Người Việt cúng ai trong lễ Giao thừa?

Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại, 'tống cựu nghinh tân', nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa.

CÚNG AI TRONG LỄ GIAO THỪA

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục viết:

“Tục ta tin rằng mỗi năm có một hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới”.

Cúng tế cốt ở tâm thành, và lễ cúng vào giữa nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương thay đức Ngọc hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa năm sau.

Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại, “tống cựu nghinh tân”, nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa. Những năm về trước, trong giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ luôn không ngớt, truyền từ nhà này sang nhà khác, khắp kẻ chợ, nhà quê.

Ảnh minh họa. Nguồn: Designecologist/Pexels.

SỬA LỄ GIAO THỪA

Tại các đình, miếu, cũng như tại các tư gia, lễ giao thừa đều có cúng mặn. Các ông thủ từ lo ở đình, miếu, còn tại các tư gia do người gia trưởng trù liệu. Xưa kia người ta cúng giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc thủ từ đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng cúng giao thừa ở thôn ở xóm nữa.

Lễ giao thừa ở các thôn xóm được tổ chức hoặc tại các văn chỉ nếu văn chỉ làng xây tại xóm, nếu không thì cũng tổ chức ngay ở tại điếm canh đầu xóm. Ở đây, vị được cử ra làm chủ lễ là vị niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn xóm. Bàn thờ được thiết lập ở giữa trời.

Một chiếc hương án được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thắp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm cỗ mũ của Đại vương hành khiển.

Lễ “quý hồ thành, bất quý hồ đa”, nhưng dù nhiều hay ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi tùy tục địa phương, và nhất là không quên được rượu, vì vô tửu bất thành lễ. Lễ vật được trần thiết trên hương án trước giờ trừ tịch.

Đến giờ phút này, chuông trống vang lên, ông chủ tế ra khấn lễ, rồi dân chúng kế đó lễ theo, với tất cả sự tin tưởng ở vị tân vương Hành khiển, cầu xin ngài phù hộ độ trì cho được một năm may mắn, bao nhiêu sự không may năm trước sẽ qua hết.

Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ Thành hoàng hoặc vị phúc thần tại vị nữa. Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật là đồ chay, và đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng đức Ông tại chùa.

Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố chật chội không có sân. Cũng một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên.

Ngày nay trước mọi biến chuyển dồn đập của thời cuộc nước nhà, ở thôn quê, rất ít nơi còn cúng lễ giao thừa ở các thôn xóm, ngoài lễ cúng tại đình đền.

Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng lễ giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì thật là giản tiện. Có khi chỉ là chiếc bàn con với mâm lễ vật, có khi mâm lễ vật lại đặt lên trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương!

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-viet-cung-ai-trong-le-giao-thua-post1458949.html