Nhà sư in tác phẩm đầu tay phát hành đến 100.000 bản

Tác phẩm đầu tay 'Thả trôi phiền muộn' (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Sư cô Thích nữ Hạnh Đức (bút danh Suối Thông) đã tái bản lần thứ 10 với khoảng 100.000 bản in đã phát hành.

Lời tòa soạn

Tuyến bài "Nhà sư viết sách chữa lành tâm hồn" sẽ kể về những tác giả đặc biệt. Họ khoác áo nâu sồng, học đạo Giải thoát của Đức Phật nên có cái nhìn về cuộc sống một cách thiền vị, tỉnh thức. Những tác phẩm của họ có thể là “liều thuốc” giúp độc giả vượt qua chướng ngại, phiền não trong cuộc sống, công việc, tình yêu hay những khó khăn tự thân nhờ cảm nhận sâu sắc và cùng thực hành.

Trong ba cuốn sách của Sư cô Thích nữ Hạnh Đức (bút danh Suối Thông) thì Thả trôi phiền muộn (NXB Văn hóa - Văn nghệ) đã tái bản lần thứ 10 với khoảng 100.000 bản in đã phát hành. Đó là con số đáng mơ ước của bất kỳ tác giả nào trong thời đại này.

Chia sẻ với VietNamNet, tác giả Suối Thông cho biết, hai cuốn còn lại là Sống đời bình an tái bản lần thứ tư và Làm mới vườn tâm (NXB Dân Trí) sau lễ ra mắt thì in nối bản và tái bản lần thứ nhất.

“Tôi thấy bất ngờ, hoan hỷ với thành quả này. Biết ơn sự đón nhận nhiệt tình từ độc giả, biết ơn sự hỗ trợ tận tâm của đơn vị phát hành để cuốn sách được lan tỏa rộng rãi”, Sư cô Suối Thông nói.

Sư cô Suối Thông: "Tôi biết ơn sự đón nhận nhiệt tình từ độc giả".

Từ “Chia sẻ cuối tuần” đến sách bán chạy

- Cô vừa ra mắt bộ 3 cuốn sách Suối Thông. Nội dung xuyên suốt của những tác phẩm này là gì mà lượng phát hành đạt con số đáng ngưỡng mộ như vậy?

Nói về bộ 3 cuốn sách, đây đều là những bài viết ngắn về triết lý cuộc sống và những mối quan hệ, cách cư xử nhẹ nhàng trong cuộc đời. Cuốn đầu tiên Thả trôi phiền muộn là những bài viết mang tính gợi mở tinh thần buông xả, hướng đến lối sống thức tỉnh, không phụ thuộc hoặc quá bám víu vào một cái gì đó, đặc biệt là tình cảm.

Sống đời bình an gồm những bài viết thiên về sự trợ lực, hỗ trợ cho việc tu dưỡng phẩm chất cá nhân, như tính nhẫn nhịn, hóa giải cơn nóng giận, rèn luyện tinh thần tự lập...

Cuốn sách thứ ba ra đời vào năm ngoái, mang tên Làm mới vườn tâm là sự tổng hòa từ 2 tác phẩm trước, cộng thêm chủ đề về sự nhận diện và phát huy phẩm chất tốt đẹp từ cá nhân, không ngừng làm mới để mỗi ngày đều có sự tươi mới, thú vị.

Sau 7 năm, Sư cô Suối Thông đã có một bộ sách gồm ba cuốn được độc giả yêu thích.

- Cô bắt đầu viết và biên phiên dịch sách từ khi nào?

Tôi bắt đầu tập tành viết lách từ những năm cuối cấp ba, có một vài bài được đăng trên báo Giác Ngộ, chương trình Văn học tuổi xanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM... Còn việc biên dịch thì từ năm 2015, khi tôi đang học ngôn ngữ ở Trung Quốc. Có duyên đọc được những bài viết về triết lý cuộc sống, rất sâu sắc về nội dung, ngôn từ khúc chiết và cân đối theo lối văn biền ngẫu, tôi thấy tâm đắc nên bắt đầu dịch và đăng lên Facebook cá nhân với tên gọi Chia sẻ cuối tuần. Cứ đều đặn như vậy gần 2 năm, những bài chia sẻ nhiều lên, người đón nhận rất nhiệt tình. Một số vị chép vào sổ tay, có người thì xin bản thảo để photo cho người thân đọc, điều này khiến tôi suy nghĩ đến việc in thành sách để lan tỏa đến nhiều bạn đọc hơn. Cứ như vậy, lần lượt 3 cuốn sách đã ra đời.

- Đúng là mạng xã hội đã góp phần tạo nên những cây bút. Vậy cô thích cuốn sách nào của mình nhất?

Người ta thường nói “văn mình vợ người”, tôi cảm thấy rất có lý. Ít nhất là đối với những điều bản thân viết ra hoặc dịch thành, mình đều trân trọng. Sự ra đời của mỗi cuốn sách, mỗi bài viết đều là thành quả lao động, ghi dấu nhiều kỷ niệm cá nhân, bản thân cũng được “lớn lên” từ đó nên đều thấy có ý nghĩa.

- Cô dành nguồn thu từ sách cho hoạt động thiện nguyện?

Thường là như vậy. Vì tôi là người xuất gia, nhu cầu cá nhân không nhiều, cũng không làm ra tiền nhưng lại thường xuyên gặp những dịp hoặc ai đó cần sự chia sẻ. Thay vì kêu gọi sự ủng hộ từ người khác cho hoạt động thiện nguyện hoặc cúng dường, tôi dùng nhuận bút sách luôn cho tiện.

- Để viết một cuốn sách, nhất là sách mang nội dung tỉnh thức, chữa lành thì người viết cần rèn luyện, trau dồi tự thân ra sao?

Viết một cuốn sách, hay làm bất kỳ công việc gì, tôi thường ghi nhớ câu nói: Không thể trao truyền cho ai cái mà chúng ta không có. Khi muốn đưa nội dung tỉnh thức hoặc chữa lành vào sách tự thân người viết cần có những yếu tố đó, hoặc ít nhất là có sự quan tâm, hứng thú với nó thì những điều mình viết ra, truyền tải sẽ được tiếp nhận, đồng cảm dễ dàng hơn.

- Với những bản dịch có nội dung giúp chuyển hóa tâm hồn con người thì sao, dịch giả có được “chữa lành”?

Tôi kiên trì được với những bài dịch, về sau còn tìm tòi viết thêm cho phong phú suốt 10 năm nay, một phần là nhờ vào sự động viên, đón nhận nhiệt tình từ phía người thân và quý độc giả. Phần còn lại cũng quan trọng không kém, là chính mình cũng được chữa lành từ những bài dịch/bài viết đó. Những tháo gỡ vướng mắc, tư tưởng tích cực, khuyên nhắc buông bỏ... đều đến từ bản dịch, chấp bút.

Khi suy nghĩ tìm câu chữ phù hợp để diễn tả, rồi đọc đi đọc lại để chỉnh sửa, ý nghĩa của nó thấm vào mình lúc nào không hay và hỗ trợ rất nhiều trong quá trình tu tập và chuyển hóa.

Có một dòng sách bổ dưỡng tinh thần

- Theo cô, tại sao ngày nay có nhiều sách chữa lành, ứng dụng Phật pháp vào đời sống như vậy?

Sách chữa lành ngày nay rất nhiều, thể hiện nhu cầu của độc giả. Ở Việt Nam tác phẩm dịch từ tiếng Nhật là nhiều nhất, kế đến là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn... tạo thành dòng sách trị liệu.

Vì để trị liệu về tâm thái nên những tư tưởng Phật học ứng dụng trong đời sống hằng ngày cũng được xếp vào dòng sách này.

Nhân loại đang sống trong thời buổi hiện đại, cái gì cũng tiện lợi và nhanh chóng nên sức kiên nhẫn không có cơ hội rèn luyện. Nhiều khi ngay cả với người thân, người thương trong gia đình, chúng ta cũng không đủ kiên nhẫn lắng nghe hết câu chuyện để tháo gỡ hay an ủi tâm tình. Mỗi người có một thế giới riêng và quay cuồng với nó. Nên khi vấn đề xuất hiện, không biết tâm sự cùng ai, lúc này sách vở được xem như một người bạn quý, giúp con người giải quyết vấn đề tự thân. Tôi nghĩ đây cũng là một cách giải quyết vấn đề tích cực.

- Sắp tới cô sẽ tiếp tục viết?

Chắc chắn rồi. Viết và dịch là sự rèn luyện, cũng là niềm vui của tôi nên sẽ luôn luôn duy trì.

- Cô có dành thời gian cho việc đọc sách?

Hồi còn làm tiểu ở chùa, niềm vui chính của tôi là đọc sách, đọc những cuốn sách về cuộc đời Đức Phật, những câu chuyện và triết lý trong nhà Thiền. Có khi đọc sách báo cũ, mua bằng ký vẫn thấy vui và thích thú với bài học trong đó. Bây giờ công việc bộn bề hơn, thời gian để đọc không còn nhiều như trước, nhưng tôi luôn tranh thủ. Mỗi khi đi đâu, trong giỏ xách đều có một cuốn sách mới để khi có thời gian trống sẽ đọc ngay. Tôi vui với thói quen này và thu được rất nhiều lợi ích từ đó.

- Cô có lời khuyên nào cho việc đọc và viết của người trẻ?

“Lời khuyên” thì không dám, nhưng tôi thường giới thiệu một vài đầu sách ý nghĩa với những bạn trẻ có duyên gặp hoặc làm việc chung. Nhiều người chưa quen với việc đọc, tôi sẽ gợi ý bắt đầu bằng các cuốn sách hoặc truyện mà họ thích, dần dần hứng thú được nuôi lớn, thấy được lợi ích từ đó sẽ có thêm động lực tìm đến nhiều đầu sách khác.

Người ta nói trong sách có những người thầy giỏi, những người bạn tuyệt vời, cả những người đẹp không tì vết. Nếu bạn tiếp xúc với sách lâu ngày, sẽ được nuôi lớn từ nhận thức đến ý chí kiên trì, lỡ khi cuộc sống có phát sinh vấn đề, cũng đối diện nhẹ nhàng và vượt qua dễ dàng hơn rất nhiều.

(Ảnh: NVCC)

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-su-in-tac-pham-dau-tay-phat-hanh-den-100-000-ban-2271681.html