Người Việt cần có tính kỷ luật để khởi nghiệp hiệu quả hơn

“Tinh thần đổi mới sáng tạo, cải tiến liên tục phải là “kim chỉ nam” của mọi hành động, việc làm. Nếu mỗi ngày không làm tốt hơn, không đổi mới ngày hôm nay thì ngày mai sẽ càng khó khăn hơn. Đó chính là giá trị xuyên suốt mà mỗi người khởi nghiệp cần thực hiện”, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc công ty BOSCH Việt Nam nói.

Chiều 30/11, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc công ty BOSCH Việt Nam đã có buổi nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp tại Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Người Việt Nam thiếu tính kỷ luật và quy trình trong công việc

Ông Võ Quang Huệ, khách mời chính tại hội thảo đã đến rất sớm, khi mới chỉ có một vài vị khách mời. Ông lặng lẽ vào trong và đến từng dãy ghế, bắt tay, nói chuyện với những vị khách đầu tiên. Chính điều đó đã xóa tan khoảng cách của một người đứng đầu một công ty lớn và những doanh nghiệp startup. Những cuộc trò chuyện trở nên cởi mở hơn.

Đó có lẽ là phong cách làm việc mang tinh thần kỷ luật từ người Đức bởi ông Huệ đã có gần 40 năm gắn bó với các công ty của Đức. Tinh thần đó được ông Huệ chia sẻ thẳng thắn với cộng đồng khởi nghiệp tại TP.HCM trong buổi gặp gỡ.

Ông Võ Quang Huệ đến từng dãy ghế trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hà Thế An.

Quá trình nhiều năm làm việc tại Đức và gần 10 năm đưa BOSCH về Việt Nam, ông Huệ nhìn nhận, người Việt đặc biệt là những người trẻ có rất nhiều tố chất tốt để khởi nghiệp. Đó là sự thông minh, chịu khó, ham học hỏi và học hỏi rất nhanh. Tuy nhiên, khả năng học hỏi nhanh là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của nhiều người trẻ Việt Nam.

“Người Việt Nam chúng ta thường có thói quen bắt tay vào làm việc ngay mà thiếu sự tìm hiểu. Chính điều này đã dẫn chúng ta đến với những thất bại trong công việc. Một điểm khác, người Việt ta thường làm nhiều việc một lúc nhưng không có việc nào làm đến cùng để đạt được hiệu quả”, ông Huệ phân tích.

Nhìn ra thế giới, ông Huệ cho biết, văn hóa làm việc ở Đức nói riêng và các nước châu Âu nói chung, họ làm việc theo một quy trình thiết kế sẵn. Trong bất cứ việc gì, họ thường có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ trước khi hành động. Quá trình nghiên cứu sẽ tìm ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề, sau đó chọn giải pháp tối ưu nhất. Quy trình làm việc lần sau sẽ thay đổi để những sai lầm trong quy trình trước không bị phạm phải.

“Đặt trong một vấn đề cụ thể là những ngôi nhà bị cháy tại Đức. Cách làm của họ là tìm hiểu thật kỹ, đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân dưới nhiều góc độ khác nhau. Từ đó, họ bắt đầu đi vào phân tích các khả năng có thể gây cháy nhà. Từ các khả năng đó, họ đi đến kết luận là do quá trình hàn, tia lửa điện bắn ra xung quanh gây cháy nhà. Họ đưa ra giải pháp cụ thể, tối ưu để giải quyết vấn đề đó. Một quy trình làm việc tuân theo nguyên tắc và trình tự như vậy đã trở thành văn hóa trong làm việc của người Đức”, ông Huệ chia sẻ.

Từ câu chuyện thực tế đó, người đứng đầu BOSCH Việt Nam nhìn nhận, với người Việt cần tạo dựng một văn hóa làm việc có tính quy trình, đặt kỷ luật lên trên hết và luôn theo đuổi đến cùng cái đang làm. Có như vậy mới mong đạt được kết quả như mong muốn.

Đam mê khởi nghiệp vượt lên trên cả giấc mơ làm giàu

Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình, Tổng giám đốc BOSCH Việt Nam trải lòng, gần 10 năm đưa BOSCH về Việt Nam là quãng thời gian làm việc vất vả nhất trong cuộc đời của ông. Sự vất vả đó đến từ một đam mê cháy bỏng, là tinh thần muốn đóng góp một cái gì đó để phát triển đất nước.

“Sự đam mê đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu. Những dự án của BOSCH đang thực hiện tại Việt Nam như đưa sinh viên vào thực tập tại công ty, hỗ trợ những bạn trẻ nghiên cứu... đã và đang chứng minh cho thế giới rằng, người Việt vẫn có những tố chất để trở thành lao động chất lượng cao”, ông Huệ thẳng thắn.

Ông Huệ ký tặng sách dành tặng cho khách tham dự buổi nói chuyện. Ảnh: Hà Thế An.

Ông nói thêm, hãy đam mê công việc, đam mê khởi nghiệp vì một mục tiêu xa hơn cả giấc mơ làm giàu, tiền bạc. Vì tiền bạc sẽ có một thời điểm nào đó đạt đến mức giới hạn. Hãy giữ một đam mê “dài hơi” hơn là mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là những điều mà mỗi người khởi nghiệp hãy tự “cài đặt” trong tư tưởng của mình.

Cũng theo ông Huệ, những người khởi nghiệp cần xây dựng tinh thần này ngay từ đầu, nếu không xây dựng nền tảng tư tưởng tốt thì sẽ không khởi nghiệp tốt.

“Tinh thần đổi mới sáng tạo, cải tiến liên tục phải là “kim chỉ nam” của mọi hành động, việc làm. Nếu mỗi ngày không làm tốt hơn, không đổi mới ngày hôm nay thì ngày mai sẽ càng khó khăn hơn. Đó chính là giá trị xuyên suốt mà mỗi người khởi nghiệp cần thực hiện”, ông Huệ nói.

Đúc kết tại hội thảo, ông Huệ nhìn nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp hãy kết nối lại với nhau, tìm những người bạn, người đồng hành để thực hiện những dự án gắn với những nhu cầu của xã hội. Có ý tưởng nhưng phải biết khách hàng mình là ai, cần điều gì. Phải nắm vững nhu cầu khách hàng và chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ của mình cho phù hợp.

Ông Võ Quang Huệ (64 tuổi, quê Quảng Nam) tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen, Đức. Sau đó, ông làm việc tại Tập đoàn BMW từ năm 1980. Năm 2008, ông làm Tổng giám đốc BOSCH tại Việt Nam.

BOSCH là một Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có trụ sở đóng tại Đức. Theo số liệu sơ bộ, tập đoàn đạt doanh thu hơn 70 tỷ Euro trong năm 2015. Hoạt động của BOSCH được chia thành 4 lĩnh vực kinh doanh bao gồm: Giải pháp Mobility, Kỹ thuật Công nghiệp, Hàng tiêu dùng, Kỹ thuật Xây dựng và Năng lượng.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nguoi-viet-can-co-tinh-ky-luat-de-khoi-nghiep-hieu-qua-hon-c7a473142.html