Người thầy nhiệt huyết đưa học trò đến 'cánh đồng chữ'

PGS.TS. Ngô Văn Giá được giới phê bình và sáng tác văn học nước ta mến mộ cả về tài năng và sự sáng tạo trong nghề, bên cạnh đó ông còn được biết đến là một nhà giáo tận tâm...

PGS.TS. Ngô Văn Giá được giới phê bình và sáng tác văn học nước ta mến mộ cả về tài năng và sự sáng tạo trong nghề, bên cạnh đó ông còn được biết đến là một nhà giáo tận tâm, người tiếp lửa cho các thế hệ học trò trong việc viết văn, viết báo khi là Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) 10 năm qua.

Thầy Văn Giá sinh năm 1959, quê Bắc Giang, là nhà lý luận phê bình và sáng tác văn học, đồng thời ông còn là một nhà báo. Cách đây 10 năm, thầy được mời về làm Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Đảm nhận trọng trách lớn và cả niềm vinh hạnh khi tiếp nhận “ngôi nhà văn chương” có tiếng trên cả nước, khi làm “ông chủ vườn ươm” những tài năng trong lĩnh vực văn chương - báo chí, thầy Văn Giá luôn nghĩ cách để giúp các sinh viên được thụ hưởng, tiếp cận tri thức, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm ngành viết văn, viết báo một cách tốt nhất.

PGS.TS Ngô Văn Giá (thứ 4 từ trái sang) cùng các sinh viên Khoa Viết văn đoạt thành tích cao tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI.

Khóa học nào cũng vậy, PGS.TS. Văn Giá thường hối thúc và động viên các sinh viên của mình sớm nhập cuộc, hòa vào với đời sống văn chương, báo chí nước nhà. Hằng năm, thầy Văn Giá cùng các giảng viên trong khoa tổ chức các chuyến đi thực tế đến nhiều vùng đất, địa danh khác nhau để sinh viên được mở rộng tầm quan sát, hơn nữa tạo niềm hứng khởi, cảm xúc để có động lực cầm bút sáng tác. Thầy luôn nhắc nhở sinh viên cần phải nâng mình lên để có những cảm xúc lớn đối với dân tộc, với đất nước. Nếu mỗi cá nhân không cảm nhận được mình là một phần máu thịt gắn bó thiêng liêng với Tổ quốc thì chắc chắn sẽ không có được cảm xúc lớn. Tổ quốc có trong cảm xúc, cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân.

Ông lấy ví dụ với sinh viên, trước đây, viết về biển đảo, về văn học chúng ta có Đảo chìm, Thơ tình người lính biển của nhà thơ Trần Đăng Khoa; Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến; Mộ gió của Trịnh Công Lộc (ấy là chưa kể các bài thơ mượn hình ảnh biển để nói về tình yêu đôi lứa như Biển của Xuân Diệu, Thuyền và Biển của Xuân Quỳnh, Trước biển của Hữu Thỉnh...). Đó đều là những tác phẩm văn học có giá trị viết về biển đảo của Tổ quốc. Giờ các học trò muốn “vượt mặt” những sáng tác ấy không hề dễ, thậm chí là không thể, mà cần phải làm khác đi. Nhưng thầy Văn Giá vẫn mong muốn ở các học trò: “Văn chương đòi hỏi sự kết tinh, nếu lúc này chưa làm “chín” được cảm xúc để sáng tác văn học thì hãy tập viết báo trước đã”. “Tôi luôn nhắc các sinh viên cần phải hài hòa giữa con người cá nhân và con người công dân, làm tốt trách nhiệm công dân; cần nhất quán cả trong đời sống, trong phát ngôn, trong học tập...” - PGS.TS. Văn Giá chia sẻ.

Theo PGS.TS. Văn Giá, hạnh phúc lớn nhất của người dạy nghề viết văn, viết báo là truyền được lòng đam mê cho học trò. Chỉ cần trò yêu nghề, có đam mê là xong; có thể học chưa giỏi, viết chưa giỏi nhưng nếu đam mê rồi dần dần hy vọng sẽ giỏi lên. Để truyền lửa cho thế hệ trẻ trong nghề chữ nghĩa nhọc nhằn, bằng mối quan hệ của mình, ông thường xuyên mở các cuộc tọa đàm, gặp gỡ giữa những tác giả trong làng văn học hàng đầu nước ta đến với các bạn sinh viên. Vì thế, bao thế hệ học trò Khoa Viết văn - Báo chí đã, đang được nghe những uy tín trong làng văn đến đứng lớp, giao lưu mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng có thể mời được, đó là nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Bùi Việt Thắng, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thị Minh Thái...; các nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Giáng Vân...; các nhà văn Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy...

Từ chiếc cầu nối mang tên Văn Giá đã giúp các sinh viên được nghe, gặp những tác giả nổi tiếng, điều này giúp sinh viên “vỡ” ra được nhiều điều bổ ích, học được nhiều cách trong việc “bếp núc văn chương” thế hệ trước truyền lại, đây là hành trang thiết thực giúp các cây bút trẻ đi đến tương lai tốt đẹp.

Thầy Văn Giá cũng rất quan tâm đến sự vận động của nền giáo dục nước nhà. Còn nhớ, khi có đề xuất nên đưa môn văn vào xét tuyển thí sinh ngành y, dược; PGS.TS. Văn Giá rất ủng hộ. Thầy cho rằng, tất cả các ngành đều quan trọng, riêng ngành y là ngành tiếp xúc với con người, cần hiểu tâm lý con người thì việc đưa môn văn vào xét tuyển là điều quá tốt. Biểu đạt giỏi, đó như một cây cầu nối để những người làm dược sĩ, bác sĩ tiếp xúc với mọi người, nhất là người bệnh được thuận lợi và lịch sự, hiệu quả. “Môn văn góp phần làm nên y đức. Những người yêu văn chắc chắn người ta phải sống tốt, yêu văn chương là yêu con người, trân trọng con người và có tình thương người” - PGS.TS. Văn Giá cho biết. Luôn “cháy” hết mình trong việc đào tạo ra các cử nhân văn chương, báo chí, thầy Văn Giá luôn dặn học trò mỗi khi ra trường để vươn ra biển đời, biển nghề: “Cứ trung thực, chân thành, khổ luyện chắc chắn sẽ thành công”!

Và hơn nữa, ngoài vai trò là nhà quản lý giáo dục - người thầy đứng trên bục giảng, thời gian qua ông cũng đã cho ra đời các cuốn sách về văn xuôi, lý luận phê bình được giới làm nghề, bạn đọc đánh giá cao: Một khoảng trời văn học, Vũ Bằng - bên trời thương nhớ, Đời sống và đời viết, Viết cùng bạn viết, Một ngày nát vụn, Người khác và tôi và mới nhất là Một ngày lưng lửng... Thầy Giá vì thế được đồng nghiệp, học trò mến mộ, bởi sự nhiệt tình, sâu sắc, sức sáng tạo trong văn chương, báo chí không ngừng nghỉ.

Bài và ảnh: Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-thay-nhiet-huyet-dua-hoc-tro-den-canh-dong-chu-n124960.html