Nhà báo và trách nhiệm xã hội

Trong thế giới phẳng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm các nhà báo phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Họ sẽ phải làm gì để cân bằng giữa con người của mạng xã hội và con người - trong vai trò một nhà báo? Báo Lao Động tìm lời giải bằng việc trao đổi cùng một số nhà báo.

Nhà báo Lê Thanh Phong (Lao Động)

Nhà báo Lê Thanh Phong (Lao Động): Viết sai sự thật là điều đáng sợ

Độc giả biết đến anh không chỉ là tác giả lớn của làng báo, cây bút chủ lực của Lao Động hiện nay, mà còn thích đọc anh với tư cách "tay chơi" trên mạng xã hội. Điều đó đã rõ bởi những tác động xã hội “trông thấy” sau từng bài báo cũng như những phản hồi sau mỗi entry của anh. Vậy anh có “phân thân” ở hai tư cách Nhà báo – facebooker khi viết về cùng một vấn đề?

Là người làm báo chuyên nghiệp, cho nên khi đặt bút viết những đề tài nghiêm túc, dù bài đăng báo hay chỉ đăng trên trang cá nhân, tôi đều có thái độ viết như nhau, tức là có trách nhiệm với từng chữ mình viết ra và tôn trọng sự thật.

Có khi những quan điểm của mình chưa chắc được báo chấp nhận, là nhà báo chuyên nghiệp tôi thừa biết điều đó, nên tôi chỉ viết trên facebook để chia sẻ với bạn bè. Ngoài ra, facebook là nơi chơi cho nó vui, nên cũng không câu nệ những chuyện tầm phào, chẳng báo chí hay quan điểm lập trường gì, chọc cười thiên hạ hay giễu cợt mình cho đời nó nhẹ nhàng.

Cũng có khi chửi khan để xả nỗi uất ức về điều gì đó mà mình chứng kiến nhưng bất lực. Là người cầm bút mà bất lực trước hiện thực xã hội là một sự cay đắng và mỉa mai. May thay còn có nơi để thét lên một tiếng, nơi đó là trang cá nhân của mình. Nếu nói rằng phân thân, thì đây có lẽ là lúc phân thân rõ rệt nhất.

Nhà báo viết facebook, người đọc tin hơn một facebooker, vì nhiều người cho rằng, nhà báo có nguồn đáng tin cậy, có kiểm chứng, có trách nhiệm xã hội khi phát một bản tin, còn facebooker thì hạn chế hơn. Đôi khi chỉ chia sẻ ngẫu hứng hoặc nghe thông tin một chiều rồi đưa tin. Anh có nghĩ vậy?

Theo quan sát của tôi, người làm báo chuyên nghiệp thường có trang cá nhân nghiêm túc, sinh động, hấp dẫn, tất nhiên không phải là tất cả. Tôi nghĩ rằng, vì nhà báo có nghề, nắm bắt nhiều thông tin, có kỹ năng thể hiện, có sự nhạy cảm của nghề nghiệp cho nên thông tin chính xác, có tính phản biện và phân tích. Người làm báo chuyên nghiệp có lòng tự trọng nghề nghiệp, dù viết báo hay viết trên trang cá nhân cũng cân nhắc tính chính xác của thông tin, vì thế thông tin trên facebook của nhà báo thường đáng tin cậy. Tôi xin nhắc lại, đó là nói chung, còn không phải khi nào nhà báo cũng đúng và nhà báo nào cũng trung thực. Hãy cứ đọc đi, không ít thông tin trên báo chí hằng ngày không đúng sự thật hoặc không dám nói lên sự thật.

Với sự phát triển công nghệ và mạng xã hội hiện nay, báo chí không còn độc tôn, muốn nói gì thì nói như thời “hồng hoang”. Mọi phát ngôn, thông tin của báo chí hay của bất kỳ cá nhân nào đều có sự so sánh, kiểm chứng và lẽ dĩ nhiên sự đúng sai sẽ được xác lập ngay. Một chính khách dù chức to đến đâu, chỉ cần một phát ngôn dại đột, ngay lập tức bị phê phán tràn trên mạng xã hội, huống chi anh nhà báo quèn. Nhưng, nhiều người cũng có quan niệm ngược lại. “Nhà báo, nhất là những phóng viên trẻ - rất nhanh, nhạy về việc đưa tin, cứ như là việc gì họ cũng biết cả, nhưng kỳ thực họ chẳng biết gì đến nơi đến chốn. Trong khi nhiều facebooker là những chuyên gia, những nhà nghiên cứu, những chủ doanh nghiệp, quan chức… khi họ viết về các vấn đề chuyên lĩnh vực hoạt động, quản lý của mình? -Vậy nhà báo phải làm gì để được tin cậy, dù anh viết báo hay chơi facebook?

Nhà báo làm nghề đưa tin, nên có nhiều lĩnh vực chuyên sâu dứt khoát không thể biết bằng các chuyên gia trong ngành. Vì vậy, có những trang cá nhân của chuyên gia rất hay, phân tích thấu đáo những vấn đề liên quan đến chuyên môn của họ, đó cũng là chuyện bình thường.

Nhà báo không viết được những đề tài có chuyên môn sâu cũng là chuyện bình thường. Điều không bình thường là viết sai sự thật, bịa đặt, viết vì những mục đích không trong sáng. Cho nên, muốn được sự tin cậy từ bạn đọc, chỉ có cách duy nhất là viết đúng sự thật. Không ai làm nghề báo có thể dám chắc mình đưa tin chính xác tuyệt đối, rủi ro nghề nghiệp có thể đến với bất cứ ai. Nhưng sai sót do rủi ro không đáng trách, còn sai sót có mục đích không chỉ là đáng trách mà đáng sợ.

Xin cảm ơn anh và mong chờ những entry bông đùa hơn là những bức xúc vì “bất lực” trên FB của anh.

----------------

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (báo Thanh Niên): Nhà báo khi đưa tin phải kiểm chứng thông tin

Đầu tiên, xin hỏi câu mang tính "riêng tư" của những người làm báo. Nếu không đi thực tế, xuống tận cơ sở, nhà báo chỉ là facebooker? Anh có nghĩ vậy không?

Tôi nghĩ, facebook là một nguồn tin, mà bất cứ nguồn tin nào cũng phải được kiểm chứng. Chỉ ngồi nhìn vào tường (fb) và viết lên đó thì đích thị họ chỉ là facebooker. Nhưng có phải facebooker " tử tế" không thì còn phải tính.

Không chỉ là “nguồn tin”, mà mạng xã hội này còn có quyền năng, còn là "công cụ" để hỗ trợ cho nhà báo, tờ báo. Anh có thấy vậy?

Bất kỳ cái gì cũng có hai mặt của nó, kể cả tấm huân chương, fb cũng vậy. Nhưng nếu anh có bản lĩnh, tầm nhìn, vốn văn hóa thì anh sẽ làm chủ nó, biến nó thành thứ phục vụ cho mình. Ngày trước có bức tượng trăm tay nghìn mắt, ngày nay fb là "trăm tay nghìn mắt" của người làm báo. Anh cũng thấy đấy, hầu hết các vụ việc "động trời" đều từ thông tin trên mạng xã hội. Tóm lại, nó hỗ trợ cho người làm báo rất lớn từ cách nhìn nó là một nguồn tin (để kiểm chứng). Ngoài ra, nó còn là phương tiện làm bạch hóa xã hội. Nhiều người không "chết" vì những điều họ làm và được che giấu kỹ, nhưng đôi khi họ lại "chết" vì một đoạn clip của công dân. Rõ ràng nó rất có quyền năng.

Có quan điểm: Nhà báo, khi “đặt bút”-cho dù phương tiện anh thể hiện là gì (báo viết, nói, báo ảnh, hình, tranh… hay là một cuộc phỏng vấn, 1 bài diễn thuyết, 1 entry trên blogs, 1 statut trên FB) thì phải định hướng. Anh suy nghĩ về vấn đề này thế nào?

Nói định hướng thì nghe có vẻ như quen quá, kinh viện quá, tôi nghĩ đời hơn một xí, rằng, dù anh viết báo hay sử dụng mạng xã hội nhưng mọi người đều biết (bằng cách nào đó) anh là nhà báo, vậy thì hãy nghĩ đến tác động của nó đối với nhiều người.

Bạn đọc thấy rất rõ văn phong, cá tính của anh trong các bài báo, entry trên FB, rõ như chân dung của anh vậy. Anh có nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến bạn đọc qua cách anh đã thể hiện. Nhất là đối với hàng trăm các em sinh viên báo chí mà anh tham gia giảng dạy mỗi năm?

Mỗi khi viết báo hay viết trên mạng xã hội, tôi đều hình dung ra gương mặt của bạn đọc tôi, trong đó có bạn bè, gia đình và các em sinh viên từng học với tôi... Anh nói đúng, hệ thống lại bài viết, các stt, một người bình thường nhất cũng có thể đánh giá tôi là người như thế nào. Tôi có thể giả dối một lần nhưng không thể giả dối cả một hệ thống quan điểm của mình. Ví dụ cụ thể thôi, tôi viết về gia đình tôi, vợ tôi nếu có gì không đúng hoặc quá lên (kiểu như nổ) thì trước hết vợ con tôi sẽ coi tôi không ra gì trước đã.

Ngoài nội dung dạy các em "làm nghề", điều anh mong muốn nhất ở các nhà báo tương lai trong những lớp học của mình là gì?

Tôi được nhiều trường mời thỉnh giảng, lúc nào tôi cũng nói với các em, tôi không "dạy" mà tôi đang "truyền nghề". Truyền nghề không chỉ truyền về kỹ năng mà truyền cả đạo đức. Tôi nói, thầy có thể đào tạo một sinh viên từ không biết viết một cái “tin con ruồi” thành người tác nghiệp trong một cơ quan truyền thông đa phương tiện trong thời gian ngắn, nhưng trong thời gian đó, thầy không thể dạy các em muôn trùng điều thuộc về tư cách đạo đức, cái đó phải tự rèn luyện. Nhưng thầy khuyên các em, làm gì cũng nghĩ trước hết đến hai từ: LIÊM SỈ!

Báo chí phương tây có 2 từ định danh tương đối rõ là reposter (có thể tạm dịch là Phóng viên – người đưa tin) và Jounalist (Nhà báo) anh có thấy sự khác nhau ở 2 tên gọi này ở VN?

Hiện ở VN nhiều người cũng "lăn tăn" việc này. Nhưng tôi nghĩ nhà báo là người đã được trui rèn (nói số nhiều) nên họ có "thẩm quyền" (cách nói của nhà báo Hữu Thọ) hơn; còn phóng viên, ngay bản thân cái tên người đưa tin cũng nói lên họ ở một mức độ thấp hơn. Nhưng ở đây cũng cần nói thêm một thói quen trong cách gọi, tóm lại có thể hiểu, nhà báo là phóng viên (hoặc biên tập viên) nhưng phóng viên thì chưa hẳn là nhà báo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

-------------

Nhà báo Lê Đức Dục (báo Tuổi Trẻ):“Nhà báo cần hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”

Bạn đọc biết anh là cây bút mượt mà, thậm chí là "nặng" về tình cảm - nhất là những phóng sự về vùng biên. Nhưng trên facebook lại chua cay, bén ngót. Anh có chủ định tạo ra ranh giới ấy?

Giữa tờ báo và FB có một khoảng hở, và tôi chỉ bày tỏ trong khoảng hở ấy

cố gắng theo nguyên tắc "chòng chành nhưng không chìm". Tất nhiên dù viết báo hay FB thì tôi vẫn nhất quán một điều như ông Sáu Dân viết trong một bài báo cách nay gần 10 năm mà tôi rất tâm đắc: "Sứ mệnh của báo chí". Câu cuối cùng ông Sáu Dân đúc kết là: “Tôi nghĩ phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống. Tôi tin báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”

Chính vì vậy, anh xem mạng xã hội, facbook cũng là một phương tiện để nhà báo thực hiện sứ mệnh của mình?

Chính xác là như thế. FB là một tiến bộ của công nghệ và góp phần quan trọng trong việc minh bạch thông tin. Tuy nhiên, thông tin trên FB rất dẽ bị nhiễu. Vì thế, khi anh viết báo hay FB thì cần một mệnh lệnh khác từ trái tim và như thế “Hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước với dân tộc”. Đó là một mệnh lệnh, cao hơn chuyện công nghệ hay tiện ích, bởi trái tim của người làm báo chân chính không phải là một cổ máy !

Như vậy, trong từng status, entry của mình hay những chia sẻ một vấn đề nào đó trên mạng của anh là đều có chủ đích?

Không 100% đâu, cũng có những status vui đùa tếu táo. Như tờ báo cũng có mục vui cười thư giãn mà. Nhưng tôi nghĩ mình nhất quán trong mọi chuyện. Nói chung FB là tờ báo của mình.

Mỗi statut cố gắng mang cho những người đọc FB mình một điều gì đó,

nói phản biện thì to tát, tôi chỉ muốn nó có ích chút chút thôi, để tăng thêm chút nhỏ nhoi trách nhiệm với cuộc sống. Nhiều người cho rằng, bản chất thông tin chỉ có đúng hoặc sai. Không có tin tốt, xấu. Quan điểm của anh như thế nào?

Khó mà nói rạch ròi đúng sai được. Ví như vụ Bob Kerrey mới rồi, bên nào cũng có lý, nhưng tôi thì nghĩ khác: Khai thác khoét sâu vụ này thì ai sẽ được lợi? Nên chuyện hành xử trách nhiệm với đất nước và dân tộc như ông Sáu nói chính là cách mà tôi bảo vệ một vấn đề. Điều ấy cũng như câu "không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh viễn", sinh ra là phải nợ ông bà tiên tổ chứ không nợ ý thức hệ.

Lựa chọn lớn nhất của nhà báo là tiếp cận với những quy chuẩn có tính phổ quát. Tuy nhiên trước khi đạt tới các quy chuẩn và giá trị phổ quát báo chí nhân loại thì hãy là một công dân VN. Mà công dân VN thì vì dân tộc mình trước, thậm chí với tôi giới hạn địa phương hơn, tốt cho Quảng Trị quê mình đã. Gốc gác nông dân nên tôi thích bài thơ Nguyễn Sĩ Đại trong bài Nông dân có hai câu: "Không yêu nỗi họ hàng thì yêu chi nỗi nhân dân". Cái tư tưởng này chi phối các quan hệ khác.

Anh có nghĩ nhà báo cần phải “dẫn dắt” dư luận?

Định hướng đã là khái niêm mang tính chất toán học rồi. Bạn có thấy nhiều bài báo online vừa lên đã bị bóc? Có ai giải thích cặn kẽ lý do bóc đâu ngoài cái lỗi 404 mà anh em hay đùa là "tứ bất tử". Đằng sau 404 là gì? Có khi chỉ một tin nhắn từ đâu đó. Trong thời buổi thông tin như hiện nay, các mạng xã hội với tính năng live ngày càng được nâng cao, tiện ích nâng cấp vùn vụt thì khó định hướng cho ai được. Chuyện định hướng chắc do mỗi người tự mình chịu trách nhiệm về mình thôi, mà bạn đọc thì ngày càng thông minh tinh tế, có nhiều thông tin để sàng lọc lựa chọn, ngay cả trên mạng cũng thế, anh có thể “biễu diễn” được một thời gian thôi chứ không “biễu diễn” mãi được.

Xin cảm ơn anh!

---------

Nhà báo Mai Phan Lợi (báo Pháp luật TPHCM):Nhà báo cần dẫn dắt dư luận

Mai Phan Lợi là một trong số ít nhà báo "chơi" FB với một phong cách chững chạt. Các vấn đề anh viết, chia sẻ thường ngắn gọn, câu chữ trong sáng rõ ràng, ít bông đùa, "chửi xéo". Đó là chủ ý của anh hay là tính cách?

Ý kiến của tôi FB là mạng xã hội mở, có độ lan tỏa nhanh và sức hấp dẫn của nó chính là việc tạo cơ hội cho mọi người tham gia vào chủ đề người viết đăt ra. Do vậy các stt của tôi được viết dưới dạng mở, nêu vấn đề và thúc đẩy thảo luận. Thường là ko kết luận, tiết chế cảm xúc. Do vậy sẽ tạo cảm giác thoải mái cho mọi người tham gia thảo luận, bày tỏ ý kiến. Đấy là nguyên tắc chơi MXH của tôi, gọi là chủ ý cũng được.

Với nghề nghiệp cách thức như vậy cũng có giá trị tìm kiếm thêm các nguồn thông tin khác ngoài bài viết.

Anh có xem FB, mạng xã hội nói chung là một trong nhưng "phương tiện" của nhà báo. Và anh đã sử dụng nó như thế nào trong công việc của mình?

Chắc chắn nó như 1 phương tiện: giúp lan tỏa thông tin, tìm kiếm các thông tin khác, kể cả phản biện. Tôi sử dụng liên tục. Tính tương tác tăng giá trị các bài báo rất lớn. Và là căn cứ thiết kế các bài báo mới.

Nhiều người cho rằng, làm báo phải lấy sự quan tâm của bạn đọc làm thước đo. Nhưng cũng có thực trạng bạn đọc - nhất là trên MXH, thường có tâm lý đám đông- đôi khi quan tâm những vấn đề rất vụn vặt, thiên lệch. Nhà báo sẽ làm gì? Chiều theo bạn đọc, đưa thông tin mà họ đang quan tâm hay có trách nhiệm nêu những vấn đề khác, lớn hơn, vì cộng đồng,vì tổ quốc, vì dân tộc?

Với tôi sự quan tâm của cộng đông FB chỉ là 1 thước đo, nếu chạy theo nó hoàn toàn nhà báo sẽ bị chính MXH dẫn dắt. Theo tôi còn thước đo khác là lợi ích số đông, và đây mới là vai trò dẫn dắt của báo chí với MXH. Ví dụ một clip sex có thể nhiều like, share nhưng đối với báo chí đó ko phải là mục tiêu hướng đến, mà báo chí phải đánh giá tác động XH cả xấu lẫn tốt của clip đó để nâng cái tốt, dìm cái xấu.

Có nhiều người "chê" rằng MXH là ảo, không đáng tin. Nhưng cũng số nhiều cho rằng đấy là một không gian mở thực sự, với cả tỷ người soi rọi. Nếu lợi dụng MXH vì mục đích nhỏ mọn, anh sẽ lãnh ngay hậu quả. Quan điểm của anh thế nào về điều này?

Tôi coi MXH như 1 công cụ/phương tiện giao tiếp hiện đại, giống như bia hơi, trà đá, coffe vỉa hè. Tại đó ta gặp đủ loại người, nghe đủ loại thông tin, bản lĩnh và kỹ năng của nhà báo chính là tìm được "vàng" trong đám "quặng" đó.

Nhiều người lo ngại báo chí, đặc biệt là báo in sẽ "nguy", thậm chí sẽ cáo chung trước sự phát triển, tiện ích của mạng xã hội. Anh có lo điều đấy?

Khi có báo mạng điều đó đã đặt ra, khi có MXH càng nói đến nhiều hơn. Tôi không quá lo về điều đó vì báo in, nhất là báo chuyên ngành, có tôn chỉ rõ ràng, có bạn đọc cụ thể. Tất nhiên MXH sẽ gây sức ép nhưng đó là sức ép tốt để tờ báo phục vụ kỹ hơn đối tượng của mình.

Anh có lời khuyên nào cho các phóng viên trẻ chơi FB, dùng FB khi làm báo?

Thực ra chơi FB là theo thói quen sinh hoạt và tính cách. Tôi chỉ chia sẻ chứ không dám khuyên, là lên FB cũng như ra vỉa hè, nếu ta tôn trọng mọi người thì mọi người sẽ tôn trọng ta.

Giờ thì hơi ít đọc báo, ngủ dậy mở điện thoại ra là vào FB để xem mọi người chia sẻ những tin tức gì trên diễn đàn, trên newfeed. Tôi quan tâm đến mọi tin tức và tôi cũng thường share cho diễn đàn những tin tức tôi quan tâm, gồm những tin liên quan đến nghề hoặc tin tức liên quan đến số đông. Mỗi sáng ra, anh thường đọc báo hay xem FB trước? Anh quan tâm nhất điều gì?

Nhưng vậy cũng là một cách thể hiện quan điểm, một cách thức dẫn dắt thông tin? Nhà báo đàn anh, người thầy về nghề - Nhà văn Vĩnh Quyền thường xuyên nhắc phóng viên “đàn em” rằng – không nên viết vô trách nhiệm – dù là 1 bức “ảnh dọc đường”, hay 1 bản “tin con ruồi”. Dù anh dùng phương tiện gì, thì nên nhớ anh viết cho ai, viết làm gì rồi mới nghĩ đến cách viết - viết như thế nào, bằng thể tài nào. Anh có đồng ý như vậy?

Khi tôi share vào diễn đàn thì thành viên khác cũng share, hoặc bình luận. Thật khó có thể nhận định đó là dẫn dắt. Có lẽ nhà báo sợ nhất là từ "định hướng".

…nhưng hình như chúng ta bị ấn tượng không tốt về “định hướng”, tự mặc định rằng "định hướng" là phải làm theo ý chí của một tổ chức chính trị, xã hội, một cơ quan công quyền, một nhóm nào đó. Hướng người ta đến cái đẹp, điều tốt, hướng thiện... cũng là định hướng kia mà?

Đúng là có 1 số hiểu sai từ "định hướng" cho rằng đó là sự áp đặt tư tưởng. Tuy nhiên nếu "định hướng" có bằng chứng, vì lợi ích số đông thì đó cũng tốt chứ sao?!

Làm báo- chúng ta thường có điều kiện để kiểm chứng thông tin hơn 1 người dân bình thường. Vì vậy, phải có trách nhiệm trước thông tin của mình dù đấy là 1 statut trên FB. Anh có nghĩ vậy?

Đồng ý! Nhưng đấy là những thông tin ta có thể kiểm định được và có đủ bằng chứng. Những thông tin ta còn mơ hồ, chưa rõ nên tiếp tục tìm kiếm và tạo cơ hội tranh luận nhằm có nhiều thông tin hơn. Không nên và không thể đề cao tính trách nhiệm khi chính chúng ta còn thắc mắc về nó.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ này.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nha-bao-va-trach-nhiem-xa-hoi-564497.bld