Người nhiễm HIV vẫn gặp khó khăn trong việc tham gia Bảo hiểm y tế

Theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ thì 100% người nhiễm HIV có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Để thực hiện được mục tiêu đó, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT mới đạt hơn 50%. Để hiểu rõ hơn về những vướng mắc trong việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Phóng viên (PV): Việc triển khai thực hiện Quyết định số 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Đến thời điểm này, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT mới đạt hơn 50%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số bệnh nhân không tham gia BHYT vì sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử do lộ danh tính, ngại chờ đợi khi phải khám bệnh; số khác do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua BHYT theo hộ gia đình; số nữa do thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt, nên không đủ điều kiện tham gia BHYT. Từ thực tế đó, trong Quyết định số 2188/QĐ-TTg, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Thực hiện chỉ đạo này, nhiều tỉnh đã cân đối ngân sách địa phương mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn, để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực. Xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá việc triển khai khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho người nhiễm HIV nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hoàng Đình Cảnh.

PV: Thưa ông, để có thể chi trả BHYT cho bệnh nhân HIV, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải ký được hợp đồng với BHYT. Vậy thực trạng vấn đề này hiện nay thế nào?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Đến ngày 31-5-2017, 82% cơ sở điều trị HIV thuộc bệnh viện và trung tâm y tế 2 chức năng, trong đó 79,6% cơ sở ký được hợp đồng với cơ quan BHYT và 44,4% cơ sở cung cấp được dịch vụ qua BHYT. Có 9/29 trung tâm phòng, chống HIV ký được hợp đồng và 5/9 trung tâm đang cung cấp dịch vụ qua BHYT. Có 43 cơ sở đào tạo thuộc trung tâm y tế một chức năng tại 9 tỉnh, thành phố và 9 tỉnh đã ký được hợp đồng với cơ quan BHYT gồm: Bạc Liêu, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang. 20 tỉnh có cơ sở điều trị chưa thực hiện ký hợp đồng với BHYT.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, vì vậy, không ít cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề. Theo đó, số cán bộ y tế này phải có thời gian thực hành tại bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề và những cơ sở y tế mới được cấp giấy phép KCB. Cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện nhưng hoạt động theo dự án khi chuyển sang KCB BHYT phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng KCB HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán BHYT. Người bệnh nhiễm HIV trước đây được dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ chi phí KCB, đến nay nếu được thanh toán từ quỹ BHYT thì phải tham gia BHYT, mà người nhiễm HIV thường khó khăn về tài chính nếu phải mua thẻ BHYT thường xuyên, đầy đủ. Một số địa phương hiện nay còn hiểu chưa đúng về KCB BHYT cho người bệnh HIV/AIDS, cho rằng không cần thiết phải ký hợp đồng với cơ quan BHXH.

Khám bệnh cho người nhiễm HIV. Ảnh: HẢI HUỆ

PV: Như những vấn đề ông đã nêu, rõ ràng mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy ông có lời khuyên nào đối với người nhiễm HIV?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Lợi ích của BHYT là quá rõ ràng với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới BHYT toàn dân. BHYT lại càng cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS. Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ vào chi phí khám, điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Do vậy, người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT ngay từ bây giờ./.

AN AN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nguoi-nhiem-hiv-van-gap-kho-khan-trong-viec-tham-gia-bao-hiem-y-te-515539