Người tiêu dùng cần làm gì để không bị rơi vào 'ma trận' hàng giả, hàng nhái?

Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái không chỉ dừng lại ở các mặt hàng xa xỉ như đồ hiệu hay sản phẩm điện tử mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, đồ dùng cá nhân... khiến cho người tiêu dùng rơi vào tình thế khó khăn trong việc lựa chọn hàng chất lượng và an toàn. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cần làm gì để không bị rơi vào 'ma trận' hàng giả, hàng nhái?

Bên cạnh rất nhiều người mua phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng không rõ nguồn nhưng vì nhu cầu thích hàng thương hiệu, đẹp, giá rẻ và một phần cũng do điều kiện kinh tế hạn hẹp. Điều này vô tình đã “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái tồn tại trong chính cuộc sống hằng ngày.

Giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng

Theo kết quả ghi nhận, trong quý 1/2024, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 1.102 vụ; xử lý 1.019 vụ, tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá gần 29 tỷ đồng. Ngoài ra, đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 4 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 6,5 tỷ đồng.

Nếu sản phẩm có giá quá rẻ hoặc ưu đãi quá hấp dẫn, đặc biệt là trên một số trang web không rõ nguồn gốc, có thể là dấu hiệu của hàng giả.

Cụ thể, đội QLTT số 2, Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh T.T trên đường Ấp Chiến Lược, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra phát hiện hàng hóa là mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, chưa qua sử dụng, gồm 748 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại: 110 tuýp kem ngăn ngừa nám - làm trắng da hiệu TRANSINO; 350 hũ sáp dưỡng môi hiệu Vaseline và 288 chai nước hoa hiệu Lu Lan Zi.

Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm và phát hiện 600 hộp mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì không có công bố chất lượng sản phẩm,...

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không thực hiện việc đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Vào thời điểm kiểm tra, cơ sở đang kinh doanh 600 hộp mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trên bao bì không có công bố chất lượng sản phẩm. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 21 triệu đồng.

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện trong các khu vực nông thôn mà còn lan rộng đến các khu vực đô thị, thậm chí cả siêu thị cao cấp, khiến người tiêu dùng trở nên khó khăn trong việc mua sắm.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, buôn bán trên các trang thương mại điện tử dưới hình thức “treo đầu dê…” cũng diễn ra rất nhiều. Các sản phẩm được chào bán với những mẫu mã vô cùng bắt mắt, mới lạ, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với các hãng thậm chí rẻ hơn ở các chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, việc “tung hô” sản phẩm cũng khiến người tiêu dùng bị thu hút. Hầu hết người tiêu dùng đều rất thích các sản phẩm “ngon – bổ - rẻ”, hơn nữa, lại không cần phải di chuyển đến các địa điểm để mua sắm và thanh toán dưới hình thức online.

Hầu hết các doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều phải đối mặt với nguy cơ hàng giả, hàng nhái. Điều này làm mất uy tín, khiến khách hàng hoài nghi và có thể quay lưng với sản phẩm. Đồng thời, hàng giả còn cạnh tranh với hàng chính hãng bằng giá thành thấp, khiến doanh thu của các sản phẩm thật giảm sút.

Hàng giả, hàng nhái đa dạng về mẫu mã, giá cả linh hoạt và đặc biệt là đa dạng về loại hình. Sự nguy hiểm không chỉ nằm ở mức độ kinh tế mà còn ở tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với thực phẩm và thuốc.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Theo các chuyên gia, để không bị đánh lừa bởi sự bắt mắt của các sản phẩm cũng như giá thành rẻ, người tiêu dùng cần nắm vững thông tin về sản phẩm mình định mua. Việc tìm hiểu về các đặc điểm, tính năng, và giá cả trung bình của sản phẩm sẽ giúp phân biệt sản phẩm chính hãng và hàng giả. Nếu sản phẩm có giá quá rẻ hoặc ưu đãi quá hấp dẫn, đặc biệt là trên một số trang web không rõ nguồn gốc, có thể là dấu hiệu của hàng giả.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá và phản hồi từ người dùng khác cũng là một phương pháp hiệu quả để đánh giá độ tin cậy của sản phẩm và người bán trước khi đưa ra quyết định.

Ngoài ra, lựa chọn mua sắm từ các nguồn cung cấp uy tín và được biết đến là một cách an toàn, việc kiểm tra thông tin về người bán trước khi mua hàng là một bước quan trọng. Đảm bảo rằng thông tin liên lạc, địa chỉ cửa hàng và đánh giá từ người mua trước đều là đáng tin cậy và minh bạch. Các nhà bán hàng có uy tín thường cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết về sản phẩm, đồng thời cam kết đảm bảo chất lượng và đền bù nếu có vấn đề xảy ra.

Mua sắm online có thể coi là một hình thức rất tiện lợi, tuy nhiên những “thuật toán” thu hút người tiêu dùng được các nhà bán sử dụng vô tình khiến người tiêu dùng rơi vào “bẫy” của hàng giả, hàng nhái. Thế nên, cần phân biệt và đưa ra so sánh đối với các sản phẩm trước khi mua sắm.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, để phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao, bên cạnh phương pháp truyền thống, cần áp dụng công nghệ, có thay đổi quy định để thuận tiện hơn trong việc truy vết khi có hàng triệu người bán hàng trên mạng.

Đặc biệt, cần có quy định định danh người bán trên mạng xã hội, các sàn TMĐT trên cơ sở tận dụng, kết nối tốt cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Các nhà sản xuất cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và bảo vệ thương hiệu của mình để đảm bảo an toàn sản phẩm.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng của địa phương cũng như cơ quan an ninh mạng, nhất là tại các tỉnh có đường biên giới; tăng cường bám sát kho hàng, cơ sở, bến bãi trong quá trình kiểm soát hàng hóa.

Mua sắm thông minh là chìa khóa để ngăn chặn hàng giả và hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử cũng như tại các chợ truyền thống. Bằng cách nắm vững thông tin, kiểm tra đánh giá, lựa chọn nguồn cung cấp uy tín, kiểm tra thông tin về người bán và sử dụng các dịch vụ bảo vệ người tiêu dùng để tạo ra một môi trường mua sắm an toàn.

“Thay đổi thói quen tiêu dùng không chỉ là việc bảo vệ bản thân khỏi hàng giả, hàng nhái mà còn là một cách để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bản thân và gia đình. Bằng việc tự nâng cao ý thức và cảnh giác khi mua sắm, người tiêu dùng có thể tránh được những tác động tiêu cực từ thị trường hàng hóa đầy rủi ro này”, một chuyên gia khuyến cáo.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/nguoi-tieu-dung-can-lam-gi-de-khong-bi-roi-vao-ma-tran-hang-gia-hang-nhai-1099733.html