Nhà báo Xuân Thủy - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) và ngày giỗ lần thứ 38 của nhà báo Xuân Thủy (18/6/1985 -18/6/2023), Hội Nhà báo Việt Nam vừa phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề 'Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)'. Đây là dịp để các thế hệ nhà báo Việt Nam cùng nhìn lại những đóng góp của vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, cũng là cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Cố nhà báo Xuân Thủy (1912 - 1985) tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm tham gia hoạt động cách mạng và nghề báo rất sớm, ông có những đóng góp quan trọng đối với cách mạng nước nhà nói chung và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng. Ông là một chính khách, một nhà ngoại giao xuất chúng và là nhà báo tài ba, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, cuộc đời của ông gắn liền với cách mạng ở nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó nghề báo là một trong những điểm nhấn ngời sáng, khó quên. Ông là ngọn bút tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam, là người dày công xây dựng, tổ chức đội ngũ báo chí; có tầm ảnh hưởng quốc tế và vũ khí báo chí trong đấu tranh ngoại giao. Đặc biệt, theo sáng kiến của ông và sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tổ chức thành công trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến, viết hàng nghìn bài báo ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân ta, lên án tội ác và vạch trần âm mưu của kẻ thù.

Tại buổi tọa đàm diễn ra vào ngày 14/6, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, không chỉ là một nhà ngoại giao xuất chúng, tài hoa, đức độ, đồng chí Xuân Thủy còn là nhà báo, nhà thơ... nổi tiếng. Từ lúc ngoài 20 tuổi, ông đã là ký giả, có bài đăng trên các báo "Tin Tức", "Đời Nay"... và từ năm 1932 hoạt động cách mạng thông qua báo chí. Bút danh Xuân Thủy ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông đến khi qua đời. Từ năm 1938 đến 1943, ông nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày. Trong nhà tù Sơn La, ông cùng bạn tù là nhà báo Trần Huy Liệu bí mật làm tờ "Suối Reo". Để tránh sự kiểm tra của bọn cai ngục, các nhà báo nhiều lúc phải đưa giấy, bút, mực vào trong khu vực... nhà vệ sinh để viết.

Nhà báo Xuân Thủy

Đầu năm 1944, ông bị đưa về quản thúc tại quê nhà, sau đó bí mật hoạt động và phụ trách báo Cứu Quốc. Nhà báo Xuân Thủy vừa làm chủ nhiệm tờ báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như: Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng... Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thủy, Cứu Quốc trở thành tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất cả nước lúc bấy giờ, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều tên tuổi của Báo Cứu Quốc đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng như: Nguyễn Ngọc Kha, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Thành Lê cùng đội ngũ cộng tác viên tên tuổi như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới...

Tháng 7/1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó chủ tịch OIJ năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Từ tháng 5/1968, đồng chí Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Trên mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam lúc đó đã kết hợp nhiều hình thức đấu tranh, trong đó có hình thức đấu tranh tại các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo. Bên lề hội nghị, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy đã chủ trì các cuộc họp báo lớn và trực tiếp trả lời phỏng vấn nhiều nhà báo, các hãng thông tấn nước ngoài.

Sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền tìm hiểu tư liệu về nhà báo cách mạng ưu tú Xuân Thủy

Khi nước nhà thống nhất, ngày 07/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam thành một tổ chức báo chí duy nhất, hoạt động trên phạm vi cả nước, lấy tên chính thức là Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.

Tại tọa đàm, hơn 30 tài liệu, hiện vật gốc được trưng bày, kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam... trong đó có bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên báo Cứu Quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 08/3/1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy...

Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thủy giữ nhiều trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau và ông đã có những cống hiến xuất sắc, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong các công tác ngoại giao, báo chí, trong phong trào bảo vệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế... Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xuân Hương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ton-vinh-nha-bao-xuan-thuy-nguoi-hoc-tro-uu-tu-cua-chu-tich-ho-chi-minh_148619.html