Ngưỡng mộ cử nhân 23 tuổi đứng lề đường bán gỗ vụn

4 năm đại học giành được 7 học bổng, chàng trai trẻ vẫn lựa chọn con đường bán đồ chơi gỗ khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng.

Gương mặt đen xạm nhễ nhại mồ hôi, quần áo phủ đầy bụi đường nhưng ánh mắt vẫn rạng ngời niềm vui. Đó là hình ảnh về chàng trai bán đồ chơi gỗ trên một con đường quốc lộ tại Nghệ An, được dân mạng chia sẻ suốt mấy ngày qua.

 Hình ảnh chàng trai bán gỗ vụn được dân mạng chú ý.

Hình ảnh chàng trai bán gỗ vụn được dân mạng chú ý.

Tìm gặp nhân vật này, chúng tôi rất bất ngờ khi được biết chàng trai trong ảnh là một cử nhân, ngành Sinh học từng giành được 7 học bổng các loại. Vì niềm đam mê với gỗ, anh sẵn sàng gác lại tấm bằng đại học, lựa chọn con đường khởi nghiệp hoàn toàn mới lạ.

Gác bằng cử nhân, tự mình khởi nghiệp

Hoàng Hùng (23 tuổi, trú tại Nghệ An) từng là sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Khi vừa lên Sài thành, Hùng xin làm thêm tại một xưởng đóng bàn ghế gỗ để có tiền đóng học phí. Sau đó một thời gian, anh bị viêm xoang phải phẫu thuật và được bác sĩ khuyên không nên làm việc liên quan đến gỗ.

Hoàng Hùng - người sáng tạo ra những món đồ chơi bằng gỗ.

Nhưng đến mùa hè năm học thứ hai, anh vẫn quay lại xưởng gỗ làm việc bởi niềm trăn trở về những miếng gỗ thừa chưa dứt.

“Tôi thấy mấy đứa trẻ hàng xóm đòi mẹ mua đồ chơi. Mẹ chúng phần vì thiếu tiền, phần lo đồ chơi độc hại nên chần chừ mãi. Tôi chợt nghĩ, sao không biến những miếng gỗ vụn này thành đồ chơi trẻ em, vừa tận dụng được đồ thừa lại vừa an toàn”, Hùng nói về ý tưởng của mình.

Từ đó, sau giờ học, Hùng lại loay hoay với đống gỗ thừa. Suốt hai tháng, anh chỉ học cách chà nhám (làm mịn bề mặt gỗ) và vài công việc lặt vặt để rèn luyện đôi tay dẻo dai. Ngoài ra, Hùng học vẽ mẫu và bắt đầu làm đồ chơi gỗ.

“Phải mất vài tháng tôi mới làm xong một chiếc xe đồ chơi bằng gỗ. Đưa cho mấy đứa trẻ hàng xóm chơi, chúng thích lắm, bố mẹ đứa khác thấy thế cũng đặt cho con mình. Tôi nghĩ, sản phẩm này rất có triển vọng, có thể làm nhiều hơn để kinh doanh”, Hùng chia sẻ.

Nói là làm, Hùng rủ anh trai chế máy móc sản xuất đồ chơi gỗ. Với tiêu chí, lấy đồ thừa của người ta biến thành đồ hữu dụng của mình, hai anh em đã nhanh chóng có một giàn máy móc mới với quy trình sản xuất độc đáo.

Bước sang năm học thứ ba, đồ chơi gỗ của Hùng được biết đến nhiều hơn. Một mình làm không xuể, anh bắt đầu thuê địa điểm, mở xưởng và thuê sinh viên đến làm. Bận rộn từ sáng đến đêm với xưởng gỗ nhưng Hùng vẫn hoàn thành tốt việc học, cuối kỳ vẫn lĩnh học bổng.

Ra trường, Hùng được thầy giáo mời ở lại trường làm nghiên cứu. Anh bị mắc kẹt giữa mong muốn của cha mẹ là có một công việc ổn định đúng ngành và niềm đam mê với gỗ của bản thân. Sau một tháng trời trăn trở, Hùng quyết định gác lại tấm bằng cử nhân, tự mình khởi nghiệp.

"Mỗi người chỉ có một tuổi trẻ, nếu không làm điều mình muốn nhất định sẽ hối tiếc. Tôi từng gặp một số người, phải đến 40 tuổi mới biết mình thật sự muốn làm gì. Nhưng lúc ấy thì muộn rồi", Hùng nói.

Can đảm thoát ra khỏi “vùng an toàn”

Ổn định khâu sản xuất, Hùng quay sang tìm đầu ra. Anh chủ yếu bán cho khách buôn nhưng rồi thị trường ngày càng khó khăn, khách buôn liên tục trả lại hàng. Hùng buộc phải tìm cách tự kinh doanh sản phẩm.

Đã có lúc, Hùng phải đem đồ chơi gỗ ra lề đường bán để có tiền trả lương cho công nhân. Vất vả là vậy nhưng anh vẫn tin rằng, một ngày nào đó những món đồ chơi này sẽ được mọi người đón nhận.

Niềm tin đó của Hùng xuất phát từ chính sự an toàn của sản phẩm. Anh luôn miệng nói: “Gỗ hiền lành lắm, chẳng hại ai bao giờ, nhất định sẽ có lúc, cha mẹ quan tâm đến sự an toàn của con mà chọn đồ chơi bằng gỗ thay vì những món đồ nhập khẩu độc hại”.

Hiện tại, việc kinh doanh của Hùng đã ổn định. Nhưng điều khiến anh trăn trở hơn cả là nhận thức của người Việt về đồ thủ công mỹ nghệ.

Anh buồn trước những cái bĩu môi, lời miệt thị của mọi người: “Thứ đồ nhỏ xíu này mà tới vài chục ngàn thì ai mua?”, trong khi đó, giá trị của thủ công mỹ nghệ là thứ khó có thể đong đếm.

Mỗi một món đồ chơi có giá tối thiểu là 60.000 đồng, tối đa là 300.000 đồng.

“Người nước ngoài hứng thú với đồ chơi gỗ lắm. Họ mua làm kỷ niệm, thậm chí còn đặt hàng đem về nước làm quà. Thế nhưng người Việt mình lại nghĩ vài chục nghìn một con đồ chơi gỗ là đắt. Bởi vậy, công việc của tôi còn nhiều lắm, phải làm sao để người dân hiểu được giá trị của sản phẩm thủ công và biết cách chọn đồ an toàn cho con mình”, Hùng chia sẻ.

Từ một người không biết gì về gỗ, ở tuổi 23 Hùng đã trở thành ông chủ của một xưởng chế tạo, kinh doanh đồ chơi bằng chất liệu này. Sự dám nghĩ dám làm, can đảm thoát ra khỏi “vùng an toàn” của chàng trai trẻ khiến nhiều người nể phục.

“Khi bạn không theo đuổi tiền bạc nữa, tiền bạc sẽ theo đuổi bạn”, đó là câu nói tôi rất tâm đắc. Các bạn sinh viên mới ra trường đừng trọng tiền bạc, hãy làm việc hết mình. Dù là nhân viên nhưng nếu bạn làm việc như một ông chủ thì trước sau gì bạn cũng trở thành ông chủ”, Hùng nói.

Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):

Theo Hạ Nhiên/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/nguong-mo-cu-nhan-23-tuoi-dung-le-duong-ban-go-vun-783451.html