Người San - bộ tộc duy trì tập quán hàng vạn năm

Người San hay người Bushmen được coi là hậu duệ của những cư dân lâu đời nhất ở Nam Phi, đồng nghĩa với việc họ thuộc về những nền văn hóa cổ xưa nhất trên trái đất. Theo thống kê dân số của người San vào năm 2017, có khoảng 105.000 người sống ở vùng hoang mạc miền Nam châu Phi.

Người San đến nay vẫn săn bắn động vật hoang dã bằng phương pháp cổ xưa hàng vạn năm. Ảnh: Get Real Africa

Theo thống kê của các tổ chức nhân khẩu học khu vực, người San sinh sống trên vùng lãnh thổ trải dài qua nhiều quốc gia trong hàng vạn năm, như: Botswana, Namibia, Angola, Zambia, Zimbabwe, Lesotho và Nam Phi. Trong đó, Botswana là nơi đông người San sinh sống nhất với khoảng 63.500 người.

Phần lớn các nghiên cứu khảo cổ ước tính, bộ tộc người San đã tồn tại từ khoảng 10.000 đến 20.000 năm. Một số cuộc khảo cổ di tích tại khu vực cho thấy những bằng chứng liên quan tới người San có niên đại lên tới 30.000 năm, thậm chí là 44.000 năm. Dù chưa có những lời giải xác đáng, song phần lớn thế giới tin rằng, người San đã sống tại khu vực khoảng 20.000 đến 22.000 năm.

Những tài liệu lịch sử ở châu Âu ghi nhận, năm 1652, người Hà Lan khai phá Nam Phi và gặp hai nhóm sắc tộc có những tương đồng về ngôn ngữ nhưng tập quán khác nhau, gồm người Khoikhoi chăn gia súc và người San săn bắn, hái lượm. Từ đây, người San được biết đến rõ nét với tập quán săn bắn, hái lượm.

Tài liệu lịch sử cũng chỉ ra rằng, dân số của người San có thể lên tới hàng triệu người, nhưng đã suy giảm đáng kể trong những biến động của thời cuộc liên quan tới người châu Âu. Bên cạnh đó, những sắc tộc bản địa có mức độ văn minh cao hơn cũng đã đẩy người San vốn sinh sống ở những vùng đất khô cằn buộc phải tiến sâu hơn vào những vùng hoang mạc.

Người San có tập quán sống bán du mục, tức là không ở một nơi quá lâu, họ sẽ di cư theo điều kiện của thiên nhiên, như sự dịch chuyển của nguồn nước, nguồn thức ăn. Người San thường sinh sống theo các nhóm từ 20 đến 30 người với đời sống tương đối hạnh phúc. Họ có tính sở hữu thấp, đặc biệt yêu thương trẻ con, tôn kính người quá cố, tính cách ôn hòa, yêu thiên nhiên...

Dù có sự tiếp cận với những sắc tộc chăn thả gia súc, song người San vẫn sinh sống chủ yếu bằng săn bắn động vật hoang dã và hái lượm những loại thực vật ăn được, nhất là khi môi trường sống của họ thường là nơi khó có thể trồng trọt, chăn nuôi. Người San coi săn bắn và hái lượm không chỉ là sinh kế, mà còn là văn hóa truyền thống không thể thay đổi, đã truyền đời trong hàng vạn năm.

Phụ nữ người Sam đảm đương công việc thu lượm thực vật dựa trên kiến thức truyền đời về các loại cây ăn được, cây làm thuốc và cây có độc. Khẩu phần ăn cơ bản của người San có tới 75% là thực vật, tức là phụ nữ cung cấp lương thực cao gấp 3 lần đàn ông. Đây là một lý do quan trọng khiến phụ nữ San có vị thế trong bộ tộc.

Trong khi đó, đàn ông người San thể hiện vai trò trong việc săn bắn với những phương pháp cổ xưa được duy trì đến tận ngày nay. Mục tiêu săn là các loài động vật hoang dã có vú, chim, bò sát, côn trùng. Các phương pháp săn chủ yếu của người San là đặt bẫy, sử dụng cung tên và săn bằng sức bền. Đáng chú ý, săn sức bền của người San tương tự như của các bộ tộc lâu đời nhất trên thế giới. Với phương pháp này, con người truy đuổi liên tục, theo dấu con vật cho đến khi con vật kiệt sức, không còn khả năng di chuyển. Bởi con người có nhận thức cao cấp hơn động vật về môi trường sống, biết mang theo nước và cơ thể có khả năng làm mát thông qua việc đổ mồ hôi. Ngược lại, động vật không thể chạy quá lâu vì không có hệ thống lỗ chân lông làm mát cơ thể, không thể mang theo nước.

Trong điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, người San có nền văn hóa truyền thống phong phú. Họ có thói quen tặng quà nhau, chế tác đồ trang sức bằng vỏ trứng; biết vẽ tranh chạm khắc trên đá ghi lại những điều xảy ra; có âm nhạc với việc nhảy múa xung quanh đống lửa; có hệ thống tín ngưỡng riêng với những tầng lớp vị thần... Người San cũng đúc kết kinh nghiệm sinh tồn để truyền cho các thế hệ tiếp theo.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-san-bo-toc-duy-tri-tap-quan-hang-van-nam-post471539.html