Nguy cơ xung đột vũ trang từ lời nói và hành động của Trump

GS Carl Thayer nhận định Trump đã thay đổi về các quan điểm đối ngoại mà ông từng đưa ra khi tranh cử, tổng thống Mỹ cũng chưa hoàn toàn hiểu ông có thể kéo theo xung đột vũ trang.

Hashtag tuần qua: Thành bại của Trump sau 100 ngày Sau 100 ngày ở Nhà Trắng và chấp nhận nhiều thất bại cũng như gặt hái một số thành công, lần đầu tiên Donald Trump thừa nhận công việc tổng thống không dễ dàng như ông hình dung.

Giáo sư Carl Thayer cho biết vẫn chưa thể nhận định nhiều về chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump do chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra báo cáo cụ thể. Trao đổi với Zing.vn, ông lo ngại cách hành xử phản ứng và những lời nói mạnh mẽ của Tổng thống Trump có thể gây ra rủi ro lớn về khả năng xung đột vũ trang bùng nổ.

Chưa rõ chiến lược đối ngoại của Trump

- Sau 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump, ông nhận xét như thế nào về quan điểm chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ, cụ thể ở từng khu vực?

- Một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1986 quy định tổng thống phải đệ trình báo cáo về chiến lược an ninh quốc gia trong 150 ngày từ khi nhậm chức. Chính quyền Trump đang thực hiện báo cáo này, nhưng nó có vẻ sẽ không được công bố đúng kỳ hạn vì ông Trump vẫn chưa bổ nhiệm đủ các vị trí lãnh đạo cấp cao ở nhiều bộ, ngành khác nhau. Trong khi Báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia là sản phẩm phối hợp liên bộ.

Tổng thống Trump cùng các bộ trưởng, cố vấn theo dõi vụ không kích vào Syria. Ảnh: WH.

Rõ ràng là Tổng thống Trump không có kinh nghiệm về quản trị chính phủ và đối ngoại. Đến nay, chính sách đối ngoại của ông chỉ có thể nắm bắt qua các khẩu hiệu như “Hòa bình bằng sức mạnh” và “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cũng như sự phản ứng với các sự kiện bên ngoài Mỹ, như việc cáo buộc chính quyền Syria tấn công vũ khí hóa học và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lẽ là người tác động lớn nhất với ông Trump về chính sách cho khu vực Đông Á. Đến nay tôi vẫn chưa thấy chiến lược đối ngoại rõ ràng của ông Trump là gì. Và nó như thế nào thì cần được quốc hội duyệt kinh phí để triển khai.

3 ưu tiên đối ngoại chính

Tổng thống Trump đến nay đã vạch ra 3 ưu tiên chính: đánh bại phiến quân IS ở Syria, vận động sự hợp tác với Trung Quốc về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia). Ảnh: Hải An.

100 ngày đầu của Trump cũng đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn so với những điều ông phát biểu trong chiến dịch tranh cử. Trước đây Trump từng chê bai NATO già cỗi lạc hậu, thì mới đây ông nói NATO không còn như vậy nữa.

Trump từng hứa sẽ lên án Trung Quốc là người thao túng tiền tệ ngay khi bước vào Nhà Trắng, nhưng ông cũng đã giảm tông với Trung Quốc.

Điểm mấu chốt chính là ông Trump sẽ gây sức ép với các đồng minh, đối tác chiến lược và Trung Quốc để họ ủng hộ các sáng kiến của ông. Những đồng minh châu Âu phải gia tăng chi tiêu quốc phòng. Các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia phải gây áp lực với Triều Tiên. Ông Trump thậm chí đưa cả vấn đề thương mại để yêu cầu sự tham gia của Trung Quốc về tình hình Triều Tiên.

Một điểm tích cực cho Đông Nam Á là Phó tổng thống Mike Pence đã chính thức xác nhận Tổng thống Trump sẽ dự các hội nghị cấp cao ASEAN ở Philippines và APEC ở Hà Nội vào cuối năm nay.

Một vấn đề khác, là phần lớn quan chức trong chính quyền Trump gần như đồng thuận rằng quan hệ Mỹ - Nga đang ở giai đoạn thấp điểm nhất. Vấn đề Syria xảy ra ngay sau vụ Cộng hòa Crimea sáp nhập về Nga, tình hình Ukraine, và Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ.

Việc ông Trump chủ động phóng tên lửa Tomahawk về sân bay ở Syria khiến phía Nga nghi ngờ và nảy sinh căng thẳng. Do ông Trump không có kinh nghiệm về điều hành chính phủ nên các thông điệp mà những quan chức cao cấp tuyên bố ra đã không được điều phối tốt. Các dòng Twitter của Trump gần đây cũng tỏ ra mâu thuẫn với nhau.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là người có ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền Trump với Đông Á. Ảnh: AP.

Biển Đông sẽ được ưu tiên thế nào

- “Tái cân bằng” được tuyên bố đã kết thúc. Vậy vấn đề Biển Đông sẽ được chính quyền Trump quan tâm như thế nào?

- Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu rõ “tái cân bằng” là chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền của ông Trump sẽ đưa ra chính sách mới của riêng họ về vấn đề này. Đến nay, mỗi thành viên trong nội các của Trump đều từng đề cập đến Biển Đông, như Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lên kế hoạch cho những hoạt động tuần tra tự do hàng hải mạnh mẽ hơn trên Biển Đông mà Tổng thống Obama từng bác bỏ.

Đến nay, vấn đề Triều Tiên có vẻ lấn át hơn cả qua chuyến thăm của hai Bộ trưởng Tillerson và Mattis, rồi Phó tổng thống Pence đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, một tín hiệu triển vọng là ông Pence đã đến cả Indonesia và Australia.

Những hành động của chính quyền Trump ở Biển Đông còn tùy vào hành xử của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Triều Tiên, cũng như họ tiếp tục thúc đẩy ngoại giao để thông qua bộ quy tắc ứng xử COC, thì Biển Đông sẽ không phải là ưu tiên cao trong chính quyền Trump. Mỹ sẽ ủng hộ các cuộc thảo luận ASEAN - Trung Quốc về COC.

Về lâu dài, ông Trump sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng (và điều này cần được quốc hội phê chuẩn). Điều đó kéo theo gia tăng ngân sách cho hoạt động của Hải quân Mỹ và sự hiện diện rộng lớn hơn ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những chính sách của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai sẽ vẫn không ảnh hưởng bằng các diễn biến ở bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong một hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: US Navy.

Lời nói và hành động của Trump có thể gây xung đột vũ trang

- Một số ý kiến lo ngại về cách hành xử “phản ứng” của Trump trong những vấn đề quốc tế, như vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria và tình hình bán đảo Triều Tiên. Ông nhận xét như thế nào?

- Có vẻ như Tổng thống Trump cũng chưa hoàn toàn hiểu rằng những phát ngôn của ông có tác động đến toàn thế giới như thế nào, vì thế giới sẽ theo dõi và cho rằng đó là điều ám chỉ về hành động kế tiếp của nước Mỹ.

Việc ông Trump ra lệnh tấn công tên lửa vào Syria không giải quyết vấn đề cơ bản về cấm vũ khí hóa học mà chính quyền Assad được cho là đang lén cất giữ. Đến nay, Syria đã đưa tất cả máy bay vào vùng bảo vệ của hệ thống phòng không Nga. Do vậy, nếu ông Trump tiếp tục ra lệnh không kích thì có thể làm phát sinh nguy cơ lớn hơn.

Một điều có thể hy vọng là Nga sẽ gây sức ép buộc Assad không tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học, nhưng nội chiến ở nước này sẽ vẫn tiếp tục. Vấn đề khó khăn mà ông Trump sẽ phải đối mặt là nên làm gì nếu Assad tiếp tục tấn công bằng khí độc? Liệu ông ấy sẽ tiếp tục đối đầu và chấp nhận rủi ro hay chẳng làm gì cả?

Chính quyền Trump gây sức ép với Trung Quốc để buộc nước này cùng tham gia giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Về tình hình Triều Tiên, Trump tuyên bố rằng ông sẽ không cho phép Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo cũng như khả năng tấn công hạt nhân vào lục địa Mỹ. “Điều đó sẽ không xảy ra”.

Tổng thống Mỹ cũng khẳng định nếu Trung Quốc không giúp sức trong vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ tự hành động. Quan điểm này sau đó được mở rộng hơn qua chuyến thăm của Phó tổng thống Mike Pence đến châu Á, như muốn nói nếu Bắc Kinh không giúp thì Mỹ và các đồng minh sẽ ra tay.

Mỹ và Nga có thể sẽ đạt được một số thỏa thuận hợp tác, tạm gác bất đồng về tình hình Syria để tránh đối đầu. Chính quyền Syria cũng không thể tấn công Mỹ.

Nhưng trường hợp của Triều Tiên thì khác hẳn. Triều Tiên có khả năng tấn công lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời gây ra thiệt hại lớn ở Seoul.

Ngay cả khi Trung Quốc giúp sức gây sức ép với Triều Tiên cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng Bình Nhưỡng đáp trả quyết liệt nếu bị Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân. Nhìn chung, lối hành xử “phản ứng” của Trump cả về ngôn từ và hành động kéo theo nguy cơ lớn về xung đột vũ trang bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Cảnh Toàn (thực hiện)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguy-co-xung-dot-vu-trang-tu-loi-noi-va-hanh-dong-cua-trump-post742168.html