Nguy cơ dịch chồng dịch

Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao trong những ngày gần đây cho thấy nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu. Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ đến cả hệ thống điều trị và dự phòng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám cho một bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.DUNG

Đáng nói, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận ca tử vong thứ 5 do SXH kể từ đầu năm đến nay/gần 2 ngàn ca bệnh. Đây là con số rất đáng báo động vì cao điểm của dịch SXH vẫn chưa đến.

Liên tục ghi nhận các ca bệnh nặng

Ca tử vong thứ 5 do SXH tại Đồng Nai mới được ghi nhận là bé P.Q.A., 7 tuổi, ngụ xã Phú Xuân (H.Tân Phú).

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bé A. có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi từ ngày 26-6. Đến ngày 28-6, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế H.Tân Phú để khám và điều trị. Lúc này, bé A. xuất hiện thêm tình trạng đau bụng, nôn ói, đi tiêu phân lỏng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh SXH.

Do bệnh diễn tiến nặng nên 1 ngày sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán rồi Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị trong tình trạng sốc SXH nặng, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan trên cơ địa béo phì.

Mặc dù được các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tận tình cứu chữa nhưng đến ngày 2-7, bệnh nhi không qua khỏi.

Ngày 30-6, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã nhập khẩu 6 ngàn chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện, đáp ứng trước mắt nhu cầu cấp bách trong điều trị bệnh TCM hiện nay.

Theo ghi nhận tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khoa hiện đang điều trị cho 1 ca bệnh SXH cũng rất nặng. Ngoài ra, có 5 bệnh nhi mắc TCM nặng cũng đang được điều trị tích cực. Có những trường hợp phải lọc máu liên tục, thở máy, dự kiến thời gian điều trị kéo dài.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, trong 2 tuần gần đây (từ ngày 22-6 đến 6-7), toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 ca mắc SXH phải nhập viện. Số ổ dịch được phát hiện là 46 ổ. Cộng dồn tổng số ổ dịch SXH từ đầu năm đến nay là 410 ổ.

Trong khi đó, số ca bệnh TCM phải nhập viện trong 2 tuần vừa qua lên đến 738 ca, tăng mạnh so với những tuần trước đó và tuần cùng kỳ năm ngoái. Số ca bệnh tăng ở 9 huyện, thành phố, giảm ở Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Cộng dồn số ca mắc TCM toàn tỉnh đến nay là hơn 2,4 ngàn ca.

BS Phúc cảnh báo, những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, sáng nắng chiều mưa, ẩm thấp khiến trẻ dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch giảm. Mùa mưa cũng là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn - tác nhân gây bệnh SXH sinh sôi, phát triển. Do đó, mỗi gia đình, trường học, cộng đồng cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Cần thực hiện các biện pháp đề phòng muỗi đốt, ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Đặc biệt, khi bản thân hoặc nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như sốt cao không hạ, co giật, giật mình khi ngủ, loét miệng, chân, tay… cần đưa ngay đến cơ sở y tế có uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Khi đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém và kéo dài.

Kỳ vọng sớm có vaccine phòng bệnh

Dịch bệnh SXH không chỉ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng bị mắc bệnh và đang phải điều trị tại các bệnh viện.

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

BS Lê Thế Dương, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, khoa đang điều trị, chăm sóc cho 29 bệnh nhân mắc SXH. Trong đó có 1 trường hợp bệnh nặng có xuất huyết tiêu hóa.

Chị N.H.N., 30 tuổi, ngụ P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay, cách đây vài ngày, chị bị sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt ban đầu có hạ nhưng sau đó lại tiếp tục sốt cao. Những ngày sau đó, chị N. mệt mỏi, chán ăn nên được gia đình đưa vào bệnh viện để khám. Bác sĩ chẩn đoán chị N. bị SXH, yêu cầu nhập viện để điều trị ngay, tránh bệnh diễn tiến nặng.

Theo chị N., những ngày đầu bị sốt, chị vừa chủ quan vừa bận đi làm nên không để ý đến việc đi khám bệnh. Chị N. không ngờ SXH lại khiến cơ thể mệt mỏi đến vậy.

BS Phan Văn Phúc cho hay, cả bệnh SXH và TCM đều chưa có vaccine phòng bệnh. Do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là người dân thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan y tế như: dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vườn tược, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh tay chân sạch sẽ, ăn chín, uống chín…

Tại cuộc họp với 20 tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, có một công ty sản xuất vaccine phòng bệnh TCM đã gửi hồ sơ đăng ký đến Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) để được cấp phép. Nếu được duyệt, vaccine này sẽ được tiêm vào năm 2024 với hình thức dịch vụ. Đây là vaccine có khả năng ngừa virus EV71 - chủng virus nguy hiểm nhất hiện đang gây bệnh TCM thể nặng, nguy cơ tử vong cao tại khu vực phía Nam.

Trong khi chờ đợi có vaccine phòng bệnh TCM, điều mà các bác sĩ lo lắng nhất hiện nay là thiếu thuốc điều trị bệnh TCM nặng. Thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch dự kiến vào tháng 7 mới được cung ứng, còn thuốc Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu.

Thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện tại Việt Nam chỉ có hơn 2,3 ngàn lọ thuốc Gamma Globulin, trong đó 300 lọ ở kho của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hơn 2 ngàn lọ tại kho của một công ty dược. Đến giữa tháng 8, thuốc này mới có thể nhập về thêm.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/nguy-co-dich-chong-dich-3171114/