Nguy cơ mắc bệnh từ 4 vật dụng quen thuộc trong nhà bếp

Những vật dụng nhà bếp của bạn dù tiện lợi nhưng đôi khi lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu dùng sai cách.

1. Đũa mốc

Đũa là vật dụng được sử dụng thường ngày và cũng là nguyên nhân gây bệnh phổ biến vì chúng dễ bị ẩm mốc do thời tiết hoặc vệ sinh không đúng cách, tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn cầu tụ vàng và E.coli phát triển. Ngoài ra, khi được dùng trong thời gian dài và bảo quản không tốt khiến đũa xuất hiện chất aflatoxin gây ung thư gan.

Đũa là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nếu không được vệ sinh đúng cách

Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên luộc đũa khoảng 10 phút khi mới mua về. Đũa cũng nên được làm khô trước khi cất trữ trong tủ bát. Khi rửa chúng cần dùng khăn lau nhẹ nhàng tránh chà xát mạnh làm mất đi lớp sơn phủ bảo vệ. Bạn cũng có thể lựa chọn những sản phẩm đũa được làm với chất liệu an toàn hơn và hãy thay chúng ngay khi có dấu hiệu cũ hỏng.

2. Các loại hộp nhựa cũ

Nhiều người có thói quen tái sử dụng các loại hộp, chai nhựa để đựng đồ ăn. Tuy nhiên, đây lại là một thói quen vô cùng nguy hiểm bởi các sản phẩm này có nguy cơ nhiễm hóa chất và ngấm vào thức ăn. Những hóa chất này tích tụ lâu trong cơ thể làm tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Hơn nữa, đồ dùng bằng nhựa khi sử dụng lâu cũng dễ bị trầy xước, ngả màu tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ và gây bệnh.

Không nên sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn

Do đó, chúng ta không nên tái sử dụng những hộp nhựa cũ để tích trữ đồ ăn. Hãy đưa chúng ra khỏi khu đồ dùng nhà bếp của bạn ngay. Bạn cũng nên lựa chọn những sản phẩm nhựa chuyên dùng để đựng thức ăn và có thể chịu được sự thay đổi nhiệt độ.

3. Thớt gỗ không được vệ sinh đúng cách

Một số nghiên cứu cho thấy lượng vi khuẩn ở thớt nhiều gấp 200 lần vi khuẩn trên bệ toilet. Việc thái hay chặt đồ ăn sẽ khiến thớt để lại những mảnh vụn hay vết lõm. Lượng thức ăn sót lại trên bề mặt thớt khó có thể làm sạch kĩ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Hơn nữa, thớt gỗ rất dễ ngấm nước và ẩm mốc làm xuất hiện độc tố nấm aflatoxin rất nguy hiểm. Loại nấm này gây ra những ảnh hưởng lên tế bào dẫn đến ung thư, dị tật.

Vệ sinh thớt sạch sẽ để loại bỏ những vi khuẩn gây bệnh

Đặc biệt, việc chùi rửa thông thường hay dùng nước nóng không thể làm sạch được loại nấm độc này. Một lưu ý đó chính là bạn nên sử dụng ít nhất 2 loại thớt để sơ chế đồ ăn sống và chín. Bạn nên rửa sạch thớt sau mỗi lần sử dụng và phơi ở những nơi có ánh nắng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn tốt hơn. Đối với thớt thái thực phẩm nấu chín, rau củ ăn sống... bạn có thể tẩy sạch bằng nước chanh hoặc hơ thớt trên bếp ga nóng để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại.

4. Chảo chống dính

Teflon là chất được phủ lên bề mặt của nhiều loại chảo chống dính kém chất lượng. Đây là vật liệu thông dụng, khá rẻ tiền nhưng không bền. Nó sẽ bị bào mòn đi theo thời gian và rất dễ trầy xước. Ở nhiệt độ sôi của dầu, chất này sẽ bị phân hủy, trộn lẫn vào thức ăn và tác động trực tiếp lên sức khỏe con người, gây ho, tức ngực, đau đầu, khó thở và nguy cơ cao gây bệnh ung thư.

Chảo chống dính cũng có khả năng gây ung thư

Nên treo chảo chống dính lên sau khi sử dụng và hạn chế chồng lên các xoong, chảo khác để không làm trầy xước mặt chảo cũng như có thể khiến chảo bị móp méo. Chảo bị móp méo sẽ khiến dầu ăn và nhiệt độ phân tán không đều khi sử dụng, ảnh hưởng đến độ bền. Thay mới chảo khi hỏng lớp chống dính để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng. Thường là 1-2 năm hoặc 3 năm nếu lớp chống dính vẫn giữ được an toàn.

Trần Thanh (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguy-co-mac-benh-tu-4-vat-dung-quen-thuoc-trong-nha-bep-d109025.html