Người Pháp chỉ mất bao thời gian để điều chỉnh tên lửa cho Ukraine?

Tập đoàn MBDA của châu Âu gần đây thông báo rằng, họ chỉ mất 'vài tuần' để sửa đổi tên lửa hành trình SCALP-EG phù hợp với máy bay ném bom chiến thuật Su-24M của Ukraine.

Trong cuộc họp báo ngày 16/1 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ viện trợ cho Ukraine thêm 40 tên lửa SCALP-EG tầm xa mới. Những tên lửa SCALP này tương tự như Storm Shadow của Anh, nhưng có tầm bắn xa hơn.

Ukraine lần đầu tiên nhận được tên lửa SCALP của Pháp là vào năm 2022. SCALP giống hệt với tên lửa Storm Shadow của Anh, nhưng chỉ khác tên gọi. Đây là tên lửa tấn công tầm xa, phóng từ trên không, do Công ty quốc phòng châu Âu MBDA thiết kế và phát triển.

Tên lửa SCALP được thiết kế để sử dụng chống lại các mục tiêu có giá trị cao, được bảo vệ tốt và được biết đến với độ chính xác và sức mạnh hủy diệt. Loại máy bay có thể phóng được loại tên lửa này là Mirage 2000 và Rafale của Pháp và Eurofighter của châu Âu.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các kỹ sư Công ty quốc phòng MBDA, họ đã cải tiến tên lửa SCALP, để máy bay ném bom chiến thuật Su-24M của Ukraine có thể phóng được loại tên lửa này.

MBDA nhấn mạnh rằng, công việc mở rộng như vậy thường mất vài năm trong thời bình. Tuy nhiên, nhờ sự đồng ý của ban điều hành và đội ngũ kỹ thuật, MBDA đã đưa ra những quyết định và giải pháp nhanh chóng, nên một quy trình kéo dài đã được rút ngắn tối đa.

Nhưng đừng quên, đây không phải là lần đầu tiên tên lửa hành trình SCALP-EG được người Pháp được sửa đổi. Ngoài những gì đã biết, còn có một phiên bản ít quen thuộc hơn của loại tên lửa này được thiết kế để sử dụng trên tàu khu trục và tàu ngầm của Hải quân Pháp.

Theo thông tin được tờ báo Pháp Le Monde đăng tải vào tháng 12/2002, thì vào năm 1998, Hải quân Pháp đã có kế hoạch mua tới 500 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ để trang bị cho các tàu khu trục và tàu ngầm trong tương lai.

Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối thương vụ này, phần lớn là do lo ngại về kế hoạch của Pháp trang bị những tên lửa này cho các tàu chiến không phải của Mỹ. Trước sự từ chối của Mỹ, ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đề nghị phát triển loại tên lửa hành trình cận âm cho tàu chiến.

Thật phù hợp, người Pháp đã chọn tên lửa phóng từ trên không SCALP-EG để cải tiến làm vũ khí tấn công mặt đất, trang bị trên những tàu chiến của họ. Nỗ lực đầy tham vọng này đã được đặt tên là Naval Scalp, với tầm bắn dự kiến khoảng 1.300-1.400 km và dự định đưa vào trang bị năm 2011.

Bắt đầu từ năm 2010, Hải quân Pháp bắt đầu thử nghiệm chương trình Naval Scalp (còn được gọi là MdCN). Tuy nhiên, phải đến năm 2015, tên lửa hành trình này mới sẵn sàng hoạt động. Kể từ đó, nó dần dần tìm được chỗ đứng trên các tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Pháp.

Khi so sánh với sản phẩm tiền thân của nó là tên lửa phóng từ trên không SCALP-EG, thì Naval Scalp thể hiện một số khác biệt đáng chú ý, khi được trang bị động cơ tăng áp nhiên liệu rắn, giúp tăng tầm bắn và chiều rộng thân tên lửa giảm để phù hợp với ống phóng ngư lôi 533 mm.

Hiện những thông tin công khai về số lượng tên lửa MdCN được chế tạo và trang bị vẫn được Pháp giữ bí mật. Nhưng một số thông tin cho thấy, đơn đặt hàng tên lửa có thể vượt quá 200 quả và có thể tìm thấy tên lửa hành trình MdCN trên tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda và tàu khu trục dự án FREMM của Pháp.

Theo một số thông tin công khai, tên lửa MdCN có chiều dài 7 mét và chiều rộng 0,5 mét; trọng lượng ban đầu của nó là khoảng 1.400 kg, với đầu đạn nặng khoảng 250 kg. Tên lửa có thể bay với tốc độ gần 980 km/h và tầm bắn tối đa lên tới 1.000 km.

Câu chuyện đằng sau việc chế tạo tên lửa hành trình MdCN của Hải quân Pháp có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc với nền công nghiệp quốc phòng của Pháp; là ví dụ sinh động cho thấy, cần bao nhiêu thời gian và công sức để phát triển một loại tên lửa tương đương với tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Kênh quân sự Rybar chia sẻ một thông tin ngày 20/9/2023 cho biết, Ukraine đã sử dụng nhiều tên lửa SCALP (Storm Shadow) tấn công các mục tiêu của Nga ở bán đảo Crimea, với sự tham gia của một phi đội gồm 11 máy bay ném bom Su-24M, cất cánh từ sân bay Starokostyantyniv.

Tuy nhiên, trong số 11 chiếc Su-24M, chỉ có 5 chiếc được trang bị tên lửa Storm Shadow/SCALP. Khi số Su-24M đến ranh giới giữa tỉnh Odessa và Mykolaiv, số Su-24M này tách ra, 9 chiếc ở lại và 2 chiếc bay về phía nam tới Ochakiv. Khoảng giữa trưa, 8 tên lửa Storm Shadow/SCALP được phóng về Crimea.

Có một chi tiết thú vị, đó là theo Công ty quân sự tư nhân Medvedi đã quan sát thấy hai chiếc Su-24M bay thấp, cách mặt nước khoảng 40 mét, bắt đầu phóng tên lửa Storm Shadow/SCALP trên Biển Đen.

Điều đáng chú ý là cùng với việc máy bay Su-24M của Ukraine phóng tên lửa Storm Shadow/SCALP, thì cũng đồng thời phóng ba tên lửa mồi nhử AGM-160 MALD; mục đích cố gắng gây nhiễu lực lượng phòng không của Nga tại Crimea.

Theo thông báo của Quân đội Nga, Sư đoàn Phòng không số 31 bảo vệ bán đảo Crimea được trang bị hệ thống phòng không Pantsir-S1 đã đánh chặn được 5 tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP đang bay tới Mũi Tarkhankut và sân bay Belbek. Ba tên lửa còn lại đã đánh trúng khu vực Verkhnesadovoye, đây là một cơ sở quân sự bỏ hoang, nhưng không gây thiệt hại.

Video hệ thống phòng không Pantsir-S đánh chặn tên lửa hành trình Storm Shadow của Ukraine. Nguồn: topcor.ru.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nguoi-phap-chi-mat-bao-thoi-gian-de-dieu-chinh-ten-lua-cho-ukraine-1947553.html