Nguyệt thực toàn phần 'trăng máu hải ly' ảnh hưởng thế nào đến con người?

Nguyệt thực toàn phần 'trăng máu hải ly' có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và sinh hoạt của con người, tuy không đáng kể.

Như đã thông tin, nguyệt thực toàn phần – "trăng máu hải ly" – xuất hiện và có thể quan sát từ Việt Nam vào chiều tối 8/11/2022.

Theo các chuyên gia về thiên văn, tin đồn xung quanh nguyệt thực rất nhiều và đôi khi gây hoang mang cho mọi người. Tuy nhiên, đa số chỉ là sự thêu dệt của những người giàu trí tưởng tượng. Dù vậy, nguyệt thực, trong đó có nguyệt thực toàn phần "trăng máu hải ly" - vẫn có một số ảnh hưởng nhất định đến đời sống và sức khỏe con người khi nó diễn ra.

Các nhà khoa học tiến hành quan sát tầm ảnh hưởng của nguyệt thực với giấc ngủ của con người và tâm trạng của chúng ta vào ngày hôm sau. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mặt trăng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm trạng và sự thèm ăn của con người.

Thời Hy Lạp và La Mã từng ghi nhận hiện tượng một vài người có thể "điên loạn", hành động lạ lùng như thể họ bị điên - theo nghĩa đen - dưới ảnh hưởng của mặt trăng.

Nguyệt thực toàn phần có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe con người, tuy không đáng kể.

Ngày nay, các nhà khoa học đã quan sát sự thay đổi trong các mô hình giấc ngủ trùng với các giai đoạn của mặt trăng.

Đối với chu kỳ sinh học của con người, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thời điểm trăng tròn, đặc biệt là khi có nguyệt thực, liên quan chặt chẽ tới việc suy giảm melatonin - một hormone liên quan tới việc điều chỉnh chu kỳ ngủ và tỉnh giấc. Vậy nên vào những ngày này, người ta thường khó ngủ hơn, đồng thời làm tăng khả năng ức chế thần kinh.

"Kết quả cho thấy, mỗi khi trăng tròn, tổng thời gian ngủ của con người giảm đáng kể, trung bình từ 15-30 phút", Tiến sĩ Matthew Walker - nhà khoa học đến từ Đại học California - cho biết.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng này là không lớn nên không quá nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Một số thống kê cũng chỉ ra chu kỳ trăng tròn nói chung và nguyệt thực, nguyệt thực toàn phần nói riêng có ảnh hưởng tới việc tăng tỷ lệ sinh nở ở phụ nữ. Tuy nhiên, tới nay, việc này chưa có bằng chứng khoa học cụ thể.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn trẻ Việt Nam cho biết, trái đất chịu tác dụng hấp dẫn đồng thời của mặt trời và mặt trăng. Vào thời điểm thông thường, lực hấp dẫn tác động lên hành tinh của chúng ta từ hai thiên thể này không cùng phương mà lệch nhau một góc nhất định.

Vào những ngày trăng tròn, lực hấp dẫn của hai thiên thể này với trái đất gần trùng phương với nhau nên tổng lực là lớn nhất trong mỗi chu kỳ. Tuy vậy, khi xảy ra nguyệt thực hay nguyệt thực toàn phần, ba thiên thể nằm thẳng hàng nên hai lực này gần như hoàn toàn trùng phương. Như vậy, tổng giá trị của chúng là cực đại.

Khi đó, nguyệt thực có thể làm các đợt thủy triều mạnh hơn, cao hơn. Thậm chí, người Nhật xa xưa tin rằng nguyệt thực báo hiệu các trận động đất, sóng thần. Điều này không hẳn là mê tín.

Nhật Nguyệt (T/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyet-thuc-toan-phan-trang-mau-hai-ly-anh-huong-the-nao-den-con-nguoi-169221107163256803.htm