Nhà báo Tô Nguyệt Đình với Ngày ký giả đi ăn mày

(CATP)Sắc luật 007/74 của chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây buộc các chủ báo phải đóng tiền ký quỹ xuất bản 20 triệu đồng (khoảng 47.000 - 48.000USD thời bấy giờ) cho báo phát hành hằng ngày, đóng 10 triệu đồng cho tạp chí. Nếu không ký quỹ thì bị đóng cửa. Ngoài ra, báo nào bị tịch thu lần thứ hai sẽ bị đóng cửa. Nhiều cuộc đấu tranh của giới làm báo liên tục diễn ra chống lại sắc luật 007/74 mà đỉnh cao là cuộc xuống đường rầm rộ ngày 10-10-1974, Ngày ký giả đi ăn mày.

(CATP)Sắc luật 007/74 của chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây buộc các chủ báo phải đóng tiền ký quỹ xuất bản 20 triệu đồng (khoảng 47.000 - 48.000USD thời bấy giờ) cho báo phát hành hằng ngày, đóng 10 triệu đồng cho tạp chí. Nếu không ký quỹ thì bị đóng cửa. Ngoài ra, báo nào bị tịch thu lần thứ hai sẽ bị đóng cửa. Nhiều cuộc đấu tranh của giới làm báo liên tục diễn ra chống lại sắc luật 007/74 mà đỉnh cao là cuộc xuống đường rầm rộ ngày 10-10-1974, Ngày ký giả đi ăn mày.

Đêm ấy, con đường dẫn vào xóm chùa Long Vân (đường Bạch Đằng, Gia Định) trời tối đen như mực, tôi bước qua chiếc cầu ván trên kênh Bà Láng tìm đường vào nhà ông Tô Nguyệt Đình, bấy giờ là Cố vấn Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt đồng thời cũng là Cố vấn Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam. Ông dặn tôi chỉ đi một mình đến gặp ông để bàn chuyện quan trọng. Tôi lo lắng không hiểu ông có gặp rắc rối gì không, vì thời gian qua ông bị bám sát dữ quá. Tôi biết ông Tô Nguyệt Đình từ khi tôi còn là sinh viên Trường Đại học Vạn Hạnh thường xin gặp ông để nghe ông nói về lấy tư liệu viết phóng sự, viết truyện ngắn, bút ký... Tiếng gõ mõ tụng kinh từ chùa Long Vân vẫn đều đặn vọng ra, làm tôi liên tưởng đến bộ tiểu thuyết nổi tiếng Bộ áo cà sa nhuộm máu của ông cũng có đề cập đến ngôi chùa Long Vân cổ kính.

Tôi vừa đến nơi thì cũng đúng lúc ông Tô Nguyệt Đình vừa về tới, quần ống thấp ống cao, phía sau chiếc xe Suzuki cà tàng ràng buộc nào là cưa, búa, bào, đục... Ông cười hóm hỉnh nói với tôi: “Hôm qua bác đi bán báo, hôm nay làm thợ mộc. Thời buổi “khó khăn”, làm đủ thứ nghề cũng không sống nổi”. Tôi biết ông cải trang như thế là để tránh sự dòm ngó của cảnh sát. Dù ông không nói ra, tôi vẫn biết ông là người hoạt động báo chí công khai. Vẫn với nụ cười thân tình, cởi mở và điếu thuốc luôn cháy đỏ trên tay, ông thân mật rót nước mời tôi uống và hỏi thăm chuyện tập tành viết báo của tôi, như không có chuyện gì xảy ra. Bất ngờ ông móc trong túi một bao thơ đựng tiền đưa cho tôi, dặn dò: “Cháu ra chợ Bà Chiểu mua vải để vẽ biểu ngữ. Nếu không có biểu ngữ này thì chuyện rất quan trọng xảy ra sáng mai khó mà thành công trọn vẹn”. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, ông cười hiền lành, từ từ lấy mẩu giấy nhỏ có ghi sẵn nội dung hai biểu ngữ “Luật 007/74 Ký giả phải đi ăn mày” và “10-10-1974, Ngày ký giả đi ăn mày”. Ông bảo phải kín đáo, không để ai biết mình làm việc này kể cả bạn bè thân thiết. Giọng ông trầm lắng: “Sáu giờ sáng mai, không được trễ hơn mà cũng không sớm hơn, mang tấm biểu ngữ đến số 15 Lê Lợi trước trụ sở Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt (NĐKGNV), có một phụ nữ mặc áo tím hoa cà, ra dọn tranh sơn dầu bán ở lề đường, thì giao. Giao tấm biểu ngữ xong, cháu lập tức đi ngay nơi khác, để đảm bảo an toàn cho bản thân cháu”.

Các ký giả trong Ngày ký giả đi ăn mày Ảnh: Từ Internet

Đêm đó, tôi vẽ biểu ngữ dưới ánh đèn dầu vì thắp đèn điện sáng quá, người ta để ý. Sáng ra, tôi mang biểu ngữ đến điểm hẹn, người phụ nữ áo tím hoa cà nhận xong hối tôi đi nơi khác. Nhưng tôi xin bà cho nán lại để phụ “gói tranh”. Đúng 6 giờ 10 phút, ông Tô Nguyệt Đình xuất hiện trên đường Tự Do (đường Đồng Khởi ngày nay) dáng cao liêu xiêu mà uy nghi đi hàng đầu hướng về nhà Quốc hội (Nhà hát thành phố). Bên cạnh ông có các ký giả khác. Có rất nhiều nhà báo nhanh chóng tiếp bước theo ông. Tôi cùng người bán tranh áo tím hoa cà vội mang tấm biểu ngữ chạy đến trao cho ông căng ra trước dòng người mỗi lúc mỗi đông.

Cảnh sát dã chiến được xe GMC chở đến đông nghẹt, vây quanh trước trụ sở NĐKGNV. Cảnh sát áo trắng xếp thành hàng ba, chặn ngang đường Lê Lợi, nơi lộ trình xuống đường của ký giả đi ăn mày sẽ đi qua.

Nhiều tuyến đường bị cô lập cấm xe cộ lưu thông. Xe zeep cảnh sát hú còi inh ỏi. Không khí cực kỳ căng thẳng như sắp diễn ra một trận chiến khốc liệt. Đúng 8 giờ sáng, ông Nguyễn Kiên Giang (Lý Thanh Cần), Chủ tịch NĐKGNV, thay mặt Ban tổ chức đọc diễn văn và phát lệnh xuống đường. Ngay lập tức cảnh sát dã chiến ra tay ngăn chặn và đàn áp. Bấy giờ, sinh viên, học sinh cùng người dân đã có mặt đông đảo từ bên ngoài. Họ bất chấp hiểm nguy, phá vòng vây của cảnh sát. Như nước tràn về biển cả, đoàn ký giả ăn mày đội nón lá, trước ngực mang bị đệm, tay chống gậy trúc ồ ạt xuống đường, theo hướng đường Lê Lợi thẳng ra chợ Bến Thành, vòng quanh công trường Quách Thị Trang rồi quay về nơi xuất phát. Đoàn ký giả được bà con và các tiểu thương chợ Bến Thành cho quà và tiền khá nhiều. Sau đó, đoàn đốt tượng trưng sắc luật 007/74 và giữ các “thành quả” đi ăn mày tại trụ sở NĐKGNV chờ hôm sau mang cho dân nghèo và những gia đình ký giả có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đêm đó, cảnh sát bất ngờ tấn công trụ sở NĐKGNV rất dã man, chẳng chút nương tay. Máu đã đổ, nhiều ký giả bị đánh đập và bị bắt tù đày.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=472862&mod=detnews&p=