Người Việt tự đầu độc bằng thực phẩm 'ngậm' kháng sinh: Người nuôi tôm biết có hại nhưng bất lực

Tại Khánh Hòa, hơn 10 năm qua, người dân ồ ạt nuôi tôm tự phát không theo một quy hoạch nào. Nhiều khu vực nuôi tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, người dân vô tư dùng đủ dòng kháng sinh cho người lẫn thủy sản, nhưng chính quyền, cơ quan chức năng không quản lý nổi (!).

Người dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, họ “buộc” phải dùng kháng sinh cho tôm để khống chế bệnh tật.

Cho tôm “ngậm” đủ dòng kháng sinh

Anh D - chủ một doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng thức ăn cho người nuôi tôm trên phạm vi toàn tỉnh Khánh Hòa - tiết lộ: “Nuôi tôm mà không sử dụng kháng sinh sẽ không bao giờ được vì rủi ro rất lớn, trong khi chi phí người nuôi bỏ ra hàng tỉ đồng”.

Trong vai một người cần tìm hiểu về các mô hình nuôi tôm, PV Báo Lao Động đã tìm về vựa nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh. Anh T - người có thâm niên nuôi tôm nhiều năm tại đây - cho biết: “Nuôi tôm 20 ngày mà phát hiện tôm bệnh thì phải dùng kháng sinh để ngừa. Kháng sinh dùng cho người thì mua ở các tiệm thuốc tây, còn kháng sinh thủy sản thì mua ở các đại lý. Trước mỗi lần cho tôm ăn, người nuôi thường trộn vào thức ăn khoảng 30 phút. Các loại kháng sinh cũng có nhiều dòng lắm, kể không hết, mỗi đại lý bán mỗi loại thuốc khác nhau. Người ta mua dùng mà thấy loại nào hiệu quả thì dùng thôi”.

“Dùng kháng sinh như vậy mình có bán tôm được không?” - PV hỏi. “Bán được hết chứ. Tôm xuất khẩu đi các nước bị kiểm nghiệm dư lượng kháng sinh thì vẫn có các đầu nậu khác thu mua, không thiếu, ưng bán cho ai mình bán. Mấy đầu nậu lâu nay mua của mình thì tôm gì họ cũng mua cả thôi. Còn cách 10 ngày xuất bán thì mình ngừng dùng là nó phai hết mà. Như bệnh gan nhiều khi phải cho tôm “ăn” thuốc đến khi gần bán. Nói chung là không lo chuyện không bán được đâu” - anh T nói.

Anh T bảo mỗi ngày bỏ ít nhất 15 triệu đồng xuống hồ, chưa kể chi phí đầu tư ban đầu cả tỉ đồng nên không để rủi ro. Theo T, các loại kháng sinh sử dụng trên tôm, người dân lén dùng, khi có lực lượng kiểm tra thì họ cất hết. “Dân người ta dùng thử chứ họ cấm dùng mà, kháng sinh thủy sản cũng vậy, nhiều loại không có đăng ký, không được phép xài đâu. Có người bán thì người nuôi tôm mua chứ dân đâu có biết gì đâu. Mỗi lọ nhỏ đã 9.000 đồng. Kháng sinh dùng cho tôm thì “nhẹ” tiền hơn kháng sinh người. Nửa cân khoảng vài trăm nghìn đồng” - anh T tiết lộ.

Anh T đưa cho PV xem một cuốn sổ tay của một Cty tại TPHCM giới thiệu hàng loạt các loại thuốc dùng cho tôm và cho hay: “Sơ sơ như mấy loại thuốc này có thành phần làm từ vi sinh vật, dùng nuôi tôm theo công nghệ mới như ngừa gan, đường ruột... nhưng khi tôm bệnh thì dùng nó cũng không ăn thua nên phải dùng kháng sinh”.

Cách đó chừng 10km là xã biển Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) có 4.350 lồng tôm tùm nuôi của 654 hộ. Nhiều năm nay, người dân cũng dùng kháng sinh vô tội vạ không ai quản lý khi tôm chết hàng loạt vì bệnh. Ông Nguyễn Thành Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh - vừa nói, vừa cười: “Chúng tôi có điều tra, tầm soát gì đâu mà biết họ dùng kháng sinh gì”. “Chính quyền cũng không khuyến cáo gì đối với người nuôi tôm?”. “Không khuyến cáo cũng không đề xuất cấp trên vì có biết chuyên môn gì và cũng không biết người nuôi tôm gặp khó khăn nào”.

“Người dân tự tìm hiểu mua các loại kháng sinh để sử dụng. Họ bỏ của ra đầu tư và tự bảo vệ lấy thôi, ăn nhờ lỗ chịu chứ chúng tôi không biết. Ở đây, ngoài người dân địa phương, còn có nhiều người nơi khác đến nuôi nữa. Họ nuôi được 15-20 năm rồi, thời gian gần đây, tôm bệnh, dịch chết nhiều lắm. Cũng có các trung tâm, đơn vị về tập huấn, kiểm nghiệm nọ kia, rồi có đưa phác đồ điều trị về rồi nhưng càng điều trị tôm... càng chết, chẳng thấy có hiệu quả gì. Mình không định hướng cũng không cứu được nạn tôm bệnh, tôm chết thì dân tự tìm các loại thuốc bán trên thị trường để tự cứu họ thôi chớ biết sao” - ông Tâm nói như... đùa.

Bất lực

Ông Lê Tấn Bản - GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa - cho biết, từ thập niên 90, tỉnh có quy hoạch vùng nuôi tôm với diện tích vài chục hécta nhưng được một thời gian, quy hoạch này bị “phá vỡ”.

Thấy nuôi tôm đem lại lợi nhuận kinh tế cao nên bà con ồ ạt mở rộng diện tích nuôi một cách tự phát. Nhất là tại TP.Cam Ranh, nhà nhà đổ xô phá chuồng heo chuồng bò làm hồ nuôi tôm, dẫn đến ngành nông nghiệp không quản lý hết được. Theo ông Bản, toàn tỉnh có mấy trăm trại nuôi tôm với diện tích khoảng 1.500ha nhưng nơi nuôi hiệu quả chỉ có khu vực Long Phú, thị xã Ninh Hòa.

Ông Bản thừa nhận người nuôi tôm có sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm vì nguồn nước nuôi tôm ngày càng ô nhiễm khiến tôm bệnh, dịch chết nhiều: “Lâu lâu thanh tra sở có phối hợp với cảnh sát môi trường, quản lý thị trường kiểm tra nhưng làm sao triệt để hết được. Cái này khó quản lý lắm, có cầu thì có cung mà” - ông Bản nói.

Trao đổi với PV, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nói rằng: “Khi xưa (năm 2008 - PV), người dân nuôi cá trẽm có sử dụng hóa chất Malachite Green (một hóa chất chuyên trị bệnh ghẻ - PV), dẫn tới nhiễm chất này vào sản phẩm khiến đối tác nước ngoài từ chối mua hàng vì nó tạo chất gây ung thư cho người. Còn tôm ở Khánh Hòa có nuôi nhiều đâu, nên hạn chế được dư lượng kháng sinh chứ”.

Trong khi ngành nông nghiệp lẫn chính quyền sở tại tầm soát không nổi việc người nuôi tôm sử dụng kháng sinh thì ông Thiên bảo: “Tôi chỉ đạo tiến hành kiểm tra, khuyến cáo cho người dân rồi đó. Chúng tôi hướng người dân thay đổi ý thức nuôi tôm sạch. Người dân cứ dùng kháng sinh rồi không bán được, hàng tồn ứ thì thiệt hại thôi. Không bán được đâu. Trung Quốc cũng không mua.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nguoi-viet-tu-dau-doc-bang-thuc-pham-ngam-khang-sinh-nguoi-nuoi-tom-biet-co-hai-nhung-bat-luc-536082.bld