Người phụ nữ nặng lòng với khoa học

Sáng 8-3, Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trời mưa và lạnh đột ngột. Các cô, các chị từ phương nam ra, trang phục là áo dài không đủ ấm, phần không quen với khí hậu miền bắc và mọi người chưa kịp quen nhau nên không khí có phần chùng xuống. Đứng xếp hàng đợi trước rặng tre già, bỗng có tiếng hát tha thiết cất lên: Con ở miền nam ra thăm lăng Bác. Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát... Một vài, rồi cả nhóm cùng đồng thanh hát theo, hết bài này đến bài khác.

Không khí được hâm nóng khi chị em hát về Người với tình cảm thiết tha và biết ơn vô hạn. Người cất tiếng hát đầu tiên là PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà, nhà khoa học đã luống tuổi, tác giả và đồng tác giả 16 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích, công bố 150 công trình khoa học công nghệ. Đó là thành quả của quá trình nghiên cứu khoa học bền bỉ cháy bỏng đam mê của nguyên Trưởng phòng thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Khi tiếp xúc, có lẽ nhiều người như tôi đều cảm nhận PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà là người phụ nữ miệt mài với khoa học, luôn đầu tàu trách nhiệm; dẫu đến tuổi nghỉ ngơi mà vẫn nặng lòng với đam mê suốt cuộc đời với nghiên cứu khoa học. Bà vẫn luôn chọn những vấn đề mới, khó, cần huy động sự chung tay góp sức của nhiều người để giải quyết các vấn đề nóng của xã hội. Đó là phẩm chất đáng trân trọng ở bà cũng như cả một thế hệ phụ nữ làm khoa học cùng lứa. Họ thật sự có các phẩm chất để những thế hệ kế tiếp có thể học hỏi. Từ những trải nghiệm của chính mình, bà luôn sẵn lòng giúp đỡ cả trong đời sống cũng như những thời điểm khó khăn phải đối diện với những trắc trở, vấp váp. PGS,TS Cẩm Hà trải lòng với tôi về cuộc đời làm khoa học và những mối quan tâm...

PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến đi thực địa tại Đắc Nông nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

17 tuổi, với thành tích học tập tốt, bà được Nhà nước cử sang Liên Xô (cũ) học tại Trường đại học Tổng hợp Azecbaijan ở Baku. Ra đi trong điều kiện nước nhà đang chiến tranh ác liệt trên mọi mặt trận, bà và các bạn đồng khóa luôn sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Bà lựa chọn theo đuổi chuyên ngành nghiên cứu là vi sinh vật dầu mỏ, một lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam lúc bấy giờ. Bà vẫn nhắc, thời tôi học, tình thầy trò, tình bạn thiêng liêng cao quý lắm. Một thời tuổi trẻ đẹp đẽ, yêu thương, trân trọng, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập khiến họ khi quay về nước đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Đam mê khát vọng khám phá những vấn đề mới luôn chảy trong huyết quản và trở thành nguồn năng lượng sống của bà và những người bạn cùng thế hệ.

Năm 1995, khi đã tu nghiệp 10 năm ở nước ngoài, Nhà nước đề nghị trở về, bà chấp hành ngay, mặc dù thời điểm đó điều kiện làm việc ở nước ngoài thuận lợi với mức lương cao. Khi về nước điều kiện làm việc quá thiếu thốn bởi đất nước vừa trải qua thời bao cấp, khó khăn bộn bề, bà đã nhanh chóng thích nghi, và không ngừng cố gắng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Khi làm việc ở nước ngoài bà đã luôn có ý thức “bắc cầu nối khoa học” cho chính mình và thế hệ học trò để việc nghiên cứu thuận lợi với sự hỗ trợ, tích cực của các nhà khoa học nước ngoài. Trong lần trở lại thăm trường cũ năm 2015 ở Azecbaijan, PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà òa khóc với lòng biết ơn vô hạn khi gặp lại thầy cô. Người phụ nữ đã qua ngưỡng lục tuần vẫn giữ được nguồn năng lượng cảm xúc, khát vọng được tiếp tục làm việc để có thể làm được gì đó có ích cho lớp trẻ và xã hội. Tôi đã nhận thấy sự quyết tâm và tâm huyết thông qua cách bà chia sẻ nhẹ nhàng về các công trình mà bà cùng đồng nghiệp ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang thực hiện.

Năm 1999-2000, PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà nhận nhiệm vụ xây dựng quy trình khử độc chất diệt cỏ/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediatin). Nhóm nghiên cứu đã làm việc ngay tại những vùng đất có độ tồn lưu dioxin cao suốt thời gian dài để mang tất cả những gì thực hiện ở phòng thí nghiệm thành công áp dụng cho hiện trường ô nhiễm là các điểm nóng. Kết quả, chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện thành công ở quy mô lớn tại sân bay Biên Hòa và được Hội đồng cấp Nhà nước công nhận và quốc tế đánh giá cao do hiệu quả làm sạch chất diệt cỏ/dioxin đạt tiêu chuẩn, bởi đất sau khi xử lý có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại chi phí thấp mà độ an toàn cao.

Đề tài cấp Nhà nước làm sạch ô nhiễm dầu cũng do PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà làm chủ nhiệm được đánh giá cao do hiệu quả xử lý và chi phí cho công nghệ. Vì vậy, Nhà nước trao giải Nhất - Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2001. Cho đến nay công nghệ này vẫn đang áp dụng hoạt động tốt tại các kho xăng dầu của Petrolimex và đơn vị này luôn là ngọn cờ đầu trong bảo vệ môi trường cho vịnh Hạ Long. Năm ngoái, bà vinh dự được trao giải Kovalevskaia. Mặc dù phấn khởi tự hào, song với suy nghĩ của người làm khoa học, bà vẫn tiếp tục trăn trở tìm cái mới mà xã hội đang cần khi các nhà khoa học kết nối được với nhau. Có lẽ sức mạnh của người Việt nằm ở đó.

Nghiên cứu lĩnh vực độc hại như là duyên nghiệp của tôi. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bây giờ mới trở nên cấp thiết với đời sống, nhưng chúng tôi đã nghiên cứu hàng chuỗi giải pháp từ chục năm nay. Tôi xin được giữ im lặng trong thời điểm này và hứa sẽ có câu trả lời trong thời gian sắp tới, bà nói và cho biết nhóm luôn mong mỏi công nghệ xử lý dioxin bằng chôn lấp tích cực được ứng dụng rộng rãi. Để có thành công trong khoa học, bà phải hy sinh nhiều thứ, nhưng may mắn có gia đình hậu thuẫn. Đây cũng là điều mà bà thấy hạnh phúc nhất. Thời nào cũng vậy, người phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, phụ nữ làm khoa học càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn mới có thể trọn vẹn được đôi đường công tư. Thấu hiểu được điều đó, bà quan tâm nhiều đến đồng nghiệp nữ. Đề cao tính nghiêm túc, chỉn chu để đạt hiệu quả cao trong công việc nhưng cũng phải hết sức linh hoạt, và cần có tình thương, trách nhiệm với nhau thật lòng mới tạo được môi trường làm việc lành mạnh, mới có thể phát triển được, bà thường nói với đồng nghiệp trẻ như vậy.

Bên cạnh đó, hoạt động trong lĩnh vực khoa học nhiều lúc đòi hỏi sự mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ thành quả chung, ngay cả những thứ không nằm trong lĩnh vực chuyên môn. Bà vẫn nhớ lần tham gia một cuộc đàm phán quốc tế rất căng thẳng liên quan đến một vấn đề nhạy cảm và hết sức quan trọng. Cuộc đàm phán diễn ra tại một khách sạn lớn ngay giữa thủ đô. Cân não suốt bốn giờ đồng hồ để đấu tranh, thảo luận, rồi cũng đạt thỏa thuận ký kết cuối cùng. Không hiểu do sơ suất hay cố tình gây khó dễ, phía lễ tân của khách sạn không chuẩn bị quốc kỳ của cả hai quốc gia. Mặc dù ai cũng hiểu, nếu không có quốc kỳ hai nước, bản ký kết đó sẽ không đạt quy chuẩn quốc tế. Tình thế cấp bách, bà đã gằn giọng hỏi nhân viên lễ tân: Cô có phải là người Việt Nam không? Tại sao cô lại hành động như thế? Cô lễ tân khách sạn lí nhí xin lỗi bà, sau đó lãnh đạo khách sạn đã nhanh chóng đáp ứng đủ yêu cầu.

Ở tuổi 64, PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn luôn sống giản dị, nhiệt tình với đồng nghiệp, học trò. “Khi nhiều người bạn của tôi ra chiến trường không có cơ hội quay về thì tôi và nhiều bạn cùng thế hệ được đi học ở nước ngoài”, có lẽ điều mà bà Cẩm Hà chia sẻ trở thành một trong các động lực chính để bà chưa bao giờ từ bỏ khoa học, luôn dồn tâm sức, tiền bạc, sẵn sàng đến với những vùng đất và con người bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh và ô nhiễm môi trường.

Đam mê khát vọng khám phá những vấn đề mới luôn chảy trong huyết quản và trở thành nguồn năng lượng sống của bà và những người bạn cùng thế hệ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/item/32415202-nguoi-phu-nu-nang-long-voi-khoa-hoc.html