'Nhà Bác Hồ' ở Gia Lai

Sau ngày thống nhất đất nước, mảnh đất Gia Lai được chọn làm 'Nhà Bác Hồ' mặc dù đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chưa một lần được đón vị cha già dân tộc về thăm.

Quảng trường Đại Đoàn Kết có tượng đài Bác Hồ trở thành điểm đến vui chơi, tham quan thân thuộc của người dân phố núi. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Vào ngày 19-5-1984, tại thị xã Pleiku (nay là TP. Pleiku), đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum hân hoan tham dự lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ đây, đồng bào Kinh, Bahnar, Jrai, Xê Đăng, Giẻ Triêng… cảm thấy như có Bác Hồ gần gũi bên mình, luôn động viên mọi người đoàn kết, tiến lên xây dựng quê hương giàu đẹp.

Và đến cuối năm 2012, người dân lại phấn khởi đón bức tượng Bác Hồ bằng chất liệu đồng cao trên 10,8 m, nặng 16 tấn, đồng thời xây dựng bức phù điêu cách điệu hình những cánh sen cao 11 m, dài 58 m ôm vòng quanh tượng Bác thể hiện tình đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên; phía bên phải tượng Bác được dựng 54 cột đá bazan tự nhiên cao thấp khác nhau thành một khối tổng thể như bó đũa thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam, đặt tại trung tâm Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Các công trình này nằm trong quần thể Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, phiến đá khắc thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số ở miền Nam tổ chức ngày 19-4-1946 tại Pleiku, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng cổ vật tỉnh và tượng đài Anh hùng Núp.

Như vậy, từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay, TP. Pleiku được vinh dự là miền đất đại diện cho cả Tây Nguyên hùng vĩ để làm “Nhà Bác Hồ” và “rước Bác về ở”. Suốt mấy chục năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã đón hàng triệu lượt khách và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đến viếng và tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; nơi các cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an, các đoàn thể hàng năm đến viếng và báo công với Bác trong các ngày lễ lớn; nơi Đoàn Thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng, học sinh trên địa bàn đến làm lễ kết nạp Đoàn, Đội…

Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), thực dân Pháp âm mưu thôn tính nước ta một lần nữa, vận mệnh dân tộc ta đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhận rõ tình hình đất nước đang nguy ngập, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã ra sức tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Từ chủ trương này, ngày 19-4-1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại thị xã Pleiku với hơn 1.000 đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Trung Bộ tham dự.

Đại hội vinh dự được đón thư Bác Hồ với tình cảm thiết tha của Người qua những lời căn dặn, thăm hỏi ân cần, chứa đựng tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam và Tây Nguyên. Bức thư của Bác được dịch ra nhiều thứ tiếng các dân tộc để đọc trước Đại hội, riêng tiếng Jrai do ông Nay Phin, bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Gia Lai dịch.

Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 19-5-1984. Ảnh: Quốc nguyễn

Sự kiện lịch sử này là dấu mốc quan trọng đặt lên mảnh đất Gia Lai, nơi vinh dự đón nhận và lưu giữ di thư của Bác, được đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương ghi nhớ và ra sức thực hiện lời kêu gọi thiết tha của Người: “Tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta…” trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Người luôn luôn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, là niềm tin tất thắng của các dân tộc Tây Nguyên.

Trong 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ và hy sinh, đồng bào các dân tộc luôn trung thành với cách mạng, nói và làm theo lời Bác Hồ, đánh đuổi giặc ngoại xâm cho đến ngày toàn thắng. Trong bài dân ca Jrai “Hmư tơlơi Wa Hô” (Nghe lời Bác Hồ) do nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sưu tầm có những câu như: “Hỡi các cô chú, các bác buôn làng ta ơi!/Chúng ta hãy hát lên ca ngợi Bác Hồ/Bác đã thương dân làng ta/Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn quê hương/Con cháu chúng ta đi du kích bảo vệ buôn làng, cuộc sống ấm no/Chúng ta cùng múa hát, đánh chiêng mừng đại hội” (Siu Thơm dịch). Biết bao người con các dân tộc trên quê hương Gia Lai đã từng ra đất Bắc và vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu như: Nay Phin, Ksor Ní, Anh hùng Núp, Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi, Nhà giáo Ưu tú Nay HWin, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, họa sĩ Xu Man…

Ngày nay, những người con Tây Nguyên yêu quý của Bác Hồ vẫn luôn hát mãi về Người: “Lớp lớp điệp trùng bước theo Người/Ánh mặt trời vinh quang muôn năm ngời sáng/Trên đường thắng lợi đời đời có Bác Hồ/Người sống mãi cùng ta đi/Người sống mãi cùng Tây Nguyên” (bài hát “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của nhạc sĩ Lê Lôi, phổ thơ Kpă Y Lăng).

Những năm gần đây, trong quần thể Bảo tàng tỉnh, đặc biệt ở khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi có Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh bóng thông xanh rợp mát còn xuất hiện những cây mai vàng nở rộ như mừng vui đón Người trở về giữa tiếng cồng chiêng đại ngàn “Mừng chiến thắng” của đồng bào Jrai, Bahnar. Tất cả quấn quýt bên ngôi “Nhà Bác Hồ” cùng Người vui xuân mới.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nha-bac-ho-o-gia-lai-post263598.html