Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang: Tôi từng bị tấn công trên mạng xã hội

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng đây cần tăng cường thực thi nghiêm Luật An ninh mạng để kiểm soát vấn nạn bạo lực trên mạng xã hội.

Bạo lực trên mạng xã hội (MXH) là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội chứ không phải của riêng cá nhân, tổ chức nào. Nó đang diễn ra từng giờ, từng ngày.

Gần đây, thông qua việc một số cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi "ném đá" nhắm vào Hoa hậu Ý Nhi thì vấn đề trên lại càng trở nên báo động hơn bao giờ hết.

Cần khẳng định rằng phản biện xã hội hay phê bình nghệ thuật chưa bao giờ mang ý nghĩa của hành động "đập cho chết" hay "đánh cho chừa". Ý nghĩa khoa học và nhân văn của cụm từ phê bình, phản biện là hướng con người đến nhận thức xã hội, nhận thức nghệ thuật tiến bộ hơn, văn minh, nhân ái hơn.

Do đó, ý nghĩ hay hành động "đập cho chết", "đánh cho chừa" chỉ xuất hiện trong xã hội phong kiến, trung cổ hoặc trong một xã hội kém văn minh, chứ chưa bao giờ nó là hành động giúp nhân loại tiến bộ. Vậy nên việc đặt hành vi "đập cho chết" bên cạnh hành động phê bình, phản biện vốn đã sai từ ngay nhận thức ban đầu rồi.

Hoa Hậu ý Nhi từng bị bạo lực trên MXH thời gian qua

Là người hoạt động truyền thông, thường xuyên quan sát các hành động bạo lực trên mạng, tôi cho rằng, việc một cá nhân này có hành vi tấn công, sỉ nhục, thậm chí chà đạp lên danh dự, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác là không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh, công nghệ hiện đại. Thời nay không thể và không nên có chỗ cho các hành vi "man dã", tự tung tự tác như những gì chúng ta thường thấy trên mạng xã hội.

Bản thân tôi cũng từng bị tấn công trên mạng xã hội bởi một số đại diện cho nhóm lợi ích "nhân danh dân chủ" nhằm làm giảm uy tín, danh dự cá nhân, cho nên tôi cho rằng đã đến lúc pháp luật cần quyết liệt, triệt để hơn đối với các hành vi "bạo lực trên mạng về tinh thần" kiểu này.

Chúng ta muốn xây dựng nhà nước pháp quyền theo định hướng nhân văn xã hội chủ nghĩa, thì điều đầu tiên cần làm là kiên quyết loại bỏ các hoạt động bạo lực mạng như trên.

Bởi từ bạo lực trên mạng xã hội đến bạo động xã hội vốn có ranh giới rất mong manh. Chúng ta từng chứng kiến những thảm cảnh học đường hay từng có cái chết quyên sinh tức tưởi từ các em học sinh thời gian qua đều có liên quan hoặc có nguồn gốc xuất phát từ bạo lực mạng mà ra. Chẳng phải ngẫu nhiên nhiều quốc gia đã phải yêu cầu những người đứng đầu các công ty ứng dụng mạng xã hội phải điều trần và cam kết về quyền con người trên không gian ảo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. Ảnh: NVCC

Vì vậy để vấn nạn tấn công mạng được kiểm soát và ngăn chặn, tôi cho rằng cần tăng cường thực thi nghiêm Luật An ninh mạng, đặc biệt là pháp luật hình sự về các hành vi tấn công trên mạng xã hội.

Cần xem hành vi tấn công trên mạng xã hội cũng nguy hiểm, thậm chí nhức nhối hơn so với tội phạm bạo lực ngoài xã hội. Ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý khi bị tấn công trên mạng xã hội sẽ để lại hậu quả rất lâu và rất dai dẳng. Do đó cần có hành động trấn áp tội phạm mạng một cách nghiêm minh, quyết liệt và thường xuyên.

Bộ Thông tin Truyền thông cần phối hợp với Bộ Công an để sớm đưa ra bộ công cụ phát hiện và ứng biến với các hành vi bạo lực mạng xã hội.

Mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội cần nhận thức rõ việc tấn công bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó.

VĂN HÀ (Ghi)

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-nghien-cuu-van-hoa-ngo-huong-giang-toi-tung-bi-tan-cong-tren-mang-xa-hoi-post761317.html