Nguồn vốn huy động thiếu bền vững

Theo ước tính của các công ty chứng khoán (CTCK), tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng thương mại (NHTM) trong tám tháng năm 2021 ở mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, dù thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào, song tiền gửi tăng chậm do lãi suất huy động (LSHĐ) thấp cộng hưởng với 'cuộc đua' thu hút tiền gửi không kỳ hạn… khiến nguồn vốn của nhiều NHTM thiếu bền vững.

Nguồn vốn huy động thiếu bền vững

ĐẶNG HÀ MY

Thứ Ba, 28-09-2021, 11:45

+ | Print

Mặt bằng lãi suất thấp đã kích thích tiền chảy vào kênh đầu tư khác. Ảnh: NAM ANH

Mặt bằng lãi suất thấp đã kích thích tiền chảy vào kênh đầu tư khác. Ảnh: NAM ANH

Trong tám tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tăng 7,4% so đầu năm, tương đương mức 14,6% so cùng kỳ năm 2020. Tại TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, huy động vốn bảy tháng đầu năm nay cũng chỉ tăng 0,7%, trong khi tín dụng tăng tới 5,8%. Còn tại Hà Nội, huy động vốn tám tháng tăng tới 9,2% so đầu năm, nhưng chủ yếu tăng ở phát hành giấy tờ có giá và tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp (DN), trong khi tiền gửi dân cư tiếp tục tăng chậm.

Số liệu NHNN công bố trước đó cũng cho thấy, nửa đầu năm 2021, huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 2,9% so thời điểm đầu năm nay, thấp hơn nhiều so mức tăng 5,1% (năm 2020) và 8% (năm 2019). Tuy nhiên, tiền gửi có kỳ hạn chỉ tăng 1,4%. Động lực tăng trưởng huy động vốn chủ yếu nằm ở tiền gửi thanh toán DN. Tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm gần 151.200 tỷ đồng vào các NH, trong khi số này của nhóm khách hàng tổ chức, DN là gần 233.200 tỷ đồng. Điều này trái ngược giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xảy ra: tiền gửi dân cư thường cao gấp đôi tiền gửi thanh toán của khách hàng DN và tổ chức.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là LSHĐ xuống thấp khiến người dân có xu hướng dịch chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến khó lường khiến DN có xu hướng gửi tiền vào NH để phòng thủ. Mặc dù thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào (chủ yếu do tín dụng tăng chậm), song cơ cấu vốn huy động đang tiềm ẩn rủi ro cho các NH. Hiện, tiền gửi dân cư chỉ chiếm một nửa lượng vốn huy động của các NH và tăng rất chậm. Trong khi đó, tiền gửi DN, tuy tăng nhanh, song có thể bị rút ra bất kỳ lúc nào để đưa vào sản xuất, kinh doanh (SXKD) khi dịch bệnh được kiểm soát.

Không chỉ tiền gửi dân cư tăng chậm, theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN), thời gian qua, nhiều NH chạy đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn và tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng vốn huy động. Điều này giúp NH huy động được vốn rẻ, song khiến nguồn vốn huy động trở nên bấp bênh. Cụ thể, NH “nuôi” đến hơn 50% tổng dư nợ cho vay là dư nợ trung, dài hạn, trong khi huy động chủ yếu ngắn hạn, thậm chí không kỳ hạn, dẫn tới an toàn vốn thiếu chắc chắn.

Theo nhận định của giới phân tích, mặt bằng lãi suất thấp những năm gần đây đã kích thích tiền chảy vào TTCK, bất động sản (BĐS). Minh chứng là số tài khoản mới trên thị trường tăng kỷ lục, thanh khoản thị trường cao chưa từng thấy và số dư tiền gửi của nhà đầu tư (NĐT) tại các CTCK rất lớn. Dòng tiền đổ vào TTCK không chỉ đến từ NĐT cá nhân, mà còn đến từ các DN có vốn nhàn rỗi.

Số liệu của FiinGroup cho thấy, số dư tiền mặt của NĐT tại các CTCK tại thời điểm cuối tháng 8/2021 ước đạt tới 80.000 tỷ đồng, xô đổ mọi kỷ lục trước đó. Lãi suất thấp cũng là nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu DN (TPDN) sôi động. Mặc dù theo quy định hiện hành, chỉ NĐT chuyên nghiệp và NĐT tổ chức mới được mua trái phiếu riêng lẻ, song các “chợ” TPDN vẫn diễn ra hết sức sôi động, chào bán cho NĐT cá nhân. Nếu muốn mua TPDN, thì NĐT cá nhân có thể được hỗ trợ “chạy” giúp chứng nhận NĐT chuyên nghiệp.

Trước nỗi lo tiền chảy vào CK, BĐS của nhiều chuyên gia, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN luôn kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đầu tư, kinh doanh CK chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng BĐS giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế, chiếm hơn 60% dư nợ BĐS.

Con số thống kê của NHNN khá chính xác, song thực tế, tiền đang chảy vào CK, BĐS rất lớn. Nguyên do là tiền chảy vào kênh này không từ tín dụng, mà từ các kênh khác - vốn ngoài tầm kiểm soát của NHNN, như người dân rút tiết kiệm, chuyển vốn từ SXKD vào các kênh này…

Thống đốc NHNN cũng xác nhận, những tháng đầu năm 2021, TTCK tăng trưởng mạnh, giá BĐS tăng cao, nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... có một phần nguyên nhân là lãi suất tiết kiệm thấp, trong khi người dân thiếu cơ hội đầu tư vào SXKD, nên đã gia tăng đầu tư CK, BĐS.

Với mặt bằng thấp hiện nay, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, LSHĐ giảm thêm nữa là rất khó. Nếu giảm tiếp lãi suất, nhiều khả năng dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư rủi ro như: CK, BĐS… Dù mức giảm lãi suất cho vay của NH chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN, song với NH, việc giảm thêm lãi suất không hề đơn giản. Vấn đề quan trọng không kém việc giảm lãi suất lúc này là cải thiện quy trình, thủ tục vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN.

Trong bối cảnh nguồn vốn huy động thiếu bền vững, khả năng giảm LSHĐ thêm nữa là rất khó. Các chuyên gia phân tích của Công ty CP CK VNDirect nhận định, lãi suất sẽ khó giảm thêm dù có khả năng NHNN sẽ nới “room” tín dụng và NH sẽ giảm thêm lãi suất cho vay. VNDirect giữ nguyên quan điểm LSHĐ có thể tăng 10 - 15 điểm cơ bản so mức hiện tại vào cuối năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp so trước đại dịch.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/nguon-von-huy-dong-thieu-ben-vung-667067/