Nguồn lực rơi vào 'sân sau' của cán bộ chính quyền đang có xu hướng giảm

Dấu hiệu tích cực trong báo cáo PCI 2023 là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định 'Hợp đồng mua sắm của cơ quan nhà nước, đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với cán bộ chính quyền' chỉ còn 55,3% vào năm 2023, đã giảm liên tục từ mức 61,1% vào năm 2021 xuống 57,7% vào năm 2022.

Báo cáo PCI 2023 ghi nhận nhiều chỉ số tích cực về môi trường kinh doanh. Trong đó, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến, với điểm số chỉ số thành phần chi phí không chính thức giữ vững xu hướng cải thiện.

Chi phí không chính thức có xu hướng giảm.

Năm 2023, chỉ số thành phần này đạt 7,08 điểm, tăng từ 7,01 điểm vào năm 2022 và 6,99 điểm vào năm 2021, đánh dấu chuỗi tăng điểm liên tục kể từ năm 2015.

Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 42,6% năm 2022, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.

Quy mô của chi phí không chính thức cũng tiếp tục đà giảm, với khoảng 2,5% doanh nghiệp cho biết phải chi trên 10% thu nhập cho các chi phí này, thấp hơn so với con số 3,8% của năm 2022 và đã giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực có dấu hiệu tăng lên như đăng ký kinh doanh và thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.

Gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng được doanh nghiệp đánh giá là có sự cải thiện. Cụ thể, năm 2023, gần 7% doanh nghiệp bị thanh tra và kiểm tra ba lần trong năm, giảm nhẹ so với mức 7,4% vào năm 2022 và 9,9% vào năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra đã giảm xuống gần 7% vào năm 2023, từ 9,6% vào năm 2022 và 13,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra kiểm tra bị trùng lặp tăng nhẹ từ 6,7% năm 2022 lên 8,5% vào năm 2023.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp phản ánh trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Dấu hiệu tích cực tiếp theo là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hợp đồng mua sắm của cơ quan nhà nước, đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với cán bộ chính quyền” năm 2023 chỉ còn 55,3% vào năm 2023, đã giảm liên tục từ mức 61,1% vào năm 2021 xuống 57,7% vào năm 2022.

"Nếu nhìn vào con số 96,6% khi lần đầu tiên đo lường chỉ tiêu này vào năm 2013, thì con số 55,3% của năm 2023 là thực sự ấn tượng", báo cáo PCI đánh giá.

Tuy vậy, kết quả khảo sát ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và xuống 40,7% năm 2023.

Các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định (64%), cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (46%) và quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (46%).

Đáng lưu ý là gần 73% doanh nghiệp đã cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Cần lưu ý là trong lần điều chỉnh phương pháp luận PCI năm 2021, chỉ số thành phần Môi trường cạnh tranh bình đẳng có sự điều chỉnh căn bản nhằm thúc đẩy chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DNNVV.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 là 61,3%, gia tăng từ con số 58,8% năm 2022 và 52,6% năm 2021.

Bên cạnh đó, có khoảng 56,5% doanh nghiệp cho biết chính quyền cấp tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bối cảnh kinh tế đầy thách thức cũng được phản ánh trong báo cáo năm nay khi tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới chỉ ở mức thấp, doanh nghiệp cho biết đang phải chật vật đương đầu với nhiều khó khăn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề, cũng như các thủ tục hành chính.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tình hình kinh tế khó khăn rất cần sự hỗ trợ, tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh nhiều bất định và biến động của tình hình thế giới, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nguon-luc-roi-vao-san-sau-cua-can-bo-chinh-quyen-dang-co-xu-huong-giam-1099671.html