Nguy cơ mắc ung thư phổi ở người hút thuốc lá thụ động

Dù chưa từng hút thuốc lá, nhưng nhiều người đã mắc ung thư phổi do hút thuốc thụ động.

Hàng nghìn hóa chất trong khói thuốc lá

3 tháng gần đây, bà Nguyễn Thị Lý (60 tuổi, Quảng Ninh) thấy tức ngực, ho, đi khám ở phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản, kê đơn kháng sinh về uống.

Nửa tháng sau, bệnh không khỏi, vẫn ho dai dẳng kèm tức ngực, bà tới Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thăm khám chuyên sâu. Ban đầu, bà được chẩn đoán tràn dịch màng phổi và điều trị. Nửa tháng sau vẫn không đỡ, xuất hiện sốt về chiều, bà được chụp CT lồng ngực. Kết quả có khối u ở phổi.

Hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

Bà Lý được gia đình đưa lên Hà Nội thăm khám và điều trị. Kết quả chẩn đoán bà mắc ung thư phổi giai đoạn 4.

Bà Lý cho biết, trong gia đình, chồng bà hút thuốc lá nhiều năm, mỗi ngày lên tới 1 bao thuốc. Dù không trực tiếp hút thuốc lá, nhưng sống trong môi trường khói thuốc, bà Lý và các con trở thành những người hút thuốc lá thụ động. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến bà mắc ung thư phổi.

Hút thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào, xì gà... Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra ngoài trộn với khói chính người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá tỏa ra môi trường” hay còn gọi là “khói thuốc lá thụ động”.

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc.

Tuy nhiên, 20% số người chết vì ung thư phổi ở Mỹ mỗi năm chưa bao giờ hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ dạng thuốc lá nào khác.

Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, khói thuốc là khói bốc ra từ thuốc lá đang cháy hoặc sản phẩm thuốc lá khác, hoặc bốc ra bởi những người đang hút thuốc. Những người hít phải khói thuốc lá tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư giống như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn.

Người hút thuốc không chỉ bào mòn cuộc sống của chính mình mà còn ảnh hưởng sức khỏe người thân, người xung quanh. Người hút thuốc thường hít vào phổi bằng luồng khói chính nhưng chỉ chiếm khoảng 20%, 80% các luồng khói còn lại từ thuốc lá gọi là luồng khói phụ, giữa các lần hít thuốc, ra môi trường xung quanh.

Đáng lưu ý, có hàng nghìn hóa chất trong khói thuốc lá với sự tồn tại của nhiều chất gây ung thư và một số chất độc hại như asen, benzen, ammonia, nicotine, dioxine,... Chúng có thể tác động tới hầu hết các cơ quan của cơ thể chúng ta.

Theo đó, chỉ một phần khói thuốc lá sẽ được người trực tiếp sử dụng hút vào, trong khi phần lớn quay trở lại môi trường. Cụ thể, lượng khói thuốc được thải ra gấp 5 lần so với lượng được người hút hút vào.

Đi kèm với đó, phạm vi ảnh hưởng của khói thuốc lá sẽ trong khoảng từ 7m - 10m. Đồng thời, nó vẫn có khả năng tồn tại trong môi trường không khí kể cả khi chúng ta không còn ngửi hay nhìn thấy nó. Có những địa điểm dễ bị hít phải khói thuốc lá thụ động như ở nơi làm việc, những nơi công cộng (công viên, phương tiện công cộng,...) hay ngay cả ở nhà.

Khi hút thuốc lá thụ động, khói thuốc chưa qua đầu lọc mà đi trực tiếp vào cơ thể con người. Từ đó, khiến cho sức khỏe của những người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng chịu hậu quả xấu không thua kém các đối tượng trực tiếp sử dụng.

Trong đó, một số đối tượng bao gồm trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người lớn tuổi, người bị bệnh tim hoặc bệnh về hô hấp đối diện với nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn từ khói thuốc lá.

Sự nguy hiểm của hút thuốc lá thụ động rất đáng lưu tâm khi nó có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm ở cả đối tượng người lớn và trẻ em.

Đối với người lớn, hút thuốc lá thụ động sẽ có khả năng cao đối mặt với bệnh lao phổi, suy tim, xơ vữa động mạch, các căn bệnh ung thư (ung thư phổi, ung thư vú, ung thư vòm họng,...). Từ đó, gây đe dọa đến sự sống còn và có nguy cơ tử vong.

Với trẻ em, chỉ cần 1h trong phòng có người hút thuốc lá cũng khiến trẻ em hấp thụ số lượng hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày. Với cơ thể đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, việc hít phải khói thuốc là một điều không an toàn đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Cụ thể, hút thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ phổi của trẻ không được phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Trẻ sinh ra có rủi ro bị dị tật bẩm sinh, bị nhẹ cân, sức đề kháng yếu. Trẻ có biểu hiện thở khò khè, ho, ho ra chất nhầy. Nhiễm trùng hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), hen suyễn, nhiễm trùng tai, nguy cơ gia tăng hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Ngoài việc hút thuốc lá thường xuyên, hay hít phải khói thuốc thụ động, một số yếu tố khác cũng được thầy thuốc xếp vào nhóm nguy cơ gây bệnh ung thư phổi. Trong đó, người có người thân bị ung thư phổi có thể bị ung thư phổi cao gấp 2 so với những người không có.

Thay đổi lối sống để giảm rủi ro

Theo khuyến cáo của bác sĩ, những người không hút thuốc đã loại bỏ yếu tố nguy cơ lớn nhất của họ đối với ung thư phổi. Nhưng những người không hút thuốc có thể thực hiện một số thay đổi lối sống để giúp giảm nguy cơ của họ nhiều hơn.

Bác sĩ khuyên người dân kiểm tra trong nhà đang ở xem có khí radon hay không, tránh khói thuốc thụ động và hạn chế phơi nhiễm tại nơi làm việc có thể giúp tránh được những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc.

Khuyên người thân, bạn bè bỏ thuốc hoặc giảm tần suất hút thuốc. Tránh xa khu vực cho phép hút thuốc hoặc có khói thuốc. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ về phổi và đường hô hấp. Không cho phép hút thuốc trong phạm vi nhà ở.

Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư phổi ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nguy-co-mac-ung-thu-phoi-o-nguoi-hut-thuoc-la-thu-dong-i713788/