Nguy cơ biến chứng khi mắc thủy đậu

Bệnh viện Nội tiết Trung ương thời gian gần đây đã tiếp nhận các ca bệnh mắc thủy đậu, kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp…

Bệnh nhân mắc thủy đậu khi nhập viện. Ảnh: BVCC

Giai đoạn mùa Đông - Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao như hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một trong số đó là bệnh thủy đậu.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận rải rác các ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…

Bác sĩ Phạm Hồng Quảng, phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thông tin: “Thời gian gần đây, khoa tiếp nhận khá thường xuyên các ca mắc bệnh thủy đậu trên nền bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…”.

Theo chuyên gia, hầu hết các ca bệnh này đều vào viện trong tình trạng đường máu rất cao, rối loạn nước điện giải cần bù nước điện giải tích cực, kiểm soát đường máu bằng thuốc tiêm. Trong khi đó, người bệnh chỉ cần uống thuốc viên đường máu đã có thể kiểm soát tốt.

Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, thường gây các chùm ca bệnh, các ổ dịch nhỏ rải rác và đa phần là lành tính. Tuy nhiên, trên những người bệnh có bệnh lý mạn tính, sức đề kháng kém như đái tháo đường, suy thận, suy thượng thận… bệnh dễ gặp các biến chứng như bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… làm bệnh tiến triển nặng.

Một trường hợp cụ thể là bệnh nhân V.T.O. (nữ, 64 tuổi, có địa chỉ tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Người bệnh bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp đã 7 năm. Bà khám và điều trị thường xuyên theo đơn của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và luôn giữ mức đường máu được kiểm soát tốt.

Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân là giáo viên và có tiếp xúc với hai học sinh mắc thủy đậu. Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 38 – 39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước, không ngứa. Bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, nhưng không đỡ.

Bệnh nhân đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da, có nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo bệnh nhân tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt.

Tình trạng bệnh tiến triển tăng dần khiến bệnh nhân mệt nhiều. Do vậy, bệnh nhân đã được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và nhập viện vào Khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân V.T.O. đã tỉnh táo, đỡ mệt, hết sốt, hết tình trạng khát nước tiểu nhiều, tiểu hết đau buốt; đường máu kiểm soát tốt, các nốt phỏng nước thưa dần và nhiều nốt cũ đang thoái triển dần.

Với ca bệnh điển hình như trên, bác sĩ Quảng khuyến cáo, người mắc các bệnh truyền nhiễm cần cách ly tránh nơi đông người như trường học, trụ sở làm việc… để hạn chế lây truyền cho cộng đồng.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguy-co-bien-chung-khi-mac-thuy-dau-post675213.html