại. Có một điều mà nhiều người Nha Trang đều thấy rất thú vị là trường học ở 4 cấp khá đầy đủ, ở vị trí đẹp mà nhiều nhà thiết chế quy hoạch hôm nay vẫn ngỡ ngàng. Thế nên, trẻ em ở Nha Trang đi học vô cùng thuận lợi. Thêm nữa, Nha Trang có rất nhiều chợ lớn nhỏ: Chợ Đầm, Xóm Mới, Phước Hải, Vĩnh Hải, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung… để mọi người thuận tiện mua sắm. Và đặc biệt, Nha Trang là thành phố có môi trường sạch vào loại bậc nhất của nước ta, với không gian thoáng đãng rất tự nhiên. Càng ngẫm càng thấy cùng với thiên nhiên diệu kỳ thì di sản cha ông để lại cho mảnh đất này sâu sắc và đáng quý thế!

Nha Trang - nàng tiên tròn một thế kỷ nhưng tương lai phía trước thật rạng rỡ: “Đang mọc lên ta đến soi gương/Bóng năm tháng vừa quen vừa lạ/In hồn ta xanh biếc trùng dương” (Huy Cận).

DƯƠNG MY ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202403/nha-trang-thanh-pho-phia-mat-troi-ce14f17/