Nhà máy hơn nửa thế kỷ sắp dời khỏi KCN lâu đời nhất Việt Nam

Hầu hết nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) đều đã được xây dựng cách đây hàng chục năm. Việc phải di dời trong thời gian tới khiến họ gặp không ít khó khăn.

Thành lập từ năm 1963, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được ví như "cái nôi" của nền công nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp và nhà máy đã hình thành và phát triển qua những giai đoạn khác nhau tại khu công nghiệp hơn 60 tuổi này.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông Đồng Nai. Điều này khiến 76 doanh nghiệp với hàng chục nghìn công nhân đang làm việc tại đây gặp không ít khó khăn.

Tổng giám đốc Casumina cho biết họ khá bối rối bởi đề án đưa ra hạn cuối di dời xí nghiệp là cuối năm 2025, nhưng chính quyền chưa có phương án hỗ trợ rõ ràng cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi di dời như nhân công và chi phí xây dựng xưởng mới.

Xí nghiệp cao su Đồng Nai thuộc Tổng công ty công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina) đã hình thành ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hơn 20 năm. Đến nay, xí nghiệp có 2 xưởng chuyên sản xuất lốp xe tải nhẹ.

Cách đó khoảng 1 km là xí nghiệp Proconco nổi tiếng với nhãn hiệu Cám Con Cò. Năm 1991, doanh nghiệp này chọn Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là nơi xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên. Thời điểm ấy, nhà máy được xây dựng theo mô hình liên doanh Việt Pháp với sản lượng 17.500 tấn/năm.

Tính đến cuối năm 2014, Proconco đã đạt quy mô 7 nhà máy sản xuất ở các tỉnh, thành khác nhau. Tháng 12/2021, 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco chính thức được Tập đoàn De Heus (Hà Lan) mua lại từ Tập đoàn Masan.

Tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, một trong những nhà máy lâu đời nhất là của Vinacafé Biên Hòa. Được xây dựng từ năm 1969, đây là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trong toàn khu vực các nước Đông Dương. Thời điểm đó, nhà máy này thuộc sở hữu của ông Marcel Coronel với tên gọi là Nhà máy cà phê Coronel, hệ thống máy móc được nhập khẩu từ Đức.

Năm 1975, gia đình ông chủ Coronel trở về Pháp và bàn giao nhà máy cà phê cho chính quyền. Sau 8 năm, thương hiệu Vinacafe ra đời. Đến năm 2004, Nhà máy Cà phê Biên Hòa chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng.

Đến nay, Vinacafe Biên Hòa đã trở thành công ty con do Công ty TNHH MTV Masan Beverage sở hữu gần 99% vốn điều lệ. Với vị thế là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất cả nước về cà phê hòa tan, Vinacafe thường xuyên được nhắc tới là "con gà đẻ trứng vàng" cho Masan Beverage.

Nằm cạnh đó là xí nghiệp của Công ty Bóng đèn Điện Quang cũng đã đặt tại đây hàng chục năm. Năm 2022, doanh nghiệp này bị Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) khởi tố vụ án để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, Bóng đèn Điện Quang bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi tiêu hủy chất thải nguy hại không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài 70 doanh nghiệp trong nước, tại khu công nghiệp này còn có 6 doanh nghiệp FDI đang thuê đất, hạ tầng.

UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến việc di dời các doanh nghiệp tại đây sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025. Cơ quan chức năng cho biết sẽ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập, tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội... cho các doanh nghiệp phải di dời.

Vị trí Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Google Maps.

Văn An - Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-may-hon-nua-the-ky-sap-doi-khoi-kcn-lau-doi-nhat-viet-nam-post1465092.html