Nguy cơ cắt giảm lao động diễn ra ở nhiều doanh nghiệp

Đây là nhận định trong báo cáo vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Công ty này đang phải tiến hành cắt giảm một số lượng lớn người lao động do khó khăn về đơn hàng.

Không chỉ riêng doanh nghiệp này, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp khác cũng phải cắt giảm lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, trong thời gian tới các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga - Ukraine... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.

Các ngành như dệt may, da giày đang phải chịu áp lực lớn do tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tiếp diễn.

Hàng nghìn lao động mất việc

Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đây là doanh nghiệp chuyên về sản xuất, xuất khẩu giày thể thao và sử dụng trên 110 nghìn lao động, trong đó lao động làm việc tại TP Hồ Chí Minh khoảng 46 nghìn lao động.

Ngay từ tháng 2/2023, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã thực hiện thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người kể từ ngày 1/4/2023. Ngày 9/5/2023, công ty tiếp tục thông báo phải thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn là 5.744 lao động (đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6/2023 là 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7/2023 là 1.225 lao động).

Trong số lao động chấm dứt hợp đồng lao động có trên 80% nữ giới, khoảng 45% lao động từ 21 đến 40 tuổi, trên 50% lao động từ 40 tuổi trở lên, khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên. Phần lớn lao động chấm dứt hợp đồng lao động là lao động phổ thông. Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu các đơn hàng mới do các nước thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu về hàng hóa dệt may, da giày. Một phần nguyên nhân nữa là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu và tác động của xung đột Nga - Ukraine.

Tình trạng phải cắt giảm lao động diễn từ những tháng cuối năm 2022, được dự báo kéo dài đến hết quý I/2023, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tình hình vẫn chưa được cải thiện. Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng đã ảnh hưởng tới việc làm của hơn 560 nghìn người lao động.

Trong đó có đến 55 nghìn lao động ra khỏi khu vực lao động (chấm dứt hợp đồng). Tình trạng này đang ảnh hưởng nặng nề đến những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dệt may là ngành xuất khẩu, sử dụng lao động lớn. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối quý III/2022, nhiều doanh nghiệp đã đứng trước những khó khăn rất lớn. Đơn hàng, đơn giá đều giảm 20 - 30%.

Thậm chí có những đơn giá giảm tới 40 - 50%, điều trước đây chưa từng xảy ra. Từ những tác động biến động kinh tế thế giới, ngành dệt may có thể suy giảm tăng trưởng từ con số 6% năm 2021 xuống dưới 2% trong năm nay. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 11,7 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước. “Tình hình này sẽ kéo dài sang quý III và ít nhất đến quý IV năm 2023 này mới có thể phục hồi. Nhiều doanh nghiệp phải gồng mình sao cho có đơn hàng giá thấp để không sa thải nhân công, nhưng sụt giảm mạnh”, ông Cẩm cho biết.

Hỗ trợ doanh nghiệp để giữ việc làm cho người lao động

Trước tình trạng căng thẳng việc làm do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua cơ quan này đã chỉ đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng với đó là hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Các giải pháp trước mắt cần thiết phải được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh hỗ trợ người lao động thì cái gốc phải là hỗ trợ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp trụ vững thì mới có thể giữ việc làm được cho người lao động. “Để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động một cách bền vững, lâu dài, chúng ta cần có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn nợ thuế, ưu đãi thuế... Bên cạnh đó là các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp cũng như người lao động. Một số nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp như xem xét giảm giá điện, nước, phí sử dụng hạ tầng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm áp lực phần nào. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn thu nhập không ổn định và được vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội… Đối với thúc đẩy xuất khẩu cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất cũng như xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi”, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị.

Cùng quan điểm phải triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm nhận định việc cắt giảm lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp chiếm dụng nhiều lao động sẽ gây áp lực rất lớn cho các địa phương trong giải quyết việc làm, cũng như an sinh xã hội. Do đó cần phải có các chính sách triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động ông Liễu cho rằng phải đặt ra vấn đề điều chỉnh cơ cấu lao động. Theo ông Liễu, dựa vào số liệu tổng hợp hàng ngày về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho thấy đa phần đối tượng bị thất nghiệp là lao động giản đơn (chiếm 60 - 70%). Người lao động có trình độ càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng thấp. "Thay đổi cơ cấu kinh tế, đi cùng cũng phải thay đổi cơ cấu lao động. Về lâu dài để hạn chế việc cắt giảm lao động thì việc thay đổi cơ cấu thị trường lao động là tối quan trọng.

Người lao động có trình độ thấp, kỹ năng hạn chế sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cũng cao hơn. Hơn nữa hiện nay, công nghệ phát triển sẽ khiến nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam nữa”, ông Liễu phân tích.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nguy-co-cat-giam-lao-dong-dien-ra-o-nhieu-doanh-nghiep-i694220/