Nguyễn Lê Hiếu: Người giỏi nhái giọng danh ca với bộ sưu tập cải lương khổng lồ

Vào tháng 7.2016, trên YouTube xuất hiện một video bài hát với tựa đề 'Để trả lời một câu hỏi' do Hoàng Anh và Tài Nguyễn trình bày. Điều đặc biệt trong video này là ca sĩ Hoàng Anh dù là nam nhưng giọng hát giống nữ danh ca Hoàng Oanh đến 99%.

Điều này đã tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội. Hiện tại video này đã có hơn 2 triệu lượt người xem và hàng trăm ngàn lượt chia sẻ trên Facebook. Ca sĩ có tên Hoàng Anh chính là doanh nhân Nguyễn Lê Hiếu, một người đam mê cải lương một cách kỳ lạ. Anh là người đang sở hữu một gia tài về cải lương đồ sộ qua hơn 20 năm sưu tầm.

Hát thuộc lòng nhiều tuồng cải lương

Nguyễn Lê Hiếu sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1975. Dù là dân thành thị nhưng ngay từ nhỏ Nguyễn Lê Hiếu đã phát hiện ra mình có niềm đam mê cải lương khác thường. Hồi thập niên 1980-1990, mỗi tối thứ bảy truyền hình phát tuồng cải lương nào là Nguyễn Lê Hiếu xem trọn vẹn tuồng đó.

Theo Nguyễn Lê Hiếu, nghe cải lương trên tivi chưa đã, anh còn thường mở radio nghe vào mỗi buổi trưa và tối. Anh thích nghe cải lương đến mức có thể thuộc lòng tất cả câu thoại và lời ca của các nhân vật trong các vở như Tiếng trống Mê Linh, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Bên cầu dệt lụa, Tình yêu và lời đáp, Lan và Điệp, Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang, Má hồng phận bạc...

Nguyễn Lê Hiếu kể: “Ngoài nghe cải lương trên truyền hình và radio, tôi còn tìm kiếm những băng đĩa cải lương. Tôi muốn lưu giữ lại những tuồng hay để nghe cho đã. Thế nhưng trong quá trình tìm kiếm, tôi nhận ra tại Việt Nam còn nhiều đĩa than cải lương vẫn còn tồn tại. Tôi quyết định sưu tầm để cất giữ nhằm mục đích để tìm hiểu cặn kẽ cội nguồn cải lương”.

Nguyễn Lê Hiếu (bìa phải) cùng gia đình NSND Ngọc Giàù

“Đến giờ tôi đã sở hữu 6.000 băng và đĩa than cải lương lẫn đờn ca tài tử. Một trong những đĩa hát lâu đời nhất mà tôi có được là những đĩa hát phát hành vào thập niên 1920 như đĩa chơi nhạc tài tử của thầy Cao Huỳnh Cư, Trần Quang Tá, thầy Năm Tú... Các tuồng mà giờ đây nhắc đến nhiều người không biết tên như Tơ vương đến thác, Sỹ Vân công chúa, Máu nhuộm phượng hoàng cung của gánh hát Trần Đắc, đoàn Phước Cương... Trong các tuồng này có mặt những tài danh mà nhiều khán giả chưa từng nghe qua như nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Bảy Nam, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, nghệ sĩ Năm Châu, nghệ sĩ Tám Thưa, nghệ sĩ Tư Chơi, nghệ sĩ Út Chơi, nghệ sĩ Phùng Há, nghệ sĩ Tư Sạng”, Nguyễn Lê Hiếu cho biết thêm.

Nhái giọng danh ca cải lương

Từ việc thuộc lòng câu hát của các nhân vật trong tuồng, Nguyễn Lê Hiếu bắt đầu muốn tự mình hát lại giống hệt cả tuồng. Anh nghe rõ đài từ, cách nhã chữ luyến láy của các nghệ sĩ. Sau những giờ học hành mệt mỏi, đêm về một mình trong căn phòng riêng, anh bắt đầu luyện giọng đến khuya. Nguyễn Lê Hiếu say sưa và miệt mài tập luyện vài tháng thì hát giống được một nhân vật. Sau vài năm, anh có thể hát y chang các nhân vật trong các vở tuồng mà anh yêu thích.

Thi thoảng có dịp được mời đám giỗ hay đám cưới, những nơi có tổ chức chơi cổ nhạc, Nguyễn Lê Hiếu tình nguyện lên trình diễn. Khả năng đặc biệt của anh khiến nhiều người ngạc nhiên và thán phục. Khi anh hát trích đoạn Tiếng trống Mê Linh, một mình anh hát cả vai Trưng Trắc của NSƯT Thanh Nga lẫn vai Thi Sách của NSƯT Thanh Sang. Điều đáng nói là nếu khán giả nhắm mắt lại, cứ ngỡ đang nghe NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang đang hát.

Chiếc đĩa than cổ ghi âm giọng hát của NSND Bảy Năm phát hành năm 1930

Mặc dù máu mê cải lương và máu nghệ sĩ chảy rần rần trong huyết quản, nhưng Nguyễn Lê Hiếu không quyết định thi vào trường nghệ thuật. Thay vào đó anh học ngành quản trị du lịch. Nguyễn Lê Hiếu bộc bạch: “Khi tôi bước vào tuổi trưởng thành thì sức sống của cải lương đã suy yếu rồi. Lúc đó, nghệ sĩ cải lương vất vả bươn chải bằng nhiều phương cách khác nhau. Tôi sợ sự nghèo khó nên không dấn thân”.

Quyết định chọn hành trang vào đời đã biến Nguyễn Lê Hiếu thành một chuyên gia tổ chức sự kiện có tiếng tại nhiều khách sạn danh tiếng như Sheraton, Park Hyatt, New World... Nguyễn Lê Hiếu là nhạc trưởng để tổ chức những buổi họp báo, hội thảo dành riêng cho những doanh nhân hoặc những người nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia.

Công việc này cho anh cơ hội kếm được nhiều tiền. Điều kiện kinh tế ổn định giúp Nguyễn Lê Hiếu nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. Anh đã lang thang khắp đất nước để tìm cho được những chiếc máy hát cũ, những đĩa hát cũ để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Đến giờ nhiều người am tường cải lương xác định bộ sưu tập của Nguyễn Lê Hiếu là vô giá. Những ai muốn biết thêm về nghệ thuật cải lương thường tìm đến và trao đổi cùng anh.

Khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì giọng ca Hoàng Oanh

Bộ sưu tập cải lương đồ sộ cùng khả năng nhái giọng danh ca cải lương đã khiến nhiều người tìm đến kết bạn với Nguyễn Lê Hiếu. Từ đây tạo chiếc cầu giúp Nguyễn Lê Hiếu đến với nhiều nghệ sĩ. Người đầu tiên anh được tiếp xúc là NSND Ngọc Giàù.

Anh kể: “Bạn thân của tôi rất thân với má Ngọc Giàu. Lúc đến nhà má Giàu chơi, tôi nói tôi có thể nhái giọng của má. Má kêu tôi hát thử. Tôi hát xong má rất ngạc nhiên. Má nói với tôi rằng tôi hãy thử đi hát chứ không rất uổng phí tài năng”.

Dù vậy, Nguyễn Lê Hiếu vẫn không nghĩ một ngày mình sẽ hát trên sân khấu chuyên nghiệp. Anh vẫn làm việc rồi giao lưu với những người yêu cải lương và mê âm nhạc. Nhiều người đã khuyến khích anh nhái giọng các ca sĩ tân nhạc Việt Nam lừng danh. Bản thân Nguyễn Lê Hiếu cũng là người yêu thích tân nhạc nên anh cảm thấy thú vị trước sự gợi ý này.

Kho đĩa than được bảo quản kỹ càng suốt 20 năm

Vào một ngày đẹp trời của năm 2010, Nguyễn Lê Hiếu được tặng một đĩa hát của danh ca Hoàng Oanh. Theo Nguyễn Lê Hiếu, đến lúc đó, anh vẫn chưa biết ca sĩ Hoàng Oanh là ai. Nhưng khi nghe cách nữ danh ca ngâm thơ và hát, ngay lập tức Nguyễn Lê Hiếu bị hút hồn. Anh bắt đầu nghe một cách say mê, bước đầu là thuộc lòng bài hát, kế đến là luyện tập hát thật giống. Sau vài tháng, anh thử thu âm lại giọng hát của mình và nhận ra anh chính là bản sao của thần tượng của mình.

Nguyễn Lê Hiếu nhớ lại: “Một lần tôi đi theo má Ngọc Giàu đến một phòng thu. Trong lúc mọi người làm việc thì tôi đi sang phòng thu nhỏ bên cạnh. Tại đây, tôi đã hát chơi vài bài của danh ca Hoàng Oanh. Không ngờ người quản lý phòng thu đã ghi âm lại giọng hát của tôi. Một hôm một người anh ghé qua phòng thu này thu âm bài hát mới, chủ phòng thu đã cho anh nghe bài tôi nhái giọng danh ca Hoàng Oanh. Ngay sau đó, anh đã liên hệ hẹn tôi gặp mặt”.

Nguyễn Lê Hiếu cho biết: “Rất có thể vào đầu năm 2018 tôi sẽ nhận lời hát phòng trà. Tôi cũng đang ấp ủ ý định xây dựng các trích đoạn cải lương kinh điển để phát trên YouTube. Tôi muốn làm điều này để góp phần giữ lại nét đẹp của cải lương. Tôi hy vọng mình sẽ tìm được những người bạn tâm đắc”.

Nguyễn Huy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/nguyen-le-hieu-nguoi-gioi-nhai-giong-danh-ca-voi-bo-suu-tap-cai-luong-khong-lo-59510.html