Nguy cơ khủng hoảng lan rộng tại Tây Phi sau cuộc đảo chính ở Niger

Khu vực Sahel trong những năm gần đây đã chứng kiến một số cuộc đảo chính, ít nhất 3 cuộc thành công, Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tại Niger rất có khả năng dẫn đến việc các thế lực khủng bố gia tăng trong khu vực.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ tại Tây Phi và Sahel, ông Leonardo Santos Simão, ngày 3/8 đã bày tỏ quan ngại tình hình an ninh tại khu vực Tây Phi rộng lớn có thể xấu đi nếu cuộc khủng hoảng tại Niger không được giải quyết.

Phát biểu trực tuyến trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, ông Santos khẳng định cuộc khủng hoảng tại Niger nếu không được giải quyết sẽ làm trầm trọng thêm tình hình tại khu vực, đồng thời tác động tiêu cực đến sự phát triển và cuộc sống của người dân tại đất nước hiện có hàng triệu người cần hỗ trợ nhân đạo này.

Liên hợp quốc quan ngại tình hình tại Niger có thể biến thành cuộc khủng hoảng toàn khu vực. Ảnh minh họa AP.

Ông nhấn mạnh cần tới sự ủng hộ của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) để khôi phục trật tự dân chủ tại Niger, cảnh báo nếu không có giải pháp nào được thực hiện, hoặc tình hình không được đảo ngược, rất có khả năng dẫn đến các thế lực khủng bố gia tăng trong khu vực.

Trước đó, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thông tin về việc một số thành viên của Chính phủ Niger bị bắt giữ. Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, Farhan Haq, cho biết ông Guterres khẩn thiết kêu gọi Niger tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và nhanh chóng khôi phục trật tự Hiến pháp.

Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 3/8 đã cam kết duy trì hỗ trợ những người gặp nhiều khó khăn nhất tại Niger sau cuộc đảo chính quân sự. Theo OCHA, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã triển khai các chuyến bay đặc biệt tới các khu vực Diffa, Tahoua và Agadez của Niger để đưa nhân viên của LHQ và các đối tác làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo tại đây sau khi được nhà chức trách sở tại cho phép.

Hoạt động nhân đạo vẫn diễn ra, tuy nhiên OCHA lo ngại các biện pháp trừng phạt và việc đình chỉ viện trợ tài chính cho Niger sẽ ảnh hưởng đến công tác cứu trợ người dân. Theo thống kê của OCHA, có 4,3 triệu người tại Niger cần cứu trợ nhân đạo, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 3/8, Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ quan ngại về tình hình tại Niger, đồng thời cho biết đã ngừng giải ngân cho quốc gia Tây Phi này. Với các khu vực tư nhân có quan hệ đối tác, WB sẽ tiếp tục giải ngân song có thận trọng, cân nhắc.

Niger là một trong những nước châu Phi nhận được danh mục đầu tư lớn nhất của WB, với tổng số tiền đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên lên tới 4,5 tỷ USD. Nước này cũng vừa nhận thêm 600 triệu USD khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp từ WB trong năm 2022-2023.

Thống kê cho thấy trong 3 năm qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - một cơ quan thuộc WB đã đầu tư gần 50 triệu USD ở Niger và đang xem xét các dự án trị giá 75 triệu USD trong năm nay. Cùng ngày, Chính phủ Côte d'Ivoire đã đình chỉ tất cả hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như các thủ tục thông quan đối với hàng hóa từ Niger "cho đến khi có thông báo mới", theo quyết định của ECOWAS.

Từ ngày 1/8, Nigeria cũng đã cắt nguồn cung điện cho Niger sau khi các nước láng giềng áp đặt trừng phạt chính quyền quân sự ở quốc gia Tây Phi này. Niger phụ thuộc 70% nguồn điện từ Nigeria, mua của công ty Mainstream. Trước đó, lãnh đạo các nước thuộc ECOWAS đã đưa ra "tối hậu thư" với thời hạn trong vòng một tuần cho những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger để khôi phục trật tự Hiến pháp và cho biết thêm rằng họ không loại trừ khả năng "sử dụng vũ lực" nếu yêu cầu trên bị từ chối.

Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng những biện pháp, đặc biệt là từ ECOWAS, chỉ mang tính hình thức, không có sức nặng thật sự. Olayinka Ajala, nhà khoa học chính trị chuyên về châu Phi tại Đại học Leeds Beckett ở Anh, cho đây là một trong những yếu tố dẫn đến khủng hoảng kéo dài tại Tây Phi, bên cạnh bất ổn về an ninh và đình trệ về kinh tế.

"Yếu tố cuối cùng thúc đẩy đảo chính ở Niger là các tổ chức khu vực như ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) đã không thể hiện lập trường cứng rắn với những cuộc đảo chính đã diễn ra liên tục trong khu vực.

Điều đó thúc đẩy quân đội Niger hành động". Quả thực, trong 4 năm qua, vùng Sahel đã ghi nhận 7 cuộc đảo chính, trong đó 3 cuộc thành công, giúp quân đội lên nắm quyền ở Guinea, Burkina Faso và Mali. Các lãnh đạo ECOWAS và AU từng đe dọa trừng phạt 3 quốc gia này, nhưng sau đó hầu như không làm gì thêm để ngăn chặn các cuộc đảo chính khác xảy ra trong khu vực.

Trong một hội nghị bàn tròn do Viện Chatham House tại London tổ chức về tác động của can thiệp quân sự ở Tây Phi, đại diện ECOWAS cho biết họ vẫn duy trì kênh liên lạc với 3 chính quyền quân sự như "phép lịch sự". "Điều này tạo ra ấn tượng rằng ECOWAS không tạo ra sức răn đe đủ mạnh với bất cứ lực lượng quân sự nào đang nhăm nhe chiếm quyền lãnh đạo đất nước", ông Ajala nói.

Liên quan tình hình tại Niger, người đứng đầu chính quyền quân sự sau vụ đảo chính, Tướng Abdourahmane Tchiani đã có bài phát biểu trên truyền hình tối 2/8, trong đó tuyên bố bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà các nước láng giềng Tây Phi áp đặt đối với Niger và khẳng định sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào. Ông này cũng cảnh báo về sự can thiệp quân sự của nước ngoài đối với tình hình ở Niger, đồng thời kêu gọi người dân "đoàn kết để bảo vệ đất nước".

"CNSP (Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc, đang nắm quyền) bác bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt này và không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào, bất kể chúng đến từ đâu. Chúng tôi từ chối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Niger".

Tiến Anh (Tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nguy-co-khung-hoang-lan-rong-tai-tay-phi-sau-cuoc-dao-chinh-o-niger-i702606/