Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch từ lễ hội

Trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, đặc biệt trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có các lễ hội cổ truyền là nguồn lực quan trọng.

Thông tin trên được các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội” do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức.

Nguồn tài nguyên dồi dào

Khu vực nội thành Hà Nội từ xa xưa là khu vực tập trung đông dân cư và cũng là nơi tụ hội của các giá trị văn hóa, di sản, tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền. Trong số các lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành, có nhiều lễ hội gắn liền với các làng nghề thủ công trước đây ở Thăng Long – Hà Nội, chẳng hạn như Hội nghề kim hoàn ở đình Kim Ngân (Hàng Bạc), Hội làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ - Gia Lâm (Hà Nội), Hội làng nghề Bát Tràng; lụa Vạn Phúc; mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… tất cả đều là chất liệu phong phú cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.

Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn

Đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội, thông qua ngành thủ công mỹ nghệ, TS Đinh Việt Hà - Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chia sẻ: Trong không gian các lễ hội, các sản phẩm thủ công mĩ nghệ đặc trưng của các làng nghề được trưng bày, giới thiệu với du khách. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trong dịp diễn ra các lễ hội không những đáp ứng được nhu cầu của du khách mà còn góp phần quảng bá nhiều thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống Hà Nội, giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, tạo điều kiện cho việc trao đổi, giao lưu hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội trong thời gian qua đã chứng tỏ sức hút hấp dẫn đối với ngành du lịch - một trong những mũi nhọn trong phát triển văn hóa Thủ đô.

Lê Khai hội chùa Hương năm 2023. Ảnh: Lại Tấn

Tại Hà Nội, nhiều lễ hội không chỉ gắn liền với tên tuổi của những anh hùng trong lịch sử như huyền thoại Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Vua Quang Trung, Thục Phán An Dương mà còn gắn liền với những danh thắng nổi tiếng, điển hình là lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn – Huyện Mỹ Đức), đây một danh thắng nổi tiếng không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn là một không gian văn hóa tín ngưỡng đạo Phật thâm nghiêm thu hút nhiều tín đồ hành hương chiêm bái.

Ngoài lễ hội có quy mô lớn, Hà Nội còn có nhiều lễ hội truyền thống, hội làng được khôi phục và tổ chức tại nhiều địa phương trong thành phố như hội làng Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai), hội Bà Tía Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), hội Bái Ân Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), hội làng Phú Diễn (quận Từ Liêm), hội làng Thanh Am (quận Long Biên)…

Theo ThS. Hoàng Thị Thu Hằng - Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tất cả lễ hội đã tạo nên một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch gắn với loại hình du lịch văn hóa, vốn là một sản phẩm được đánh giá là thế mạnh của Hà Nội hiện nay.

Hội nhập và phát triển

Những năm gần đây, trước xu thế giao lưu hội nhập, một số lễ hội mới xuất hiện làm phong phú thêm các loại hình lễ hội của Hà Nội như: Lễ hội đường phố, lễ hội hóa trang, lễ hội hoa Anh Đào (Nhật Bản), lễ hội văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, lễ hội áo dài…

Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội năm 2019. Ảnh: Minh An

Các lễ hội này mang tinh thần hiện đại nên đã thu hút nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Họ không chỉ tham gia các lễ hội này mà còn tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa, sản phẩm văn hóa liên quan đến chủ đề lễ hội.

Cùng với những yếu tố mới du nhập này, các lễ hội ở nội thành Hà Nội cùng với các lễ hội đa dạng ở các địa bàn ngoại thành đã tạo ra một không gian lễ hội rộng lớn, góp phần phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các yếu tố văn hóa từ lễ hội truyền thống khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình “hàng hóa hóa” di sản, được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, tách khỏi không gian thiêng, khiến cho tính cộng đồng, tính thiêng của các lễ hội có nguy cơ bị mai một dần. Mặt khác, thực tế cho thấy, lượng khách du lịch đến một số điểm du lịch có giá trị về tâm linh, giá trị về nghệ thuật thường rất đông, dẫn đến tình trạng quá tải tại điểm du lịch, dẫn đến những hệ quả không mong muốn như chen lấn xô đẩy, trộm cắp, xô xát, mất an toàn trật tự. Những mặt hạn chế này cần phải được khắc phục để có thể phát triển du lịch một cách bền vững.

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quân

Để gia tăng giá trị các lễ hội nội thành Hà Nội trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, theo các chuyên gia, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lí và tổ chức lễ hội trong nội thành Hà Nội cũng như cần có sự đầu tư về kinh phí, hệ thống hóa lại toàn bộ hoạt động lễ hội. Cụ thể, do hầu hết, các lễ hội có quy mô lớn thường diễn ra vào mùa Xuân nên cần có sự chuẩn bị kĩ càng một bản đồ du lịch để tập hợp các lễ hội tiêu biểu trong nội thành Hà Nội để khách tham quan có thể đến dự và tham gia vào các hoạt động lễ hội.

Bên cạnh việc khôi phục các sinh hoạt truyền thống, cần xem xét và chọn lọc, bổ sung thêm những hình thức sinh hoạt mới phù hợp gần gũi với các hoạt động truyền thống để các lễ hội thêm phong phú, sinh động thu hút nhiều đối tượng tham gia, góp phần tăng thêm hiệu quả giáo dục truyền thống.

Đồng thời, cần tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các hoạt động sáng tạo của những người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa. Việc đưa các yếu tố văn hóa truyền thống như hình ảnh, âm nhạc, nhân vật, nghi lễ của các lễ hội cổ truyền vào trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa đa dạng không chỉ tạo ra sự mới mẻ, đa dạng và sức hút cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa mà còn kích thích, khơi dậy ở nhiều người trẻ sự ham thích tìm hiểu, khám phá về Hà Nội.

An Nhiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguon-luc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-du-lich-tu-le-hoi.html