Nguy cơ không đi lại được do một cái nhọt ở chân

Bị u nhọt ở chân, cậu bé 10 tuổi ở Phú Thọ được cha mẹ đắp thuốc, dẫn tới nhiễm trùng nặng.

Ngày 4/8, theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi B.T.P. (10 tuổi, trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị áp-xe vùng khoeo chân.

Theo người nhà, một tháng trước, thấy con có một mụn ở vùng khoeo chân và ngứa. Bố mẹ bé đã đắp thuốc dân tộc không rõ nguồn gốc. Sau 3 ngày, vùng tổn thương đau buốt, chân co quắp không đi lại được. P. bị nôn trớ liên tục nên gia đình đưa đến bệnh viện khám.

Tại đây, bé được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhi bị áp-xe vùng khoeo chân, tổn thương diện khớp gối, các gân cơ co kéo và nguy cơ hạn chế tầm vận động khớp gối.

Bệnh nhân P. đang được bác sĩ thăm khám lại. Ảnh: BVCC.

Hiện tại, bác sĩ đã trích rạch dẫn lưu ổ áp-xe và duy trì kháng sinh liều cao để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn. Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, ăn uống bình thường và có thể đi lại nhẹ nhàng.

Thạc sĩ bác sĩ Đỗ Anh Tuấn, Khoa Chấn thương 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc dân tộc không rõ nguồn gốc, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, thậm chí để lại di chứng nặng nề.

Đối với bệnh nhi P., quá trình tập phục hồi chức năng sau chấn thương vùng khoeo chân khá gian nan nhưng sẽ cải thiện tốt nếu người bệnh tuân thủ theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ.

Do vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi sử dụng các loại thuốc nam, thuốc dân tộc hay bất kỳ loại thuốc nào điều trị, người bệnh cần có sự tư vấn của các y bác sĩ có chuyên môn và theo dõi tại các cơ sở y tế uy tín.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguy-co-khong-di-lai-duoc-do-mot-cai-nhot-o-chan-2173547.html