Nhà băng "làm cao" với khách vay tiêu dùng

Cánh cửa cho vay tiêu dùng mua nhà ở, mua xe hơi chưa thực sự "mở" sau động thái mở van tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại công bố các chương trình ưu đãi ồn ào.

Tung chiêu "câu" khách

Nếu trước đây khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, mua xe đều chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía ngân hàng do room tín dụng cho vay bất động sản, tiêu dùng bị "cạn". Nhưng nay khi room tín dụng được "cởi trói", các NH đồng loạt đưa ra nhiều chương trình vay ưu đãi mới "thoáng" hơn với sản phẩm cho vay tiêu dùng mua nhà ở, mua xe đối với khách hàng cá nhân.

Lãi suất vay đã rẻ hơn, nhưng người có nhu cầu vay tiêu dùng vẫn khó khăn do điều kiện đảm bảo ngặt nghèo

Như chương trình "cho vay mua ô tô" của NH VIB, khách hàng sẽ được vay tối đa 100% giá trị xe nếu là mua ô tô tiêu dùng, thời hạn vay tối đa 72 tháng. Còn nếu vay dùng cho mục đích kinh doanh thời hạn vay tối đa ít hơn – 60 tháng và hạn mức vay 80% giá trị xe. Với các nhu cầu vay mua nhà ở, nhà băng này đưa ra hạn mức vay 50% giá trị thị trường của tài sản đảm bảo sau khi định giá.

Cùng với đó TienphongBank cũng đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi cho các gói vay mua nhà, mua ô tô, đối tượng cho vay cũng được mở rộng hơn. Vay mua ô tô tại TienphongBank khách hàng sẽ được giải ngân tối đa 70% tài sản thế chấp là chính chiếc xe sẽ mua.

Hay như Techcombank đưa ra hẳn một chương trình cho vay mua xe ô tô "hoành tráng" nhất từ trước tới nay dành cho khách hàng mua xe của hãng Nissan. Theo đó, khách hàng vay mua xe ô tô Nissan Grand Livina AT, Grand Livina MT và Navara MT tại Techcombank trong tháng 4/2012 sẽ được hưởng các ưu đãi, như: hỗ trợ lãi suất 4,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên; lãi suất cố định trong 6 tháng đầu tiên...

Trong cuộc đua cho vay tiêu dùng lần này, các NH mác ngoại như HSBC, ANZ, CitiBank... cũng không kém cạnh. Vay mua ô tô hay nhà ở tại HSBC từ tháng 3 tới tháng 6/2012, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 0% trong tháng đầu tiên và nhiều phần quà trao tay ngay khi ký hợp đồng. Chính những "chiêu độc" của các NH đã phần nào khiến các thượng đế hài lòng.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn – Tổng giám đốc NH Oceanbank, hạn mức tín dụng tới thời điểm này của Oceanbank mới khoảng 10%, do đó nhà băng này sẽ tiếp tục mở rộng cửa với khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân như sửa chữa nhà, mua nhà, mua xe ô tô.

NH vẫn "nắm đằng chuôi"

Một tuần trở lại đây anh Thế Dũng (Cầu Giấy – Hà Nội) bỗng nhận được trên dưới chục email, cuộc thoại "mời chào" vay mua nhà, mua xe được gửi tới từ nhân viên tín dụng của các NH. Thoạt đầu nếu chỉ đọc qua thì chương trình cho vay của các NH đều rất hấp dẫn, đánh trúng vào nhu cầu của những người có nhu cầu thực, nhưng khi tìm hiểu thì mới biết con đường vay vốn vẫn lắm gian nan.

"Đánh liều" gọi điện tới một vài địa chỉ hỏi mua xe ô tô anh Dũng mới tá hỏa, các chương trình mà số NH này "dựng" lên chỉ là "tấm bình phong". "Mức lãi suất cho vay mua xe ô tô vẫn cao ngất, 22-23%/năm. NH sẽ giải ngân tối đa 70% loại xe mà họ "chỉ định", còn với các loại xe khác hạn mức vay chỉ 50%"- anh Dũng cho biết. "Vợ chồng tôi cũng tính nếu lãi suất thấp thì cố gắng "cắn răng" mua 1 chiếc xe đi lại cho an toàn vì nhà cách cơ quan quá xa, nhưng lãi suất vẫn cứ trên "trời" thế này, cộng với một loạt phí sắp "đánh" vào ô tô nữa thì đành chào thua" – anh Dũng phân trần.

Khác với anh Dũng, nghe tin các NH "mở" van tín dụng cho vay tiêu dùng mua nhà ở, mua xe, chị Ngà (Hà Đông – Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm khi vợ chồng chị đang cần vay gấp 500 triệu đồng để đóng nốt tiền đợt cuối căn nhà chung cư mua tại một dự án tại Quận Hà Đông (Hà Nội). Nhưng, "đi tới 3-4 NH rồi mà tôi vẫn chưa có hy vọng vay được tiền, mà đợt đóng tiền đã cận kề"- chị Ngà than thở. Nếu trước đây chỉ cần chứng minh tài chính bằng thu nhập của hai vợ chồng, và lấy ngay hợp đồng mua nhà làm tài sản thế chấp là có thể vay, thì giờ NH đòi hỏi tài sản thế chấp nhiều hơn thế.

"Giờ nhân viên tín dụng NH nói thẳng luôn, nếu có tài sản đảm bảo, có sổ đỏ, sổ hồng rồi mới nói chuyện tiếp được" – chị Ngà nói. Chưa hết, nếu nhà mua tại Hà Nội thì tài sản thế chấp phải nằm trong nội đô, mặt tiền trên 3,5m, diện tích trên 40m2... "Với những người dân ngoại tỉnh lên Hà Nội làm việc, mua nhà để "an cư" như gia đình tôi, thì thử hỏi lấy đâu ra tài sản thế chấp theo yêu cầu của NH?"- chị Ngà tiếp lời.

Giải thích về sự khắt khe từ phía NH, anh Trung Hiếu – nhân viên tín dụng NH VIB cho biết, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đã giảm mạnh so với trước đây, ví như vay mua nhà chỉ còn 20,5%/năm (trước dao động từ 22,5 -25%/năm), cho vay kinh doanh cá thể lãi suất còn ưu đãi hơn 18,5%/năm. Nhưng cũng vì thế mà các điều kiện vay khắt khe hơn nhiều, chứ không còn dễ dãi như trước.

"Các dự án nhà chung cư thường không đảm bảo được tiến độ hoàn thành dự án nên NH cũng phải xem xét để đảm bảo tài sản cho vay ra của mình" – anh Hiếu giải thích.

Còn theo lãnh đạo một NH thuộc nhóm G12, vì nhu cầu cần vay vốn để mua xe hay mua nhà ở rất lớn, nên ngay khi NHNN "bật đèn xanh", lập tức các NHTM vào cuộc ngay. Nhưng NH cũng phải "bắt hình dong" mà cho vay để tránh nợ xấu. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân tùy thuộc vào "room" tăng trưởng tín dụng của từng NH, NH nào dồi dào "room" thì điều kiện vay, yêu cầu tài sản đảm bảo cũng đỡ ngặt nghèo hơn. Ngược lại, những NH room đã gần hết thì cũng không mấy mặn mà cho vay lĩnh vực này.

"Kiểm soát tăng dư nợ tín dụng ở lĩnh vực không khuyến khích tỷ lệ dưới 16% tổng dư nợ vẫn là khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai cho vay lĩnh vực này. Vì thế, dù NH mở "hầu bao" cho vay, nhưng cũng phải chọn lựa khách hàng kỹ lưỡng để tránh rủi ro" – vị này nói.

Trường Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Kinh-doanh/nha-bang-lam-cao-voi-khach-vay-tieu-dung/a19729.html