Nhà báo Trần Thanh Phương: Cần mẫn vô cùng

Đầu tháng 9, nhận được phong bì gửi từ Sài Gòn mà nhìn đã biết bên trong là sách. Thoạt đầu là ngạc nhiên. Rồi bất ngờ khi mở phong bì ra. Chú vẫn nhớ tới một cô phóng viên để gửi tặng sách, chú ở tuổi 76 vẫn cần mẫn làm sách. Thật sự xúc động. “Sài Gòn tầng cao, Sài Gòn tầng thấp” tái bản lần thứ nhất, và đặc biệt là “Lời cuối với nhà văn đã đi xa”. Một là cuốn nhật ký, một được sưu tầm biên soạn. Chỉ có thể là ông - Trần Thanh Phương, nguyên phóng viên báo Giải Phóng, nguyên Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn kết – người gắn bó hầu hết đời mình với tờ báo Mặt trận.

Vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương và nhà thơ Lê Quang Trang,
nhà thơ Khuynh Diệp trong buổi mừng 2 cuốn sách mới in xon
g.

Khi tôi vào làm việc ở báo Đại Đoàn kết, ông Trần Thanh Phương đang là Phó tổng biên tập phụ trách phía Nam. Công việc cụ thể thì không “liên quan” nhưng ấn tượng về ông thì rất rõ. Khi ấy cơ quan phía Nam của báo rất mạnh, hàng loạt chương trình được thực hiện khiến Đại đoàn kết gần như là tờ báo đầu tiên làm bình chọn Top Ten ca nhạc (hình như trước cả Làn sóng xanh), tờ báo đầu tiên bình chọn Top Ten Hàng Việt Nam chất lượng cao và tổ chức hàng chục lần đưa hàng nội vào Dinh Thống Nhất. Mãi sau này chúng ta mới có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhưng báo Đại Đoàn kết đã tôn vinh hàng Việt từ cách đó khoảng 20 năm. Công ấy có phần tích cực của ông Trần Thanh Phương…

Người ta biết đến ông với tư cách như một “ông vua tư liệu”. Ông và vợ, bà Phan Thu Hương dành nhiều năm liền để sưu tầm tư liệu theo các chủ đề khác nhau. Nhà riêng của ông bà chất ngất tư liệu. Rất nhiều trong số ấy đã được xuất bản thành những cuốn sách. Tư liệu của ông đã được bày triển lãm và Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập 3 kỷ lục liên quan đến công việc sưu tập tài liệu đối với vợ chồng ông bà.

Kể ra, giữa thời buổi này, khi chỉ một cú nhấp chuột đã có thể tìm được tư liệu thì việc của nhà báo Trần Thanh Phương có thể sẽ bị coi là rảnh quá. Nhưng phải hiểu rằng niềm đam mê sưu tập tư liệu được ông thực hiện từ cách đây tới 40 năm. Và nó có những giá trị độc đáo mà tìm trên mạng cũng không có được. Giả sử cách đây 40 năm, máy tính và internet đã phổ biến như bây giờ, tôi tin ông vẫn làm người cần mẫn sưu tầm tư liệu, chỉ khác là nhờ công nghệ mà nhà ông bà đỡ bề bộn sách báo và việc sưu tầm đỡ vất vả hơn chăng?

Một trong những việc kỳ công của ông là sưu tầm bút tích nhà văn. Sau này ông đã xuất bản thành bộ sách 2 tập. Nhớ quãng thời gian ông làm việc này, cũng khá nhiều nhân tình thế thái. Ông tranh thủ mỗi lần ra Hà Nội họp là lại tìm đến các nhà văn, việc của ông thì thiện, thì chân tình những không phải ai cũng hiểu. Người viết bài này cũng từng được ông nhờ đến gặp xin giúp ông 1 trang bản thảo viết tay hoặc 1 chữ ký thôi cũng được của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Và không phải không có người nhìn việc đó giống như việc giới trẻ ngày nay đi xin chữ ký của diễn viên Hàn Quốc. Kết quả công việc là 2 tập bút tích nhà văn ra đời mà nhìn vào đó người ta cũng cảm nhận được nhiều điều thú vị, có giá trị khảo cứu đối với các nhà nghiên cứu văn chương Việt Nam…

Ông sinh ra ở tận cùng đất Mũi Cà Mau. 15 tuổi bước chân xuống tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Ông học trường học sinh miền Nam, học khoa văn Sư phạm rồi về công tác ở ban Miền Nam của báo Nhân dân. Đó là quãng thời gian ông sống trên đất Bắc mà biền biệt nhớ thương miền Nam. Miền Nam trong ông là những lần với tư cách phóng viên đi đưa tin về các đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc. Trong đó, có lần ông vào Phủ Chủ tịch đưa tin về đoàn miền Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung – Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - làm trưởng đoàn tới thăm Bác Hồ. Đó là năm 1969. Sau này khi đã về Nam làm báo Mặt trận, ông Trần Thanh Phương càng gắn bó và thân thiết với các bậc nhân sĩ trí thức trong ngôi nhà chung Mặt trận.

Sau Giải phóng gần 1 tháng, cuối tháng 5/1975, ông trở về Sài Gòn, tham gia làm báo Giải phóng – tờ báo ra đời giữa những tháng năm khói lửa chiến tranh, cơ quan ngôn luận của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cho tới năm 1977, Giải Phóng sát nhập với báo Cứu Quốc thành báo Đại Đoàn kết. Có nghĩa là ông Trần Thanh Phương gắn bó với tờ báo Mặt trận suốt từ năm 1975 cho tới khi ông nghỉ hưu, năm 2005.

Trong cuốn Nhật ký “Sài Gòn tầng cao Sài Gòn tầng thấp” vừa được tái bản của ông, trang nhật ký đề ngày 23/7/1957 ghi rất rõ: “Hôm qua, 22/7, báo Giải phóng, bộ mới, số 1 xuất bản tại Sài Gòn, trụ sở đóng tại 174-176 đường Hiền Vương (nay là 176 Võ Thị Sáu - nv) do ông Nguyễn Thành Lê (Tám Mai) là Tổng biên tập”. Như vậy, qua những trang nhật ký được ghi chép rất tỉ mỉ của ông, được biết báo Sài Gòn Giải phóng ngày nay được đội ngũ làm báo Giải phóng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam gây dựng lên, làm 15 số từ ngày 5/5 cho tới ngày 19/5/1975 thì bàn giao cho Thành ủy Sài Gòn để tiếp tục xuất bản Sài Gòn Giải phóng cho tới ngày nay, những anh chị em còn lại tiếp tục làm báo Giải phóng cho đến khi sát nhập thành Đại Đoàn kết.

Ông viết về tờ báo Mặt trận sau tháng 4/1975: “Báo Giải phóng có lực lượng cán bộ, phóng viên rất hùng mạnh. Đó là nguyên tòa soạn báo Giải phóng ở chiến khu về, gần như nguyên tòa soạn báo Thống Nhất ở Hà Nội vào, hơn 10 cán bộ, phóng viên báo Nhân dân sang và lực lượng tại chỗ gồm nhiều nhà văn nhà báo nổi tiếng”…

Về sự kiện sát nhập Cứu Quốc và Giải phóng thành Đại Đoàn kết, trang nhật ký ngày 5/2/1977 – ngày Đại Đoàn kết ra số đầu tiên - của ông viết: “Tờ báo lấy tên là Đại Đoàn kết, ông Lê Điền, Ủy viên Ban biên tập báo Nhân dân được cử làm Tổng biên tập. Đại Đoàn kết số 1 gồm 18 trang khổ 29x42cm, bìa bốn màu”. Tờ báo đăng bài về sự kiện quan trọng: Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và một bài thơ của nhà thơ Xuân Thủy vừa để nói về Đại hội vừa chào mừng tờ báo Đại Đoàn kết…

Cuốn “Sài Gòn tầng cao, Sài Gòn tầng thấp” bao gồm những trang nhật ký được ghi trong 5 năm trời, từ 1975 đến 1980, trong đó ngồn ngộn sự kiện, con người được ghi chép giản dị, nhiều trang đầy dự cảm lo âu của một nhà báo trách nhiệm với đất nước thời đó. Trang nhật ký ngày 12/10/1978: “Gạo! Gạo, đó là câu chuyện trên môi của nhiều người: Trên xe buýt, trong quán ăn, quán giải khát, nơi công sở… đâu đâu cũng nghe người ta nói tới hạt gạo cho hai bữa ăn. Những năm đầu thành phố giải phóng, quả là những năm dồn dập bao nhiêu sự việc để thử thách lý trí và tình cảm con người”. Ngày 29-11-1978: “Sáng nay, tại Nhà hát thành phố, giới nghệ sĩ họp mặt để tưởng nhớ nữa nghệ sĩ Thanh Nga và chồng bị mưu sát”… Đọc từng trang nhật ký thấy rất rõ ý thức làm tư liệu của ông được hình thành rất sớm, cũng thấy việc ấy hoàn toàn không vô bổ chút nào, khi nhờ nó 5 năm đầu của đất nước mới giải phóng hiện lên, gợi nhiều cảm xúc, hơn cả những kỷ vật thời bao cấp mà gần đây người ta thích thú sưu tầm nó.

Tôi không làm việc trực tiếp, gần gụi để hiểu rõ hơn về ông, nên bài viết này còn khá sơ sài. Có lẽ viết về ông cần những người khác và những bài viết khác nữa. Nhưng vẫn nhớ là ông thì đọc và luôn có nghĩa cử động viên phóng viên trẻ. Ví như hôm nào có bài tốt, ông gọi điện từ TP Hồ Chí Minh ra khen. Ví như khi làm kỷ yếu 60 năm ngày ra đời báo Cứu Quốc, mỗi phóng viên chọn 1 bài để in trong kỷ yếu, chính ông còn nhớ rõ và gọi điện ra gợi ý nên chọn bài nào. Những cuộc điện thoại thời ấy thường khá dài, vì… ông mắc tật nói lắp. Nhưng nghe xong thấy lòng ấm áp. Như đang ấm áp vì ông vẫn nhớ để gửi sách tặng.

Ở tuổi 76, sức khỏe không còn tốt, nhưng chắc hẳn ông vẫn còn đang tiếp tục sưu tầm, làm sách, cần mẫn vô cùng!

Cuốn sách “Lời cuối với nhà văn đã đi xa” là tập hợp các bài điếu văn, lời từ biệt đọc trong lễ tang các nhà văn được nhà báo Trần Thanh Phương sưu tầm, sắp xếp có hệ thống. Người đọc có thể tìm thấy trong sách nhiều tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn Việt Nam xưa nay qua các điếu văn và lời từ biệt tưởng nhớ họ, như: Nguyễn Đình Chiểu, Dương Khuê, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Huỳnh Thúc Kháng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính, Hoàng Ngọc Phách, Trần Hữu Trang, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… cho đến những nhà văn mới qua đời gần đây như Thái Vũ, Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài, Anh Đức, Trang Thế Hy, Thanh Giang, Trần Thanh Giao, Nguyễn Khắc Phục… Sách chỉ dành tặng chứ không bán.

Cẩm Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-bao-tran-thanh-phuong-can-man-vo-cung/121718