Nguy cơ Việt Nam tụt hậu: Bốn sự thật buồn

Các chuyên gia cho rằng nguy cơ Việt Nam tụt hậu ngày càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn.

Nguy cơ tụt hậu ngày càng tăng cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, học giả cho một đề án tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế để trình Bộ Chính trị tới đây.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đã bày tỏ nhiều lo ngại trước nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày một phát triển.

“Nguy cơ Việt Nam tụt hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi các nước ngày càng phát triển, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày”, ông Thu nói.

Lấy thực tế từ những gì đang diễn ra tại Đồng bằng Sông Cửu Long, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi, không thể mãi theo lối cũ.

Ảnh: VNN

Theo bà Lan, bốn năm rồi Đồng bằng Sông Cửu Long không còn lũ vì các con đập đã được xây dọc sông Mê Kông. Tình hình khô hạn, ngập mặn ngày càng khốc liệt trên diện rộng. Bên cạnh đó, ngoài Bắc, sông Hồng cũng đang ngày càng hiếm nước, ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp.

“Phát triển nông nghiệp của Đồng bằng Sông Cửu Long không thể theo cách cũ được nữa. Chúng ta đã đến chân tường rồi, sao không thay đổi đi!” bà Lan nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định cần cải cách bộ máy theo nghĩa rộng, tức là giảm bớt người hưởng lương từ ngân sách. Ông cho rằng, các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, lao động nhiều quá và gánh nặng này lại đặt lên lưng những người nông dân

“Đã đến lúc phải giải quyết những vấn đề ngoài kinh tế thì mới giải quyết được những vấn đề kinh tế”, ông Bá nói.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta chưa thực sự đổi mới tư duy, chần chừ do dự trong cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Việc thể chế kinh tế thị trường rất thiếu, méo mó đang dung dưỡng cho tham nhũng, lợi ích nhóm, phân bổ nguồn lực sai lệch, lãng phí và kém hiệu quả.

Chính sách của Việt Nam không tốt

Đây không phải là lần đầu tiên, các chuyên gia, các học giả lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Mới đây, trong buổi tọa đàm về chính sách công nghiệp do Ban kinh tế Trung ương tổ chức ngày 25/8, Giáo sư Kenichi Ohno, Trường Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản đã thẳng thắn cho rằng chính sách của Việt Nam không tốt dẫn sự trì trệ, kém sáng tạo.

“Tôi có kinh nghiệm tham gia chính sách công nghiệp của 20 quốc gia châu Á và châu Phi.

Tôi có thể khẳng định, chính sách của Việt Nam không tốt, ở nhóm cuối các quốc gia tôi công tác, thậm chí một số quốc gia châu Phi có chính sách công nghiệp tốt hơn Việt Nam. Tôi xin chia sẻ chân thành, thẳng thắn như vậy”, ông Ohno nói.

Phê bình Việt Nam viết các bản chiến lược theo kiểu chương, hồi, thiếu sáng tạo, vị giáo sư người Nhật cho rằng Việt Nam chọn tới 19 ngành công nghiệp làm mũi nhọn là quá nhiều.

“Các bạn nên giới hạn còn 5 ngành ưu tiên thôi, chứ quá nhiều ngành ưu tiên nghĩa là chả có ưu tiên gì. Cách làm các chiến lược công nghiệp của Việt Nam chẳng có gì khác so với hồi tôi đến đây năm 1993”, ông nói.

Bên cạnh đó, GS Ohno cũng khuyên Việt Nam nên tham dự thực hiện trực tiếp các chương trình công nghiệp hóa, thay vì chỉ phê duyệt.

Đặc biệt, đây là lần thứ hai ông Ohno gặp trực tiếp Trưởng ban Kinh tế Trung ương của Việt Nam. Trong lần gặp trước, ông đã khẳng khái nói: “Có bao nhiêu kiến nghị của tôi trong suốt 20 năm qua các ông không tiếp thu. Nay các ông gặp tôi làm gì nữa?”.

Hoàng Hải (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nguy-co-viet-nam-tut-hau-bon-su-that-buon-3317725/