Nhà sàn về phố

Hiện nay, xu hướng di dời các nhà sàn truyền thống đến lắp dựng ở vị trí mới khá phổ biến, mang đến cái nhìn mới đầy cảm xúc cho người dân thành phố...

Kiến trúc nhà sàn truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi khu vực miền núi phía Bắc. Nếp nhà sàn truyền thống không chỉ mang yếu tố văn hóa bản địa, thích hợp với địa hình tự nhiên vùng núi, mà còn thể hiện vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Nùng, Dao…

Nhà sàn hiểu theo nghĩa tổng quát là công trình kiến trúc có mái che, dùng để ở hoặc dùng vào những mục đích khác. Cấu trúc mặt sàn được xây cất bằng nguyên liệu như tre, luồng, gỗ, liên kết lưng chừng ở các hàng cột một cách chắc chắn.

Dưới gầm sàn là kho dùng chứa củi, nông cụ hoặc có thể là nơi chăn thả gia súc, gia cầm. Một số dân tộc cũng có thể bỏ trống phần gầm sàn. Loại hình kiến trúc này xuất hiện vào khoảng đầu thời đại Đá mới. Kiểu kiến trúc nhà sàn đẹp, rất thích hợp với những nơi có địa hình phức tạp như lưng chừng núi, ven sông, suối, đầm lầy bởi nó thích nghi với địa hình rất tốt.

Một địa điểm thu hút du khách khi đưa lối kiến trúc nhà sàn vào trong thiết kế.

Ngày nay, kiến trúc nhà sàn vẫn đang được bảo tồn và phát triển, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, những giải pháp thiết kế kiến trúc độc đáo tại một số khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán cà phê được xem như một hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà sàn truyền thống, dung hòa những yếu tố bản địa, vật liệu, công nghệ và thẩm mỹ để đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho một “nơi chốn” đặc biệt theo tinh thần xuyên suốt truyền thống - đương đại. Việc này được đánh giá cao bởi sự gìn giữ và phổ biến những nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Cuộc sống phát triển, kiến trúc nhà sàn truyền thống cũng có những biến đổi để thích ứng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Việc bảo tồn giá trị của những căn nhà sàn truyền thống ngày càng được chú trọng, trong đó quan trọng hơn cả là việc phát huy, khai thác căn nhà sàn như một di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Hiện nay, xu hướng di dời các nhà sàn truyền thống đến lắp dựng ở vị trí mới khá phổ biến. Nó mang đến một cái nhìn mới đầy cảm xúc cho người dân thành phố vốn quen thuộc với những mái nhà bê tông nặng nề, bị ngăn cách với thiên nhiên sau khuôn cửa lạnh lẽo. Những căn nhà sàn bằng gỗ với các bức tường được làm bằng gạch thô, đá ong, gạch thất bát cổ hoặc đá đỏ kim bôi… đơn sơ nhưng đầy hoài niệm. Bức tường là điểm nhấn cho căn nhà sàn, làm tăng tính thẩm mỹ. Thiên nhiên như được tự do len lỏi vào từng ngóc ngách trong nhà sàn, mang theo không khí dễ chịu, trong lành, là tia nắng nhẹ nhàng len qua khe cửa, là hương thơm ngào ngạt của những cây hoa sữa ven đường, tiếng kêu vội của chú chim trên tán cây cao… Những ngôi nhà sàn truyền thống đang làm tốt nhiệm vụ giao thoa tuyệt vời nét truyền thống và hiện đại nơi phố thị.

Đây cũng là một hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà sàn truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nha-san-ve-pho-post377945.html