Nguyên nhân cầu Cát Lái nối Đồng Nai với TP.HCM chưa thể xây dựng

Việc xây cầu Cát Lái bế tắc trong một thời gian dài vì cả TP.HCM và Đồng Nai không thống nhất được vị trí, thời điểm triển khai xây dựng do mục tiêu, lợi ích khác nhau.

Trong một báo cáo của nhóm nghiên cứu phục vụ hội thảo “Cơ chế đặc thù phát triển Vùng Đông Nam Bộ” đã chỉ ra nguyên nhân không triển khai được việc xây dựng cầu Cát Lái nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

Từ 'bế tắc' tìm vị trí xây cầu...

Báo cáo khẳng định, nhiều năm không thống nhất được vị trí xây cầu Cát Lái do mục tiêu lợi ích khác nhau giữa các địa phương.

Cụ thể, ý định xây cầu Cát Lái được TP.HCM và tỉnh Đồng Nai ấp ủ nhiều năm, khi nhu cầu đi lại giữa các quận 2, 9 (nay thuộc TP Thủ Đức) qua khu đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai) ngày càng cao, nhưng kết nối trực tiếp giữa hai bên chỉ có phà Cát Lái.

Mô hình cầu Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai

Mỗi ngày, hàng chục nghìn người ở hai bờ phải đi phà nếu không muốn chạy vòng theo quốc lộ 51 hoặc đi theo cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dành cho ôtô.

Giao thông chưa thuận lợi cũng hạn chế việc vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương cũng như vùng Đông Nam Bộ. Hàng hóa ở các khu công nghiệp dọc quốc lộ 51, Nhơn Trạch qua cảng Cát Lái và từ TP.HCM tới cảng Cái Mép - Thị Vải ngày càng tăng, song các xe chủ yếu phải chạy vòng theo xa lộ Hà Nội.

Ngoài xảy ra ùn tắc, tuyến đường này khiến ôtô phải chạy xa hơn khoảng 7 km so với việc có đường nối trực tiếp Nhơn Trạch qua thành phố.

Năm 2017, Thủ tướng đồng ý bổ sung cầu thay thế phà Cát Lái tại Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Cây cầu có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương; cũng được kỳ vọng hình thành tuyến kết nối thứ 2 giữa sân bay Long Thành với TP.HCM, bên cạnh tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; qua đó góp phần kết nối giao thông vùng, liên vùng.

Cầu dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và hoàn thành năm 2020.

Ban đầu, Dự án được Chính phủ giao TP.HCM chịu trách nhiệm mời gọi đầu tư. Sau đó, TP.HCM đã lên phương án và dự kiến đầu tư theo hình thức BOT.

Trong khi dự án chưa tìm được nhà đầu tư, thì năm 2019, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng giao chủ trì mời gọi đầu tư.

Vị trí phà Cát Lái, nơi được Đồng Nai đề xuất xây cầu

Nhiều năm trôi qua, Đồng Nai và TP.HCM có nhiều cuộc họp bàn liên quan đến việc xây dựng cầu (như phương án xây, địa điểm xây, nguồn vốn, địa phương chủ đầu tư và thời điểm xây), tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa biết ngày nào được chính thức khởi công.

Về vị trí, tỉnh Đồng Nai cho rằng, vị trí xây dựng cầu Cát Lái tại bến phà hiện hữu là phù hợp với quy hoạch đô thị mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch sử dụng đất huyện Nhơn Trạch.

Về phía TP.HCM cho rằng, hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái tại vị trí phà Cát Lái hiện nay không khả thi, vì xây dựng tại vị trí này thì cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77m.

Hơn nữa, hướng tuyến cầu Cát Lái cách cầu cảng hiện nay của cảng Cát Lái khoảng 100m, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng và không đảm bảo an toàn cho tàu container quay tàu khi ra vào cảng.

Đó là chưa kể, cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến đường vành đai 3, kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Vì vậy, TP.HCM cho rằng, vị trí xây cầu Cát Lái tại bến phà hiện nay là không khả thi và đề xuất 2 vị trí mới để xây cầu.

Đến 'lệch pha' thời điểm triển khai

Ngoài không thống nhất được hướng tuyến, hai địa phương còn không thống nhất được thời điểm triển khai, trong khi Đồng Nai muốn xây dựng cây cầu này trước năm 2025, phía TP.HCM đề xuất xây sau năm 2030 để phù hợp với lộ trình di dời các cảng biển trên địa bàn thành phố.

Kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM và Đồng Nai mỗi khi qua phà Cát Lái

Việc xây cầu Cát Lái đã bế tắc, “lệch pha” trong một thời gian dài vì không thống nhất được hướng tuyến, thời điểm thực hiện giữa hai địa phương.

“Có lẽ lúc này, rất cần sự vào cuộc và điều phối hiệu quả, thực chất của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ để đảm bảo hướng tuyến, thời điểm xây cầu phù hợp với tính cấp thiết của phát triển kinh tế địa phương và vùng Đông Nam Bộ”, nội dung báo cáo ghi.

Liên quan đến dự án này, Sở GTVT Đồng Nai đã làm việc với Sở GTVT TP.HCM trên 5 lần để bàn về hướng tuyến kết nối xây dựng cầu Cát Lái, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất.

Theo quy hoạch, cầu Cát Lái được đề xuất xây dựng thay phà Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km (riêng cầu khoảng 3,4 km), thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55m, tối thiểu 4 làn xe với tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-nhan-cau-cat-lai-noi-dong-nai-voi-tp-hcm-chua-the-xay-dung-2198612.html