Nguyễn Hải Dương đau đớn khi không được hiến xác

Nguyễn Hải Dương đã rút đơn sau khi biết pháp luật không đồng ý, hiện Dương rất đau đớn và hụt hẫng.

Ngày 7/11, tại Trại giam Công an tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Phú Hải (48 tuổi) – cha ruột tử tù Nguyễn Hải Dương cho biết hiện tại sức khỏe, tinh thần của Dương vẫn ổn định. Tuy nhiên, Dương vẫn đang dằn vặt về những tội ác do mình gây ra.

"Tuy nhiên, sau khi biết pháp luật không đồng ý cho tử tù hiến xác cho y học, Dương đã quyết định rút đơn”, ông Hải phân trần.

Ông Hải cho biết, việc không thực hiện được nguyện vọng cuối cùng nhằm chuộc lại phần nào tội ác do mình gây ra khiến Dương rất đau đớn và hụt hẫng.

Như thông tin trước đó, trong quá trình chờ thi hành án, Dương có sức khỏe tốt, nhưng tinh thần hay hoảng loạn. Dương mong muốn ngày thi hành án đến sớm để không phải sống trong những ngày dằn vặt…

Tử tù Nguyễn Hải Dương (áo nâu ở giữa)

Cha của Dương từng cho biết, khi vào thăm Dương, Dương ít khi nhắc lại vụ án do mình chủ mưu gây ra, mà nếu nhắc cũng chỉ quan tâm đến Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước), là đồng phạm bị Dương lôi kéo vào vụ án.

Nói về ý nguyện hiến xác của Dương, cha ruột Dương nói: “Nếu Dương quyết định như thế thì gia đình cũng ủng hộ, tôn trọng ý kiến…Đây là việc tốt cho đời mà nó có thể làm được hiện nay”.

Tuy nhiên vấn đề hiến xác cho y học không phải là chuyện dễ thực hiện. Trước đó nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc lấy, ghép mô; bộ phận cơ thể và tạo nguồn cung cấp mô, tạng dồi dào phục vụ cho việc cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật điều chỉnh về việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người mà tiêu biểu là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006.

Trong đó có quy định cụ thể về điều kiện hiến xác; bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể cho thấy pháp luật về vấn đề này còn khá nhiều điểm bất cập, đặc biệt là trong các quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết.

Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết có cân nhắc, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài là một nhu cầu cấp thiết.

Hồng Nhung (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/nguyen-hai-duong-dau-don-khi-khong-duoc-hien-xac-3322558/