Nhà khoa bảng mang hùng tâm tráng chí

50 năm làm quan, quen thạo việc binh, nhiều lần lăn lộn sa trường, Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế được đánh giá là nhà nho khí phách, dũng cảm.

Lễ khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh ở làng Viên Nội (Ứng Hòa - Hà Nội) ngày 25/3/2023.

Vị Tiến sĩ đánh Nam dẹp Bắc

Nguyễn Danh Thế (1573 - 1645) người làng Viên Nội, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay là xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Lúc nhỏ ông còn có tên là Thiện, thông minh hiếu học, nổi tiếng hay chữ trong vùng. Năm Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng thứ 18 (1595) đời Lê Thế Tông, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1595 chép rằng: “Bấy giờ các sĩ tử về kinh thi Hội đông đến trên 3.000 người, qua bốn trường chọn hạng trúng cách ghi tên tâu lên. Hoàng thượng ra hiên điện đích thân ra đề hỏi về phương pháp trị nước.

Đặc sai Đề điệu là Thái úy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, Tri Cống cử là Lại bộ Thượng thư Thiếu phó Quỳnh Quận công Nguyễn Mậu Tuyên, Lễ bộ Tả Thị lang Hòa Lễ bá Ngô Tháo, Hộ bộ Hữu Thị lang Hồ Bỉnh Quốc chia giữ các việc.

Đến khi dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Thực 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Mậu 4 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ơn vinh ban cấp theo thứ bậc, so với các khoa trước lại có phần đầy đủ long trọng hơn.

Vả trong khoa này những bậc hiền tài giúp nước trị dân như chim phượng múa hót đến chầu, sân triều rạng rỡ các giai sĩ dùng văn chương làm đẹp nước nhà, ra tay giúp đời lập công trạng lớn, phụ giúp tác thành sự nghiệp cao cả, khiến cho nước nhà vững yên như đặt trên bàn thạch”.

Sử sách ghi rằng, đến thời vua Lê Kính Tông, Nguyễn Danh Thế được phong làm Hiệu thảo Viện Hàn lâm, sau vì có tang nên xin ở nhà.

Thời điểm ấy, thế lực nhà Mạc còn mạnh. Mạc Kính Cung lập mẹ Mạc Mậu Hợp (đã chết năm 1592) là Bùi thị làm Quốc mẫu và đem quân tiến vào Thăng Long. Trịnh Tùng phải đưa vua Lê chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Danh Thế có tang đang ở nhà, ẩn náu không ra theo nhà Mạc.

Sau khi đánh đuổi quân Mạc, Trịnh Tùng khen thưởng ông trung thành, phong làm Hiến sát Sơn Tây, sau làm Đô cấp sự Hộ khoa, sau lại làm Thái bộc khanh.

Năm 1606, ông làm Phó sứ sang Trung Quốc cống nhà Minh, khi về thăng lên làm hữu Thị lang bộ Lại. Năm 1609, ông mang quân đánh Mạc Kính Chỉ ở Thái Nguyên nhưng không gặp quân Mạc nên quay trở về.

Là quan văn nhưng Nguyễn Danh Thế nhiều lần được phái đem quân đánh nhà Mạc, dẹp loạn Trịnh Xuân, dụ hàng chúa Nguyễn. Ảnh minh họa: IT.

Năm 1616, ông được phong làm Tả đường bộ Hộ, sau lại đổi sang làm Đô ngự sử. Năm 1621, Nguyễn Danh Thế ra làm Đốc thị trấn thủ Lạng Giang. Cuối năm đó, chúa Trịnh mang quân ra đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, ông theo Trịnh Tráng tiến quân phá được quân Mạc.

Năm 1623, Trịnh Xuân làm loạn, Nguyễn Danh Thế cùng thế tử Trịnh Tráng dẹp loạn. Khi dẹp yên Trịnh Xuân, ông được thăng làm Thượng thư bộ Công và phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Đoan Dương hầu.

Cuối năm 1624, ông làm Đốc thị theo đường Thái Nguyên đánh họ Mạc ở Cao Bằng có công. Năm sau, ông được phong làm Thiếu phó. Năm 1626 ông sang làm Thượng thư bộ Hình. Trịnh Tráng chuẩn bị đánh Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Hóa, sai ông cùng Nguyễn Khải mang quân đến huyện Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) sắp đặt việc biên giới phía Nam với họ Nguyễn.

Năm 1627, Trịnh Tráng rước Lê Thần Tông đi thân chinh. Quân Nguyễn phòng thủ vững quá không phá được, Trịnh Tráng sai Nguyễn Danh Thế viết thư dụ Nguyễn Phúc Nguyên nhưng không được nên phải rút về.

Lòng tốt được trả ơn

Từ một cậu bé nghèo, Nguyễn Danh Thế đã thi đỗ đại khoa và trở thành vị đại thần có công của nhà Lê - Trịnh. Ảnh minh họa: IT.

Là nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời, lại là đại thần nhà Lê – Trịnh nên xung quanh sự thành đạt của Nguyễn Danh Thế có khá nhiều giai thoại thú vị.

Chuyện kể rằng, khi Nguyễn Danh Thế chưa ra đời, gia cảnh bố mẹ tuy nghèo khó nhưng lại rất chất phác thương người.

Một hôm có người đến xin ăn và ngủ qua đêm, hôm đấy hai vợ chồng nghèo đi làm thuê được trả công mỗi người một cái bánh giầy. Về nhà không ai bảo ai, cả hai vợ chồng đều đem cho cả người ăn xin.

Cảm động trước tấm lòng đôn hậu của hai vợ chồng nghèo, người ăn xin đã nói cho vợ chồng họ biết mình là thầy địa lý đến từ phương Bắc. Người này hứa sẽ tìm giúp vợ chồng một mảnh đất đẹp đặt mộ để con cháu sau này học hành giỏi giang, phát đường quan lộ, thoát cảnh bần hàn.

Giữ lời hứa, đến mùa vụ cấy, thầy địa lý quay trở lại và dặn vợ chồng người nông dân vào lúc đêm khuya hãy chuyển ngôi mộ của bố mẹ đẻ hoặc ông bà nội đặt trộm vào khu ruộng đã chỉ. Người này cũng dặn sau này có con, cháu làm quan to nhớ mua lại cả thửa ruộng đó để xây mộ cho đàng hoàng, các đời sau sẽ được tiếp phúc.

Sau này vợ chồng người nông dân sinh được một cậu con trai, tướng mạo tuấn tú đặt tên là Nguyễn Danh Thế. Cậu bé sớm thông minh và học giỏi có tiếng trong vùng.

Nhà vốn nghèo, ngày lên đường đi thi Nguyễn Danh Thế chỉ có duy nhất bộ quần áo trên người. Đi qua đoạn sông vắng ông xuống tắm và giặt quần áo chờ khô để hôm sau vào trường thi. Lúc lên bờ không thấy quần áo đâu, thấy có người gánh nước ông lại ngâm mình xuống nước.

Người con gái của một cụ đồ trong vùng đi gánh nước thấy làm lạ về nói với bố, có một chàng trai tuấn tú tắm rất lâu từ sáng mà không chịu lên bờ. Cụ đồ ra hỏi biết rõ sự tình, để kiểm chứng chàng trai có đi thi hay không, cụ ra câu đối.

Vốn học giỏi nên Nguyễn Danh Thế đáp rất hay và nhanh, cụ đồ ngợi khen và nhận định người này sẽ đỗ kỳ thi năm nay. Cụ cho chàng trai một bộ quần áo mới và một ít đồ ăn mang theo.

Đúng như nhận định, tên của Nguyễn Danh Thế được ghi danh trên bảng vàng. Ngày vinh quy bái tổ, nhớ ơn gia đình cụ đồ đã giúp đỡ, vị tân khoa quay lại tạ ơn.

Mấy chục năm làm quan to, ông lập nhiều công trạng với triều đình, nơi đâu người dân bức xúc, gặp khó khăn ông đều ra tay giúp đỡ. Bởi vậy nhiều xã trong vùng hiện nay vẫn còn tục đem lễ vật đến tạ ơn quan tướng quân và được dân tôn làm Thành hoàng làng.

Cũng có chuyện kể rằng, Nguyễn Danh Thế là cậu bé chăn trâu nhà nghèo nhưng rất ham học, ngày nào dắt trâu đi cũng mang theo quyển sách để đọc. Một hôm, trời nhá nhem tối, khi đang dắt trâu về thì gặp một người đàn ông lạ mặt. Nghe người này ngỏ ý muốn về ngủ nhờ, cậu bé Thế gật đầu.

Khi đó trong nhà chỉ có một cái bánh giầy, bà mẹ muốn bẻ đôi chia cho khách một nửa, bà và con trai ăn chung nửa còn lại. Tuy nhiên hai mẹ con cứ nhường nhau không ai chịu ăn nên để sáng hôm sau mời khách vì nhà hết gạo. Người khách thấy vậy cảm động lắm, nói với cậu bé: “Nhà mày nghèo nhưng tốt bụng. Tao sẽ đổi mộ cho bố mày, sau này mày sẽ công danh rạng rỡ, cuộc sống sung túc”.

Sau đó vị khách ở lại một ngày, chờ nửa đêm cùng cậu bé Thế vác thuổng ra đồng, đổi mộ cho cha. Sau khi đổi mộ, người khách chào tạm biệt rồi lên đường. Từ đó, Danh Thế ra sức học hành, xin làm đủ việc để có tiền đi thi. Quả nhiên, đã đỗ Tiến sĩ, công danh rạng rỡ nổi tiếng khắp vùng.

Đường vào Viên Nội - quê hương Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế.

Mộ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế.

Giai thoại “hết phát”

Ngoài giai thoại được người ăn mày giúp đỡ để được huyệt mộ phong thủy, trong dân gian còn truyền tụng chuyện “ăn miếng trả miếng” giữa hai ông nghè Danh Thế và Tuy Lai. Để triệt đường phát quan của Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế, ông nghè ở Tuy Lai (nay thuộc huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã mời thầy địa lý trấn yểm bằng cách đắp đê, nắn sông. Đáp lại, vị Tiến sĩ cũng thuê người đào đầm.

Cùng làm quan trong triều nhưng xét về chức tước thì chức quan của Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế to hơn ông nghè ở Tuy Lai. Nhiều lần trong triều, ông nghè Tuy Lai thường bất đồng quan điểm và ghen tức trước tài năng của Nguyễn Danh Thế mà dẫn tới mối hiềm khích. Nhân lúc Nguyễn Danh Thế đi sứ nhà Minh (Trung Quốc), ông nghè Tuy Lai đã mời thầy địa lý về làng Nguyễn Danh Thế xem thế đất để tìm cách triệt phá, hãm hại.

Sau khi xem xong thế đất, thầy địa lý nói với ông nghè Tuy Lai rằng mảnh đất này có vị Tiến sĩ quan văn nhưng lại phát đường quan võ. Nhà quan này có một ngôi mộ nằm ở thế đất rất đẹp đinh long tọa khôn, đầu gối sao Kim, sao Thổ, mặt hướng về phía trước minh đường có sao Thổ làm án. Con đường thăng quan tiến chức của người này còn dài, đời sau còn có người tài cao, làm quan to trong triều.

Ông nghè Tuy Lai nghe xong nhờ thầy địa lý xem có cách gì trấn yểm, làm sao để triệt đường phát quan của Nguyễn Danh Thế và hậu duệ. Khi Nguyễn Danh Thế đi sứ về biết chuyện chẳng lành đã tìm cách phá giải trận đồ. Sau một thời gian cho người đào một cái đầm thật rộng và đặt tên là đầm Lai.

Đời sau lý giải rằng, cách đào đầm Lai chỉ có thể hóa giải được những tai ương, điềm xấu chứ không thể cứu vãn được tác dụng triệt đường phát quan của ông nghè Tuy Lai. Dân gian cũng khéo đặt ra câu chuyện này là để giải thích vì sao con cháu của Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế không thể làm quan danh tiếng như người cha - người ông của mình.

Theo ghi chép, cuối 1627 Nguyễn Danh Thế được kiêm chức Đô ngự sử, 5 năm sau làm Tham tụng, dự bàn việc nước. Năm 1638, ông làm tham mưu theo Trịnh Tráng đi đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Hai năm sau, lại được giao thêm việc ở Đông các kiêm Thượng thư bộ Lễ.

Đầu năm 1643, vua Lê chúa Trịnh đi đánh họ Nguyễn ở Thuận Hóa, sai ông ở lại trấn thủ kinh thành Thăng Long. Năm 1645, Nguyễn Danh Thế qua đời ở tuổi 73, được triều đình truy tặng là Thái phó, Thượng thư bộ Hộ, Tả tư không, thụy là Văn Trung.

“Là nhà khoa bảng mang hùng tâm tráng chí, cống hiến cho nhà Lê - Trịnh nhiều công lao trên cả ba lĩnh vực: Chính trị - quân sự và ngoại giao. Vì thế Phan Huy Chú đã nhận Nguyễn Danh Thế “giữ mình ngay thẳng cứng cỏi, biết cách làm việc chính trị, quen việc binh; làm quan trong kinh ngoài trấn cả thảy 50 năm, là người bề tôi giỏi lúc bấy giờ”.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-khoa-bang-mang-hung-tam-trang-chi-post659151.html